Nhớ lại 2 lần “vượt cạn”, tôi không sợ lúc nằm trên bàn sinh. Nhưng tôi rất sợ phải tiếp khách đến thăm hỏi, chúc mừng sau đó. Rút kinh nghiệm xương máu, xin mọi người, và tôi cũng vậy, có thể nào học thuộc “nguyên tắc 5 không” khi đi thăm đẻ sau đây không?
1. Không ngồi quá lâu
Tôi rất hiểu, người ta phải quý mình lắm mới đến thăm và ngồi chơi với mẹ con mình lâu đến thế. Nhưng trong tình trạng cơ thể rã rời cộng với nhịp sinh học xáo trộn sau khi sinh, mình chỉ mong có thời gian để nghỉ ngơi.
Nhưng khách cứ ở mãi không về. Hết hỏi chuyện bầu bí, sinh đẻ lại truyền đạt kinh nghiệm nuôi dạy con, rồi hào hứng kể chuyện sinh con và nuôi con của mình… Đến khi tiễn khách về thì tôi cũng mệt đừ và… chuẩn bị tiếp khách khác.
Tôi nghĩ, thời gian của mỗi một lần thăm không nên kéo dài quá 15 phút. Hãy để bà đẻ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống và tập cho con bú.
2. Không đi nhóm đông
Tôi từng tiếp một lúc 20 người trong phòng hậu sản. Bà con cô bác dưới quê lên thăm, rủ nhau thuê một chiếc xe đi cho vui và khi vào phòng thì nói chuyện ồn ào như cái chợ. Không chỉ hỏi chuyện bà đẻ, hội đồng hương lâu ngày có dịp gặp nhau chuyển sang hỏi thăm nhau tá lả.
Sau đó thì tiếp nhóm đồng nghiệp, nhóm bạn cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp đại học, nhóm chơi cầu lông, nhóm học tiếng Anh… Nhóm nào cũng đông vui, xôm tụ.
Tôi biết các bà đẻ được mọi người quý mến mới có khách đông như thế. Nhưng trong lúc này, bà đẻ cần được yên tĩnh hơn lúc nào hết.
Hãy đi nhóm nhỏ và nói những chuyện cần thiết.
3. Không ẵm nựng trẻ sơ sinh
Hầu như ai đi thăm đẻ cũng thích ẵm nựng trẻ sơ sinh nhưng không phải ai cũng biết cách ẵm một sinh linh mềm oặt mới vừa chào đời với sức đề kháng còn yếu.
Các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý mỗi khi muốn chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và bé đều phải rửa tay sạch sẽ, đúng cách.
Người đến thăm có khi đi làm cả ngày, hoặc đi xe một đoạn đường dài, hoặc tiếp xúc với rất nhiều người nên áo quần tay chân bám bụi bẩn, vi khuẩn… nếu ẵm nựng, hun hít em bé thật sự không hề an toàn cho em bé.
Tôi từng từ chối không cho thím tôi ẵm em bé sơ sinh của tôi vì thấy thím vừa đi 1 quãng đường xa, lại đang bị ho. Sau đó, cả họ đều bảo tôi “khó tính”, “chảnh choẹ”. Tôi thà bị mang tiếng chớ không đánh đổi sức khoẻ của con tôi.
Tôi nghĩ, khi đến thăm đẻ, chỉ cần ngắm bé nằm trong nôi hoặc nằm trên tay mẹ là đủ thể hiện tình yêu rồi.
4. Không mang theo trẻ nhỏ
Nhiều người thích dẫn theo trẻ nhỏ đi thăm bà đẻ, để trẻ được thấy em bé lúc mới sinh như thế nào. Họ không lường được những tình huống dở khóc dở cười do trẻ nhỏ gây ra.
Trẻ nhỏ có thể khóc nhè hay la hét ngay trong phòng bà đẻ. Trẻ nhỏ có thể làm đau, làm ngợp thở hoặc gây nguy hiểm bé sơ sinh bất cứ lúc nào người lớn sơ ý.
Hơn nữa, bệnh viện không phải là nơi “trong lành”, nếu không muốn nói là dễ lây nhiễm, nên trẻ con càng ít vào bệnh viện càng tốt.
Đừng mang theo trẻ nhỏ khi đi thăm đẻ đế tránh sự cố cho cả đôi bên.
5. Không nói những câu thiếu tế nhị
Đây là những câu vô duyên “kinh điển”:
- Bầu to thế mà đẻ con có chút xíu vậy hả?
- Chưa thấy nét nào của bên nội cả.
- Cái trán này mai mốt lì phải biết.
- Bộ lúc mang bầu uống cà phê dữ lắm hay sao em bé đen thui vậy?
- Sinh đẻ bây giờ sướng như bà hoàng.
- Chồng đâu không thấy chăm vợ đẻ? Em thiệt vô phước
Vô duyên hơn nữa là những người cố vạch tã xem “chim” hay “bướm” của bé trước khi buông lời chọc ghẹo, cười đùa.
Bà đẻ có thể nói là người “nhạy cảm” nhất trái đất, cho nên khi đến thăm, tuyệt đối tránh những câu nhận xét, hỏi han thiếu tế nhị. Và cũng đừng bắt bà đẻ phải kể lại quá trình vượt cạn của họ. Có khi họ đã kể 1001 lần rồi.
Khi đi thăm đẻ, chỉ nên chúc mừng, hỏi thăm sức khoẻ, động viên, rồi ra về. Đó là những lời đẹp đẽ nhất trong hoàn cảnh này.
Vân Cát
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: