Các nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra một khoáng chất mới trên Mặt trăng.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (ngày 9/9), Dong Baotong, Phó chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA), đã công bố tên của loại khoáng chất mới là Changesite-(Y), theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
Baotong nói: “Phát hiện là một thành tựu khoa học lớn mà Trung Quốc đã đạt được trong lĩnh vực khoa học vũ trụ”.
"Đây cũng là một khám phá quan trọng với sự hợp tác liên ngành và liên chuyên môn giữa hạt nhân và hàng không vũ trụ”.
Từ 140.000 hạt mẫu lấy về từ Mặt trăng, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Địa chất Uranium Bắc Kinh đã xác định, phân tích và giải thích một hạt đơn tinh thể có bán kính khoảng 10 micron bằng các kỹ thuật tinh vi, bao gồm cả nhiễu xạ tia X.
Changesite-(Y) là một khoáng chất phốt phát trong tinh thể hình cột được tìm thấy trong các hạt bazan Mặt trăng.
Một ủy ban về khoáng sản mới của Trung Quốc thuộc Hiệp hội Khoáng chất Quốc tế (IMA) đã xếp Changesite-(Y) là một khoáng chất mới.
Đây là khoáng chất mới thứ 6 được con người xác định trên Mặt trăng. Với phát hiện mới, Trung Quốc đã cùng với Mỹ và Nga trở thành ba quốc gia trên thế giới làm được điều này.
Được đặt theo tên của nữ thần Mặt trăng trong thần thoại Trung Quốc, sứ mệnh khám phá Mặt trăng lần thứ 5 thuộc Chương trình Khám phá Mặt trăng Trung Quốc, Thường Nga 5 (Chang'e 5), cũng là sứ mệnh lấy mẫu Mặt trăng trở về đầu tiên của nước này. Sứ mệnh được phóng lên vũ trụ vào ngày 23/11/2020.
Vào năm 2020, sứ mệnh Thường Nga 5 đã trả về Trái đất mẫu đất đá Mặt trăng đầu tiên nặng khoảng 1.731 gram. Khoáng chất mới được phát hiện cũng được lấy từ các mẫu đất đá Mặt trăng.
Các nhà nghiên cứu từ một số cơ quan của Trung Quốc, bao gồm Viện hàn lâm Khoa học, Bộ Giáo dục và Bộ Tài nguyên, đã tham gia vào nghiên cứu các mẫu đất đá Mặt trăng.
Những khám phá mà họ đã thực hiện cho đến nay có ảnh hưởng đáng kể đến những hiểu biết hiện tại về sự hình thành và tiến hóa của Mặt trăng, cũng như các nỗ lực của chúng ta để xác định cách hiệu quả nhất để sử dụng tài nguyên từ vệ tinh tự nhiên này.
Nguồn: https://www.ntdvn.net/
hoa-hoc/trung-quoc-lan-dau-tien-tuyen-bo-phat-hien-ra-khoang-chat-moi-tren-mat-trang-374630.html
Did you mean hóa-học/trung-quốc-lần-đầu-tiên-tuyên-bố-phát-hiện-ra-khoáng-chất-mới-trên-mặt-trăng-374630.html
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: