Xem giá vàng trong nước lẫn thế giới hiện giờ mà em không khỏi hồi hộp đó bà con. Khi lên khi xuống khiến mình muốn mua đi bán lại kiếm chút lãi từ chênh lệch này e cũng khó.
Quan sát thị trường vàng thế giới thời gian qua em hiểu rằng giá vàng bị tác động bởi nhiều yếu tố từ kinh tế đến tình hình an ninh xã hội. Một khi tình hình bất ổn khiến nhiều người lo ngại về kinh tế trong thời gian tới, đó cũng là lúc mọi người đổ dồn vào việc tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, chính là vàng. Bởi nguồn cung vàng có giới hạn và theo quy luật cung cầu, khi lượng cầu lớn hơn lượng cung tất yếu giá sẽ tăng.
Tương tự với thị trường vàng trong nước cũng vậy, tuy nhiên sau thời gian dài tìm hiểu, em vẫn chưa rõ quy luật của giá vàng trong nước. Có khi theo dòng giá vàng thế giới tăng lên, nhưng đến khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước vẫn cứ đứng yên hoặc thậm chí đi ngược xu hướng, bất chấp tăng lên.
Chẳng hạn như hồi cuối tuần qua, giá vàng thế giới được cho là xuống thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, trong khi đó giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC được điều chỉnh giảm nhỏ giọt, còn giá vàng nữ trang giảm nhiều hơn.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cập nhật giá vàng thế giới đang ở mức 1.668 USD/ounce, tương đương gần 48 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng miếng SJC trong nước dao động quanh mức 65 – 66 triệu đồng/lượng, giá vàng nữ trang 4 số 9 trong nước quanh mức 50 – 51 triệu đồng/lượng.
So sánh bảng giá vàng thế giới và trong nước hiện nay, nhiều người vẫn thắc mắc rằng vì sao chênh lệch giữa chúng cao quá vậy?
Đối với loại vàng miếng SJC, giá cao hơn thế giới trên 18 triệu đồng/lượng, hoặc thậm chí có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng. Còn đối với loại vàng nữ trang 4 số 9, giá cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.
Đành rằng lượng vàng trong nước có hạn, chúng ta phải nhập khẩu vàng thế giới để bán ra, nhưng nếu cộng thêm các chi phí từ logistic, thuế nhập khẩu cùng với các chi phí phát sinh khác… thì cũng đâu đến mức gần 20 triệu đồng/lượng, phải không bà con?
Hơn nữa, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có đề cập rằng Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp gồm xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đúng quy định, tổ chức quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp từng thời kỳ, cũng như mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước, tổ chức huy động vàng theo đúng quy định.
Nhưng đối với bà con mà nói, thực tế giá vàng trong nước vẫn chưa thể coi là bình ổn khi mà vẫn còn neo cao hơn giá thế giới rất nhiều.
Ảnh trái: Biểu đồ giá vàng miếng SJC trong nước từ đầu năm đến nay. Nguồn: Mihong. Ảnh phải: Biểu đồ giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Nguồn: GoldPrice.
Được biết, hiện tại đúng là giá vàng thế giới đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua và nhiều chuyên gia dự đoán rằng giá vàng khó tăng trở lại bởi nhiều khả năng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vài ngày tới và trong ngắn hạn đến tháng 3/2023, mức này sẽ đạt đỉnh 4,5%/năm. Đứng trước dự báo này, đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm qua lên cao nhất kể từ tháng 4/2019 và các chuyên gia cho rằng vàng phải chịu sức ép giảm giá, trái với những gì trước đó chúng ta từng nghĩ trước bối cảnh lạm phát giá vàng sẽ tăng.
Bởi mới nói đời không ai lường trước được điều gì, nếu như ai cũng đoán trúng phóc thì có lẽ tất thảy mọi người đều giàu, chứ không có cảnh người giàu kẻ nghèo như bây giờ đâu. Đầu tư quan trọng nhất vẫn là tin vào chính mình, hơn là theo lời khuyên đi theo đám đông.
Nguồn: Webtretho
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: