19/9/22

10 kiểu 'dạy con một đàng, làm một nẻo' cha mẹ nào cũng mắc phải

Cha mẹ nào cũng muốn dạy cho con những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng lời nói mà không làm gương, con cái sẽ không nghe theo. Dạy con một đàng, mình làm một nẻo chỉ thêm phản tác dụng.

10-kieu-day-con-mot-dang-lam-mot-neo-cha-me-nao-cung-mac-phai

1. Dạy con ngừng chơi game nhưng cha mẹ luôn cầm điện thoại


Hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay đều “đau đầu” vì con ghiền chơi game. Họ làm đủ cách để con rời xa điện thoại, máy tính bảng được chút nào hay chút đó. Doạ dẫm, dụ dỗ, năn nỉ, nạt nộ.., kiểu nào cũng có. Chỉ trừ một kiểu họ không làm: buông điện thoại.

Không thể dạy con ngừng chơi game khi mình cứ 5 – 10 phút lại kiểm tra điện thoại.

2. Dạy con lễ phép nhưng cha mẹ không biết chào hỏi


Trẻ con có “nguyên tắc” của trẻ, không làm theo lời người lớn bảo mà bắt chước theo người lớn làm.

Khi cha mẹ chào hỏi người khác, trẻ con sẽ làm theo. Đừng cứ bảo trẻ: chào ông/bà/cô/chú… đi con, trong khi mình không chào hỏi người khác bao giờ.

3. Dạy con ham học nhưng cha mẹ không đọc sách


Ai cũng dạy con cái học hành chăm chỉ, say mê tìm hiểu kiến thức nhưng bản thân mình chẳng bao giờ đụng tới quyển sách.

Người lớn có thể cập nhật thông tin, kiến thức từ chiếc máy tính có kết nối internet nhưng với con trẻ, học từ sách vẫn là phương pháp hiệu quả đang được áp dụng.

Vậy, cha mẹ hãy rèn luyện thói quen đọc sách, trước khi yêu cầu con phải chăm chỉ học hành.

4. Dạy con hiếu thảo nhưng cha mẹ không quan tâm ông bà


Đành rằng, con cái không đòi được sinh ra. Cha mẹ sinh con ra vì niềm vui của cha mẹ. Nhưng nếu con cái biết hiếu thảo với cha mẹ thì niềm vui nhân lên gấp bội. Bậc cha mẹ nào cũng trông mong điều đó.

Nên cha mẹ luôn kể lể công lao khó nhọc của mình trong việc sinh thành dưỡng dục con cái nhưng rất ít hoặc không thèm quan tâm đến ông bà nội ngoại, là những người đã sinh thành dưỡng dục mình.

5. Dạy con năng động nhưng cha mẹ lười vận động


Nếu trong thời gian biểu của cha mẹ không có khoảng nào dành cho việc đi bộ hoặc chơi thể thao thì đừng mong con cái thích vận động.

Không muốn thấy con ù lì, chậm chạp nhưng cha mẹ luôn ngồi một chỗ. Thậm chí khi cần ra đường, chỉ cách nhà mấy bước chân cũng phải ngồi trên xe máy. Công việc tay chân trong nhà phó tất cả cho người giúp việc.

Con cái sẽ “sao y bản chính” thói quen lười vận động của cha mẹ một cách nhanh chóng.

6. Dạy con nên tự tin nhưng cha mẹ luôn tự tiTrời ơi, sao mình béo thế này?

Mình chẳng có bộ đồ nào ra hồn?
Người ta thăng chức vì người ta có ô dù, mình dân ngu cu đen nên lẹt đẹt mãi phải rồi!
Nhà mình nghèo, đừng mơ đến mấy chỗ sang trọng đó!…

Nếu như con cái luôn luôn phải nghe cha mẹ thốt ra những lời “cay đắng” như thế thì chúng cũng mặc nhiên cho rằng mình kém cỏi, nghèo hèn, thấp bé, có cố gắng mấy cũng không được gì.

Chẳng phải làm cha mẹ ai cũng muốn con cái tự tin sao?

7. Dạy con trung thực nhưng cha mẹ giả dối


Nói giả dối thì hơi nặng nhưng thực chất, nhiều bậc cha mẹ thản nhiên nói xạo, làm xạo trước mặt con mình. Cha mẹ sẽ biện hộ rằng có những điều dối tốt hơn điều thật.

Trẻ con không nghĩ thế. Với chúng, đúng là đúng, sai là sai. Nếu muốn con trung thực, đừng thể hiện mình là kẻ nói dối trước mặt con. Đừng bao giờ:Báo bệnh, xin nghỉ phép trong khi chỉ muốn nghỉ để đi săn hàng giá rẻ.
Đang ở nhà nghe gọi điện thoại giục đến chưa thì bảo gần đến.
Mê xem phim không nấu cơm rồi đổ thừa do bị đau bụng…

8. Dạy con nói chuyện lễ độ nhưng cha mẹ luôn cộc lốc


Nhiều người đặt câu hỏi vì sao người trẻ bây giờ nói chuyện bằng những câu què quặt, thiếu chủ ngữ, vị ngữ. Trước khi đổ tội cho truyện tranh, game, chat… cha mẹ hãy nhịn nhận xem có phải con trẻ noi gương mình không.
Dậy đi!
Ăn lẹ, trễ rồi!
Không được chơi game!
Bị câm à? Không biết mở miệng ra nói à?

Không chỉ nói cộc lốc với trẻ, cha mẹ nói chuyện với nhau cũng thiếu chủ ngữ, thiếu kính ngữ và thiếu cả thái độ yêu thương, chân thành thì đừng đòi hỏi ở trẻ những câu nói tròn trịa, lịch thiệp.

9. Dạy con mạnh dạn nhưng cha mẹ luôn đe doạ


Tệ hơn cách nói chuyện cộc lốc là những câu nói mang tính đe doạ mà cha mẹ thường xuyên nói với con cái.
Chạy chậm thôi, té là ăn đòn!
Không ăn bữa nay thì chiều cho nhịn luôn!
Nín ngay! Con mà khóc nữa là mẹ dẫn qua nhà bác Bảy cho chó cắn đó.
Con mà còn để cô giáo mắng vốn nữa là ba đuổi ra khỏi nhà luôn.

Dần dần, trẻ sẽ đánh mất sự linh hoạt, dạn dĩ thay vào đó là nỗi sợ hãi, nhút nhát, rụt rè.

10. Dạy con sống lành mạnh nhưng cha mẹ luôn cho ăn tiệm


Trẻ con rất thích ăn tiệm vì được ăn những món hợp khẩu vị như đồ ngọt, đồ chiên, đồ nướng. Cha mẹ cũng thích cho con ăn tiệm, vì khỏi phải mất thời gian nấu nướng, vừa khỏi ép con ăn, có khi lại còn “rẻ tiền” hơn nấu ở nhà.

Tuy nhiên, ở tiệm không bao giờ có thể cung cấp một bữa ăn sạch, lành với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít gia vị, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hơn nữa, ăn ở tiệm không có cơ hội chuyện trò thân mật hay tâm tình cùng nhau. Nói cách khác, ở tiệm ít có một bữa ăn gia đình đúng nghĩa.

Nếp sống lành mạnh phải bắt đầu từ bữa ăn mới đúng.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên và gần gũi nhất với con cái. Ngoài lời nói, hãy dạy con bằng bằng chính hành động, lối sống, lối tư duy của chính mình.



Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: