Giáo sư Ernst Muldashev và những nhà khoa học hàng đầu thế giới đã dấn thân vào một hành trình kỳ lạ, phát hiện những điều chấn động từ dãy Himalaya. Liệu nguồn gốc nhân loại có thể sẽ được sáng tỏ từ khu vực núi thiêng Kailash?
Trong phần 1, đạo sư Daram đã cho Giáo sư Muldashev biết rằng trên Trái Đất có ít nhất 22 nền văn minh tiền sử với trình độ phát triển cao đã từng tồn tại và bị hủy diệt. Trong Phần 2 chúng ta đã biết động xô-ma-chi hé mở một phần bức màn bí mật về nguồn gốc nhân loại, nhưng chưa mở hoàn toàn.
Liệu còn có vùng đất linh thiêng nào đang cất giấu bí mật về nguồn gốc loài người? Giáo sư Muldashev đã tham khảo nhiều tư liệu có nhắc đến sự tồn tại của linh địa Shambhala có ẩn chứa nhiều bí mật về nguồn gốc loài người.
Shambhala có nghĩa là “vùng đất của bình an” hay “vùng đất của sự tĩnh lặng”, là một thiên đường được nói đến trong rất nhiều thư tịch cổ của Lạt ma Giáo hay Phật giáo Tây Tạng. Theo truyền thuyết, Shambhala được gọi là “Thành phố của Chúa trời” (City of God), là nơi mà chỉ những người có trái tim thuần khiết mới có thể sống, nơi con người sẽ miễn nhiễm với đau khổ, dục vọng hay tuổi già.
Những tư liệu nghiên cứu không đủ để giáo sư Muldashev định vị chính xác vị trí của Shambhala là ở Himalaya, Tây Tạng hay Cao nguyên Gobi. Tuy nhiên, theo trực giác, ông cho rằng vùng đất này ở đâu đó nơi Tây Tạng - tại khu vực cao nguyên ở độ cao trên 5.000 mét.
Vì thế, vào năm 1999, ông quyết định thám hiểm Tây Tạng lần nữa. Manh mối cho chuyến đi lần này là thông tin về núi Kailash linh thiêng - được cho là có liên quan đến vùng đất linh Shambhala.
Núi thiêng Kailash
Trong chuyến thám hiểm Himalaya lần 3 vào năm 1998, điểm cuối cùng đoàn thám hiểm ghé thăm là động xô-ma-chi Vasitgupha ở gần khu vực sông Hằng, Ấn Độ. Tại đây, đoàn có cuộc gặp với tu sĩ Arun.
Tu sĩ Arun phát hiện bức ảnh ông Muldashev chụp vệt năng lượng có kết cấu không gian hình kim tự tháp ở động Vasitgupha - giống hệt với bức ảnh mà ông chụp được ở Kim tự tháp Ai Cập, đồng thời nó cũng tương tự với bức ảnh mà ông chụp được về núi Kailash.
Qua câu chuyện với tu sĩ Arun, giáo sư Muldashev được cho biết rằng núi thiêng Kailash ở độ cao gần 7.000 mét - có thể không chỉ là một quả núi, mà là một kim tự tháp, nó có nhiều điều rất khác thường.
Tu sĩ Arun cho biết ở Ấn Độ, núi Kailash được coi là nơi linh thiêng nhất trên thế giới. Trong sách tôn giáo của Ấn Độ có viết rằng núi thiêng Kailash gắn liền với Chúa, tư duy bằng trí tuệ của vũ trụ và là trung tâm của các lực prana của hành tinh. (Prana được cho là năng lượng thể chất, trí tuệ, tâm linh và vũ trụ. Tất cả các năng lượng vật lý như nhiệt, ánh sáng, trọng lực, từ tính và điện cũng là prana).
Vị tu sĩ nói: “Ở đất nước này, chúng tôi cho rằng mọi kim tự tháp đều xuất phát từ núi Kailash… như tôi đã nói, núi Kailash điều khiển mọi lực prana trên trái đất”.
Trong thời gian dừng chân ở thủ đô Nepal để chờ visa vào Tây Tạng, đoàn thám hiểm được nghe về truyền thuyết, rằng đôi mắt ở trên các bảo tháp của Nepal nhìn về hướng Shambhala.
Nepal có hai bảo tháp lớn, Svaiambanat và Boudhanath. Giáo sư Muldashev đã phát hiện rằng con mắt của bảo tháp Svaiambanat đã quay về hướng núi Kailash. Vậy rất có khả năng núi Kailash nằm ở khu vực của Shambhala.
Tại đây, đoàn còn khám phá ra một bí mật thú vị khác.
Cổ vật kỳ lạ tạo dựng núi thiêng Kailash
Khu bảo tháp Svaiambanat, Nepal có trưng bày một tượng đài có hình dáng kỳ lạ bằng đồng, trông giống như con tôm. Giáo sư Muldashev được giới thiệu đến Kiram - người có nhiệm vụ trông giữ kho sách cổ Tây Tạng bằng tiếng Phạn và đã đọc rất nhiều văn bản Tây Tạng. Rồi anh ta bị đuổi việc vì đã đọc những văn bản mà không ai được phép đọc.
Kiram bên cạnh cỗ máy bí mật để xây dựng các tượng đài của người xưa, được cho là đã được sử dụng cho việc xây dựng núi thiêng Kailash. (Nguồn: Muldashev)
Kiram cho biết tượng đài kỳ lạ này là một cỗ máy của người xưa, được dùng cho mục đích... xây núi. Trong các bản văn Tây Tạng viết rằng, cỗ máy này bay lên và tiện núi để tạo ra các hình núi khác nhau.
Giáo sư Muldashev kinh ngạc im lặng trong chốc lát, rồi ông đoán ra rằng có lẽ từ “núi” ở đây muốn nói đến những tượng đài cổ xưa (ví như núi Kailash) đã được tạo tác bằng cách tiện và tái tạo.
Giáo sư Muldashev hỏi tiếp rằng máy này tiện núi như thế nào. Mắt Kiram sáng lên, ông cho biết núi được tiện bởi năng lượng vi tế thoát ra tại vị trí các càng tiếp hợp của cỗ máy. Chỗ nào cỗ máy đó bay tới là đá, bụi bắn ra tung tóe. Và cỗ máy đó thực hiện điều mà con người đang nghĩ. Nó có thể thọc sâu vào lòng núi để đào đường hầm, có thể lướt trên sườn núi tạo ra các rãnh, luống và nhiều thứ khác.
Muldashev hỏi tiếp rằng năng lượng nào đã khởi động cỗ máy đó. Kiram cho biết năng lượng của ý nghĩ con người, tức tâm năng. Trong các văn bản viết rằng ý nghĩ của con người khởi động nó. Đồng thời Kiram cũng cho biết, điều quan trọng là phải biết câu thần chú (mantra) để khởi động và điều khiển cỗ máy này. Không có câu thần chú, cỗ máy sẽ bất động. Nhưng Mantra chỉ được truyền khẩu một cách rất bí mật.
Nếu tìm hiểu Phật giáo Tây Tạng, ta sẽ biết được rằng cỗ máy kỳ lạ mà Kiram nói đến được gọi là Kim cương chử hay Chùy kim cương (tiếng Phạn là vajra). Nó được coi là một pháp khí cứng rắn như kim cương, có thể cắt mọi vật thể khác mà không vật thể nào cắt được nó, đồng thời, nó có thêm sức mạnh vô địch của sấm sét.
Trong chuyến thăm Lebanon và Syria năm 2005, ông Muldashev đã phát hiện ra những vùng núi đá có vết cắt hàng nghìn năm trước bởi các cỗ máy khổng lồ - giống như là bị phay bởi các máy phay đá khổng lồ. Điều này gợi ý rằng các cỗ máy chế tác đá mà Phật giáo Tây Tạng gọi là Kim cương chử được nhìn thấy ở bảo tháp Svaiambanat, Nepal là có thật.
Tiết lộ cửa vào núi thiêng Kailash
Qua sự chỉ dẫn, đoàn thám hiểm đã đến động xô-ma-chi ở chùa Harachi Nepal - nơi có 7 tầng cửa cần vượt qua để vào nơi có người xô-ma-chi, người xâm nhập trái phép vào động sẽ bị mù tạm thời ở cửa thứ 2. Giáo sư Muldashev đã có cuộc trao đổi thú vị với Astaman Bindacharaya, người có nhiệm vụ coi sóc ngôi chùa.
Muldashev đã hỏi về 100 cái máy trong tổ hợp tháp Svaiambanat - được cho là dùng để xây núi. Ông Astaman cho biết chúng được lấy lên từ hang động ngầm dưới mặt đất do Thánh Harachi canh giữ.
Ông Astaman cũng cho biết các cỗ máy đó dùng để xây dựng các tượng đài. Nhưng để khởi động nó phải biết thần chú, và chỉ có Thánh Harachi mới biết. Theo lời kể của dòng họ Bindacharaya của ông, thì rất nhiều máy móc của cổ nhân đang được gìn giữ trong hang động ngầm của Kailash.
“Thế Kailash có bao nhiêu cửa vào thưa ông?”, giáo sư Muldashev hỏi.
Ông Astaman nói ông không biết chính xác, và chỉ có thể nói rằng lối vào hang động ngầm được đánh dấu bằng pho tượng “người đang đọc bảng vàng”. Điều này khiến Muldashev nhớ tới các huyền thoại và thông tin trong các bản văn bí truyền về những bảng vàng lừng danh của người Lemuria, trên đó đã được ghi lại cái gọi là “tri thức đích thực”. Nền văn minh của người Atlan tiến bộ là nhờ họ đã sử dụng những bảng vàng của người Lemuria.
Bức tượng “Người đang đọc bảng vàng” – dấu hiệu đến cửa núi thiêng Kailash
Khi đoàn khảo sát trên đường gần tới núi Kailash và thánh địa Shambhala, ông Muldashev phát hiện ra rất nhiều vòng tròn bí ẩn có đường kính khổng lồ được tạo trên cỏ, tương tự như những vòng tròn xuất hiện trên các cánh đồng lúa mì ở Anh quốc.
Ở Anh, những vòng tròn khác thường xuất hiện chủ yếu ở những vùng gần các tượng đài cổ xưa như Stonehenge; còn ở Tây Tạng, chúng xuất hiện gần núi thiêng Kailash.
Nằm trong dãy Himalaya, núi Kailash cách Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng – 1.000 km về phía Tây. Có hàng ngàn người đã từng leo lên đỉnh Everest ở độ cao 8.848m, còn đỉnh Kailash chỉ cao gần 6.700m thì chưa từng có ai đặt chân đến. Các truyền thuyết kể lại rằng, những người đặt chân lên con dốc dẫn lên đỉnh núi đều phạm thượng và có thể đã chết.
Giáo sư Ernst Muldashev đã 3 lần đoạt giải kiện tướng du lịch thể thao, nhìn chung, đoàn của ông không gặp khó khăn gì về sức khỏe.
Trên đường đến Kailash, Muldashev và đoàn thám hiểm may mắn nhìn thấy bức tượng Người đang đọc bảng vàng – người lưu giữ tri thức của Shambhala, nơi được coi là có lối vào thứ hai của hệ thống đường hầm dưới núi Kailash.
Ở điều kiện bình thường, rất hiếm có người nhìn thấy bức tượng này, vì theo những người Tây Tạng, bức tượng luôn hút mây về phía mình, đồng thời nó cũng được bảo vệ bằng những lực bí ẩn, khiến không người thường nào dám đến gần.
Giáo sư Muldashev chia sẻ: “Trông thấy rõ bức tượng người đọc bảng vàng to lớn tọa ở tư thế hoa sen… Bức tượng được đặt trên bệ nhiều bậc, nói đúng hơn là trên đỉnh kim tự tháp bậc thang cao không dưới 6000 mét... Kích cỡ bức tượng theo chúng tôi đánh giá ít nhất cũng bằng ngôi nhà 10-12 tầng”.
Tại khu vực núi Kailash và xung quanh, đoàn thám hiểm đã phát hiện ra sự tồn tại của hơn 140 kiến trúc đá và kim tự tháp nhân tạo khổng lồ có kích thước từ hàng trăm mét đến hàng ngàn mét với các hình dáng, kiến trúc và đặc tính khác nhau.
Theo Muldashev, thời gian xây Shambhala có lẽ vào thời kỳ văn minh Atlantis, tức giai đoạn tồn tại chủng tộc thứ tư của nhân loại, hoặc sau đó, khi những người Atlan ưu tú nhất thoát chết đã chuyển nơi sinh sống tới vùng Shambhala tuyệt đẹp. Như vậy rất có thể Shambhala được xây dựng cách đây hàng triệu năm.
Với hầu hết mọi người, chúng trông giống những ngọn núi tự nhiên. Nhưng dưới con mắt quan sát của đoàn thám hiểm, thì những ngọn núi đó chính là các công trình nhân tạo cổ xưa.
Là một nhà khoa học lớn, để chứng minh lập luận các ngọn núi ở khu vực xung quanh Kailash là các công trình nhân tạo, Giáo sư Muldashev đã chụp ảnh và quay video ở nhiều góc độ. Mô tả về các kim tự tháp, ông Muldashev cho biết:
“Có thể thấy rõ quả đồi cao trước Kailash có dấu vết như thể của tác động bằng máy móc từ thời xa xưa. Nhìn kỹ thì thấy các dấu vết đó phác họa những cấu trúc rất giống hai kim tự tháp bậc thang khổng lồ. Trên đỉnh một trong số kim tự tháp nhìn thấy khá rõ như thể có ba tâm tròn xếp chồng lên nhau, còn trên đỉnh kim tự tháp khác nhìn thấy rất nhiều phế tích đứng sát nhau, hoặc là những hình người cổ xưa do ai đó tạo ra”.
Theo ông Muldashev, Kailash trông giống như kim tự tháp bậc thang khác thường, vĩ đại.
Bí ẩn Thung lũng Tử Thần gần núi thiêng Kailash
Ở khu vực quanh núi Kailash, có một thung lũng tên là Thung lũng Tử Thần. Người Tây Tạng có truyền thuyết rằng thung lũng này cai quản bởi Tử vương Iama. Rất nhiều người đến đây đã bỏ mạng, cũng có rất nhiều đạo sĩ đến đây thiền định và viên tịch, họ cho rằng đó là cái chết hạnh phúc nhất.
Bản đồ núi Kailash có chỉ vị trí Thung lũng Tử thần, Tấm gương chủ chốt của Thời gian và các khu vực bí ẩn khác gần núi thiêng Kailash. (Nguồn: Muldashev)
Đoàn thám hiểm phát hiện rằng ở khu vực tổ hợp Shambhala có rất nhiều các công trình đá đặc biệt trông như những tấm gương. Trong đó có rất nhiều tấm gương cong. Công trình đặc biệt nhất được gọi là tấm Gương chủ chốt của thời gian - cao khoảng 600 mét, rộng khoảng 1500 mét, tổng diện tích xấp xỉ 1 km2. Và tấm gương đó được cho chính là Tấm gương của Tử vương Iama.
Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Nga Nikolai Aleksandrovich Kozyrev đã từng khám phá ra lý thuyết về gương thời gian. Ông cho rằng dòng chảy thời gian là vật chất và có thể thay đổi hướng đi của nó, làm nó dày lên và mở rộng.
Giáo sư Muldashev cho rằng “Gương Chủ chốt của thời gian” khổng lồ ở nơi này có khả năng nén năng lượng thời gian mạnh tới mức làm xảy ra sự biến đổi về chất – bằng cách nào đó nó ảnh hưởng tới không gian và chuyển người ta sang thế giới song hành - tức không gian khác.
Giáo sư Muldashev nhớ rằng Lạt ma giáo phái Bonpo từng chia sẻ tương tự, rằng khu vực Kailash thiêng có những chỗ đặc biệt, ở đó con người như là nhìn thấy trong gương, những thế giới song hành và thậm chí có thể trông thấy xứ sở Shambhala.
Lạt ma Bonpo đó còn cho biết người bình thường không thể tới đó được vì thân xác người này sẽ hóa tro, và chỉ “những người vĩ đại” mới có thể làm được điều đó.
Vào những năm 1980, một đoàn vận động viên leo núi ở độ tuổi 28-30 gồm 2 người Đức, 2 người Anh - đã thám hiểm khu vực Kailash và đột nhiên mất tích. Sau đó 4 ngày, 4 vận động viên này được tìm thấy nhưng họ đã già hơn hàng chục tuổi. Một năm rưỡi sau, cả 4 vận động viên này đều qua đời vì quá già. Liệu có phải họ đã đi vào vùng tác động của các gương thời gian và bị đẩy sang một không gian khác - mà ở đó thời gian trôi cực nhanh; và bằng cách nào đó khi họ quay trở lại không gian này thì đã trở nên rất già?
Rõ ràng, việc lọt vào vùng ảnh hưởng của gương thời gian, hay đi vào Thung lũng tử thần – nơi bị ảnh hưởng bởi tấm Gương Thời gian khổng lồ là việc vô cùng mạo hiểm; và có lẽ đây là nhiệm vụ bất khả thi đối với đoàn thám hiểm của ông Muldashev.
Cho đến nay điều này vẫn là một bí ẩn. Vậy, nguồn quỹ gen của nhân loại, hay những người nhập xô-ma-chi cho thời đại ngày nay hiện đang ở đâu? Liệu họ có đang nhập định hay tồn tại ở vùng đất Shambhala không?... Đó là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ và có lẽ chỉ những người có liên hệ mật thiết với các giới tu luyện trên thế giới mới có thể trả lời được.
Hành trình đi tìm vùng đất thiêng Shambhala tại khu vực núi thiêng Kailash của đoàn thám hiểm do Giáo sư Muldashev dẫn đầu tuy nhiều gian nan, nhưng đã đem lại những khám phá thú vị cho nhân loại. Trái đất này quả là còn quá nhiều điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết!
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: