Một số người khẳng định có thể nghe thấy giọng nói của người đã khuất, của các linh hồn. Vậy giới khoa học nói gì về hiện tượng này?
Hiện tượng thấu thị và thấu thính, chính là khả năng cảm nhận cũng như nghe thấy những điều tưởng như không tồn tại, vốn là một lĩnh vực được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.
Trong đó nhiều chuyên gia tin rằng hiện tượng được cho là nghe thấy "giọng nói từ cõi âm" thường gắn liền với các trạng thái không bình thường của sức khỏe như hậu quả do stress, mắc bệnh liên quan tới thính giác từ khi còn nhỏ hay sự nhảy cảm bất thường với các âm thanh.
Về vấn đề này, Peter Moseley, nhà tâm lý học từ đại học Northumbria (Anh) cho biết, những người theo thuyết duy linh (phong trào tôn giáo dựa trên niềm tin rằng linh hồn của người đã khuất tồn tại và có khả năng, thiên hướng để giao tiếp với người sống) cho rằng đây là trải nghiệm tích cực, thường xảy ra từ nhỏ và có thể dễ dàng kiểm soát khi lớn lên.
Bên cạnh đó, Moseley nhấn mạnh: "Việc thấu hiểu hiện tượng này là rất quan trọng vì nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về những trải nghiệm đau buồn hoặc không thể kiểm soát khi nghe thấy giọng nói".
Moseley cùng đồng nghiệp là nhà tâm lý học Adam Powell từ đại học Durham (Anh) đã tiến hành khảo sát 143 người được tuyển chọn. Kết quả, chưa đầy một nửa những người theo thuyết duy linh cho biết họ nghe thấy giọng nói của người đã khuất hàng ngày. Trong khi đó 79% thú nhận rằng việc nghe thấy âm thanh đó là một phần cuộc sống của họ.
Từ khảo sát này, các nhà nghiên cứu cho biết hầu như những người duy linh tin vào hiện tượng huyền bí và không quan tâm về những suy nghĩ, đánh giá của người khác. Trong nghiên cứu, hầu hết những người duy linh nghe thấy “âm thanh linh hồn” từ khi còn khá trẻ, với độ tuổi trung bình 21,7 và có xu hướng ngày càng nghe thấy nhiều và rõ hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, trải nghiệm nghe thấy "giọng nói của người quá cố" có thể là kết quả của việc bị stress, áp lực cuộc sống, bối cảnh xã hội hoặc niềm tin vào điều huyền bí. Những người này chấp nhận và tin tưởng chủ nghĩa tâm linh vì nó phù hợp với kinh nghiệm của họ hoặc có ý nghĩa cá nhân đặc biệt đối với họ.
Dù vậy các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu trong tương lai cần khám phá nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa sự “hấp thụ tín ngưỡng”, niềm tin và trải nghiệm tâm linh từ đó tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng "hồn ma thì thầm bên tai”.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: