Ngôi miếu thờ bà chúa Năm Phương bị giải tỏa để xây dựng vườn hoa trung tâm, song sự kính ngưỡng của người dân dành cho bà chúa không vì thế mà suy giảm. Họ lập bát hương trên vỉa hè của vườn hoa mới để thờ bà chúa. Địa điểm thờ tự ấy tồn tại cho đến ngày nay, kèm theo nhiều câu chuyện liêu trai, bí ẩn.
Vị trí thờ bà chúa Năm Phương nằm trên vỉa hè vườn hoa trung tâm Hải Phòng
Tấp nập lễ bái bà chúa Năm Phương trên vỉa hè
Ngôi miếu thờ bà chúa Năm Phương nằm ngay trên vỉa hè vườn hoa trung tâm của thành phố Hải Phòng, phóng viên chứng kiến hàng chục lượt người thắp hương, cúng tế hàng ngày. Đặc biệt, những người tín tâm còn lũ lượt tìm đến đây vào các ngày mùng một, ngày rằm.
Theo quan sát, vị trí mà người dân thắp hương, lễ bái nằm khá gần Nhà hát lớn Hải Phòng. Trên vỉa hè giữa phố phường nhộn nhịp, người ta xây dựng một bệ hình chữ nhật, cao chừng 30cm, ốp đá. Phía trên bệ đặt một bát hương và hai lọ hoa màu trắng. Gần đó, dưới gốc cây đa ven đường, có một bát hương khá cũ kỹ.
Hỏi thăm những người đến lễ bái tại đây, được biết họ đang cầu khấn bà chúa Năm Phương. Theo thủ nhang đồng thày Hoàng Gia Bổn – Nghệ nhân dân gian, ngày xưa, đây là miếu thờ chính của chúa Năm Phương. Vào khoảng năm 1968, Nhà nước cho xây dựng vườn hoa, ngôi miếu đã bị phá. Đồ thờ tự của miếu được đưa về đền Tiên Nga – 53 Lê Lợi, bát hương được đưa về Đền Cấm (hay còn gọi là chùa Cấm).
Ông Hoàng Gia Bổn cho hay: “Bà chúa Năm Phương nổi tiếng linh thiêng và thường xuất hiện để ban phúc lành cho nhân dân. Tương truyền, thời Pháp thuộc, có một bà me Tây (vợ của ông chủ Nhà máy cơ khí Robert) bị lạc mất con. Bà đã đến ngôi miếu này để cầu tìm con bị thất lạc. Ngay sau khi bà này cầu khấn, người lái xe cho bà bỗng nhiên có hiện tượng “lên đồng”.
Người đó bỏ cả giày dép, chạy chân đất về phía Tây. Thấy lạ, những người có mặt, kể cả bà me Tây, đều chạy theo. Cảnh tượng làm náo loạn cả một góc của thành phố Hải Phòng. Người lái xe chạy chừng 2km, đến khu vực cảng, thì dừng lại, miệng phát ra những tiếng lạ lùng: “Các con cứ tìm xung quanh đây, ắt sẽ thấy”. Nói rồi, người lái xe rũ xuống, có hiện tượng bề trên đã “thoát hồn”. Quả nhiên, sau khi lùng tìm, bà me Tây đã thấy đứa con bị kẹt dưới một hố sâu – thì ra, đứa bé trốn nhà đi chơi và không may rơi xuống hố. Cảm ơn công đức của bà chúa Năm Phương, bà me Tây đã đầu tư tu bổ miếu trở thành một ngôi miếu thờ chúa Năm Phương nguy nga tại Hải Phòng”.
Gần đó, dưới gốc đa, người ta cũng lập bát hương để thờ bà Chúa
Đồng thày Hoàng Gia Bổn bổ sung thêm: “Có tài liệu kể câu chuyện khác, cho rằng bà me Tây xúc phạm miếu chúa Năm Phương, nên bị Chúa hành cho chấy rận đầy người. Sau đó, bà me Tây đến miếu cầu để xin bà chúa tha tội thì khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bà me Tây đã phát tâm tôn tạo miếu chúa. Theo ý kiến riêng của tôi thì truyền thuyết này không có tính thuyết phục lắm so với truyền thuyết bà bị lạc mất con”.
Theo chia sẻ của ông Bổn, hiện nay, tại Vườn Hoa Chéo ngôi miếu không còn nữa. Nhân dân dựng lại một bát hương để thờ bà chúa và cũng là ghi nhận nơi đây đã từng là nơi thờ của bà chúa. Bát hương này hiện được một thanh đồng hương khói thường xuyên.
Truyền thuyết lạ kỳ
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu Lê Thiên Lý kể về sự tích bà chúa Năm Phương như sau: Vốn xưa bà cũng là tiên nữ trên Thiên Đình. Nhà Trời chứng kiến sự lầm than của nhân thế, liền sai bà chúa đầu thai xuống hạ giới. Bà chúa giáng thế hạ trần vào nhà họ Vũ ở cửa Cấm Giang, đất Gia Viên (nay là Hải Phòng). Bà Chúa sinh ra dung mạo tươi tắn, mọi bề đảm đang. Khi đã hồi tiên, chúa bà được giao quyền cai quản năm phương trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương, vậy nên được tôn xưng là Bà Chúa Quận Năm Phương (hay còn có tên khác là Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa).
Tương truyền rằng, bà chúa Năm Phương hiển linh, ngự khắp nơi khắp cảnh trong năm phương trời đất, chúa dạo chơi khắp chốn, cứ đúng vào lúc canh ba giờ Tí, chúa hiện hình ra người mĩ nữ, gọi xe rong chơi, rồi đi về đến “Cây Đa mười ba gốc” là nơi chúa hiển linh, trả tiền cho phu xe, nhưng khi biết ra thì toàn là tiền âm. Chúa cũng thẳng tay trừng trị kẻ nào ngang ngược, chúa hành cho chân tay tê liệt, nằm mơ toàn thấy ma quỷ.
Đồng thày Hoàng Gia Bổn kể rằng có nhiều câu chuyện chứng tỏ sự linh ứng của bà Chúa
Chúa bà Năm Phương chỉ được hầu ở một số vùng (đặc biệt là Hải Phòng là nơi sinh quán quê nhà của Chúa Bà năm xưa). Hải Phòng và một số địa phương lân cận, trong các đàn lễ mở phủ thường có dâng một tòa đàn gọi là: Đàn Chúa Bà (gồm có hình Chúa Quận Năm Phương, hai cô hầu cận, có khi là có cả hình 12 cô nàng (tất cả đều màu trắng), nón chúa hài cườm, một cỗ xe ngựa (hoặc xe phu kéo) hay thường gọi là Xe Chúa Bà) và thỉnh mời chúa bà Năm Phương về ngự để chứng đàn đó.
Chúa Năm Phương thường ngự về trước Chầu Năm Suối Lân hoặc cũng có một số người hầu chúa sau Tam Vị Chúa Mường. Chúa ngự về thường mặc áo trắng (hoặc có khi chỉ choàng chiếc khăn phủ diện) làm lễ khai cuông rồi cầm tiền tung lên trên ban Công Đồng trong bản đền bản điện để khai quang chứng đền, chứng điện, chứng đàn, chứng phủ (ở một số nơi khác còn hầu chúa về múa quạt hoặc múa mồi).
Đền chúa bà Năm Phương được lập ở rất nhiều nơi, nhưng nổi tiếng hơn cả là một số ngôi đền ở nguyên quán Hải Phòng, đất chúa ngự. Đầu tiên phải kể đến Chùa Cấm thuộc Phố Cấm, Hải Phòng (tên tự là Cấm Giang Bản Cảnh Linh Từ hay Nguyệt Quang Tự, trong bản tự có hẳn cung cấm bề thế uy nghiêm).
Hình ảnh bà chúa Năm Phương
Đền thứ hai là Vườn Hoa Chéo, trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Phòng – chính là vị trí nằm trên vỉa hè mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Ngôi đền thứ ba là “Cây Đa mười ba gốc”, đây là ngôi miếu nhỏ thờ bà chúa nằm ở trên đường ra sân bay Cát Bi, đó là nơi bà chúa gọi phu xe chở về chốn đó. Ngoài ra, còn cả Đền Tiên Nga cũng thuộc đường Lê Lợi, Hải Phòng, cuối cùng là ngôi miếu nhỏ không tên trên đường Lê Thánh Tông. Các ngôi đền đó đều tổ chức ngày tiệc chúa là 16/6 âm lịch. Tính ra, xưa kia, trên đất Hải Phòng có ít nhất là năm nơi thờ chúa bà.
Đồng thày Hoàng Gia Bổn chia sẻ: “Đối với người dân Hải Phòng nói chung, bà chúa Năm Phương luôn là một vị thần linh quyền năng và gần gũi. Bà sinh ra tại Hải Phòng, hóa cũng ở đây, các ngôi đền thờ bà chủ yếu nằm trên đất này. Do đó, người Hải Phòng hầu hết đều kính ngưỡng bà chúa, luôn hương khói cho bà quanh năm, đặc biệt là ngày tuần. Hình tượng bà chúa Năm Phương cũng đại diện cho ước mong về cuộc sống no đủ, phong lưu của người dân vùng đất phên dậu này”.
Tâm La
Nguồn: https://tuoitredoisong.net/chuyen-la/ngoi-mieu-nho-tren-via-he-he-lo-su-nhiem-mau-cua-ba-chua-nam-phuong-44482
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: