Sự sống được các sao chổi và thiên thạch mang đến Trái đất từ không gian vũ trụ, theo nghiên cứu mới của thuyết Panspermia. (Ảnh minh họa: Creation Wikipedia)
Làm thế nào sự sống xuất hiện trên hành tinh của chúng ta? Liệu sự sống có thể đã được mang đến từ ngoài không gian vũ trụ? Từ lâu, chủ đề này đã làm đau đầu các nhà khoa học.
Các nhà khoa học theo Thuyết panspermia đã thực hiện một nghiên cứu mới, theo đó ‘hạt giống’ của sự sống tồn tại trên khắp Vũ trụ và có thể được gieo rắc trong không gian từ nơi này đến nơi khác, bao gồm cả hành tinh của chúng ta.
Học thuyết Panspermia: Sự sống được các thiên thạch đưa đến Trái đất
Thuyết Panspermia, đưa ra lần đầu năm 1871, từng được coi là thiếu thực tế nhưng hiện tình hình đã thay đổi, theo New Scientist. Thuyết này cho rằng sự sống được đưa đến Trái Đất bởi các sao chổi và thiên thạch.
Luận điểm ủng hộ thuyết Panspermia tăng lên gần đây, phân tử nước và hữu cơ đã được các nhà khoa học tìm thấy trong các thiên thạch rơi xuống Trái đất.
Phó giáo sư thiên văn học của Đại học kỹ thuật Florida, Manasvi Lingam, cùng với các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Sinh thái học Bách khoa de Lausanne ở Thụy Sĩ và Đại học Rome ở Ý, gần đây đã hoàn thành bài báo: “Tính khả thi của Thuyết Panspermia Phát hiện Giữa các vì sao trong môi trường sinh vật học vũ trụ”, đã được chấp nhận để xuất bản trong Tạp chí Thiên văn học.
Nghiên cứu này phân tích quá trình các hành tinh bị các tiểu hành tinh đá bắn phá, và các vi khuẩn mang theo sự sống có trên những tảng đá đó lan truyền từ hành tinh này sang hành tinh khác. Sự sống trên các hành tinh có thể được khởi xướng từ các vi sinh vật sống giữa bụi không gian, sao chổi và tiểu hành tinh khi các vật thể này va chạm với bề mặt của các hành tinh.
Mẫu "vi sinh vật" thu thập được ở trận mưa sao băng Perseid năm 2013 chứng minh cho sự sống đến từ vũ trụ. (Ảnh: Tạp chí Cosmology)
Trong bài báo của mình, Lingam và nhóm của ông trình bày một mô hình toán học phức tạp bao gồm các yếu tố về thời gian tồn tại của vi khuẩn, tốc độ phân tán của các hạt và vận tốc của các tảng đá vũ trụ - các loại nguyên liệu mà các tảng đá vũ trụ mang đến các hành tinh do va chạm - để đánh giá triển vọng của học thuyết panspermia.
Bài báo chỉ ra rằng mối tương quan giữa các cặp hệ thống hành tinh có sự sống có thể dùng để chẩn đoán hiệu quả của học thuyết panspermia, với điều kiện là vận tốc của các tảng đá hành tinh mang vi khuẩn lớn hơn vận tốc tương đối của các ngôi sao.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các ước tính thực tế về các tham số mô hình cho các môi trường vật lý thiên văn khác nhau và kết luận rằng các cụm mở và cụm sao hình cầu (tức là các môi trường được phân cụm chặt chẽ) dường như đại diện cho các mục tiêu tốt nhất để đánh giá khả năng tồn tại thực sự của thuyết panspermia.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Brown đã kiểm tra thành phần hóa học của những tảng đá nổ ra khỏi bề mặt sao Hỏa sau đó tiến về Trái đất. Họ xác định rằng những tảng đá đó, khi cho tiếp xúc phù hợp với nước, sẽ tạo ra năng lượng hóa học cần thiết để hỗ trợ các cộng đồng vi sinh vật tương tự như các cộng đồng vi sinh vật tồn tại ở độ sâu mà không có ánh sáng của Trái đất.
Phản ứng này được gọi là sự phân giải phóng xạ, xảy ra khi các nguyên tố phóng xạ trong đá phá vỡ nước thành các nguyên tử hydro và oxy của nó, được vi khuẩn tiếp thụ để làm năng lượng.
Vì lớp vỏ sao Hỏa phần lớn là được cấu thành từ những thiên thạch này, do đó phát hiện cho thấy phần lớn bề mặt của hành tinh này có thể phù hợp cho sự sống.
Con người có thể có tổ tiên là người sao Hỏa
Ngoài cơ chế của thuyết panspermia này, các nhà khoa học tiến hóa cũng đưa ra giả thuyết rằng sự sống cũng có thể được tạo ra từ các hệ thống không sống trong một quá trình được gọi là quá trình abiogenesis (sự phát sinh tự nhiên). Mặc dù thuyết tiến hóa này cũng đang đối mặt với nhiều bằng chứng khoa học phản bác nó.
Lingam nói: “Những gì chúng tôi thấy là có một số môi trường nhất định mà thuyết panspermia có thể dễ dàng trở thành hiện thực hơn, và những môi trường khác thì ít hơn. Điều thứ hai mà chúng tôi chỉ ra là việc phân biệt giữa hai giả thuyết (panspermia và abiogenesis) có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một đại lượng toán học được gọi là hàm tương quan theo cặp.
Nếu bạn có một hàm khác 0, điều đó có nghĩa là panspermia đang hoạt động, và nếu bạn có một hàm 0, điều đó có nghĩa là sự sống được tạo ra trên các thế giới độc lập với nhau".
Đối với Lingam, bài báo có thể không chỉ giúp hiểu được hành tinh nào bị tác động bởi các chuyến du hành của các sinh vật sống, mà còn giúp hiểu rõ hơn về cách những sinh vật trên Trái đất có thể được kết nối sinh học với các dạng sống khác trong hệ mặt trời của chúng ta. Ví dụ, các vi khuẩn trên sao Hỏa có khả năng đến từ thuyết panspermia liên quan đến Trái đất theo một cách nào đó.
"Nếu chúng ta phát hiện ra sự sống trên sao Hỏa, chúng ta sẽ cần phải đưa ra các công cụ chẩn đoán tốt để hiểu liệu sự sống này có thực sự là nguồn gốc thứ hai, có nguồn gốc hoàn toàn độc lập với sự sống trên Trái đất hay nó được gieo mầm từ sự sống trên Trái đất", Lingam nói.
“Có bằng chứng cho thấy sao Hỏa thời kỳ đầu rất dễ sinh sống, có nước chảy, và nhiệt độ có thể cũng ấm hơn. Về nguyên tắc, sự sống có thể bắt nguồn từ sao Hỏa trước, sau đó bị hủy đi hoặc đi xuống lòng đất, nhưng sau đó sự sống đó có thể lan tới Trái đất, trong trường hợp đó chúng ta sẽ có tổ tiên là người sao Hỏa”.
Ánh Dương
Nguồn: https://www.ntdvn.com/khoa-hoc/con-nguoi-co-nguon-goc-tu-sao-hoa-thuyet-panspermia-he-mo-nhung-bi-an-190423.html
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: