25/5/21

Vì sao phải thờ cúng ông bà tổ tiên, người đã khuất?

Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu vì sao phải thờ cúng tổ tiên.

Vì sao phải thờ cúng ông bà tổ tiên, người đã khuất?

Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, điều này dần phai nhòa theo nhịp sống hiện đại, khi người ta không hiểu vì sao phải thờ cúng tổ tiên, chưa thấm nhuần những giá trị của việc thờ cúng người đã khuất quan trọng như thế nào.

1. Thế nào là “thờ cúng”?


Trước hết chúng ta cần tìm hiểu nghĩa của hai từ “Thờ cúng”. “Thờ” là dựng lên cái gì đó về mặt hình thức, về tín ngưỡng như lư hương, hình ảnh. “Cúng” là dâng lên những thực phẩm, nước, trái cây, nhang, đèn,… mà cảm nhận được bằng các giác quan, để ngửi, để thưởng thức. Theo tâm linh, thông tường từ “thờ cúng” thường dành cho người đã khuất.

Sẽ xảy ra một số trường hợp, có người chỉ thờ mà không có cúng, có một số người họ cúng nhưng không thờ như chúng ta cúng mâm cơm để cầu bình an. Còn thờ cúng cụ thể như thắp nhang lên bàn thờ Phật, mỗi tháng có ngày rằm, mùng 1 thay nước cúng, trái cây, trưng hoa hay cúng ông bà tổ tiên loại trái cây mà sinh thời họ thích ăn…

Người Việt có xu hướng nhìn lại quá khứ và nuối tiếc dĩ vãng nhiều hơn là hướng đến tương lai như người phương Tây. Vì thế, họ thường lưu giữ những tình cảm, niềm thương tiếc đối với ông bà, cha mẹ quá cố. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời trên căn bản này và được đa số người Việt xem gần như một tôn giáo, gọi là đạo Thờ cúng Ông Bà.

Việc thờ cúng người đã khuất bắt đầu từ lúc có đám tang, sau đám tang là tuần thất, tiếp đến là đám giỗ. Trong đó đám giỗ là kéo dài nhất, thường là 5 đời đống giỗ: kể từ người đang là thời cúng kéo theo 4 đời sau nữa gọi là “Cao tằng tổ phụ”, phụ là ông nội của người đang cúng. Sau 5 đời tống giỗ trở thành tổ yên và chúng ta chỉ cúng vào dịp tết Nguyên Đán.

2. Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất có quan trọng không?


Với người Việt, hình thức thờ cúng rất đa dạng và phong phú: thờ Phật, thờ thánh thần, thờ anh hùng có công, thờ ông bà tổ tiên,… Vì thế có thể gọi dân tộc ta là đa tín ngưỡng. Trong đó việc thờ cúng những người đã mất rất quan trọng đối với người Việt, bởi trong quan niệm họ xem cái chết là điều quan trọng và linh thiêng.

Người Việt luôn quan niệm “dương sao âm vậy”, nghĩa là đời sống trên thế gian như nào thì khi mất đi họ cũng sống như thế. Do đó mới có tục đốt giấy tiền vàng mã để cho người chết được hưởng mà sử dụng ở suối vàng.

Họ còn cho rằng chết không phải là hết, sẽ còn tồn tại một thế giới bên kia dành cho người chết, mà thế giới đó có nét giống với thế giới của người sống. Nhiều người còn nằm mơ thấy những thứ quen thuộc của người đã khuất như vẫn mặc bộ quần áo đó, đội nón đó…

Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, chiêm bao là ký ức của quá khứ chứ không phải thực tại vì họ có thể đã tái sinh và mang hình thái khác nên đâu phải họ mang hình dáng đó về thăm lại chúng ta.

Cúng thời để tỏ lòng báo ân đối với những người tiền bối, những người cha, người mẹ, ông bà đã hy sinh, đã để lại gia nghiệp và hình hài vóc dáng này cho chúng ta. Vì thế người ta mới quan niệm việc thờ cúng người đã khuất là vô cùng quan trọng.

Ở góc độ dân gian, chính vì quan điểm trên mà người xưa họ chuẩn bị rất kỹ về cái chết. Khi biết sức khỏe đã yếu và sống không được bao lâu nữa, họ xây trước kim tĩnh, xây trước nhà mồ hoặc có người để quan tài ngay trong nhà để dự phòng, để họ yên tâm rằng sau khi chết mình sẽ được mồ yên mả đẹp. Đây là phong tục tập quán của người Việt Nam.

3. Giải đáp thắc mắc: “Người đã chết có cúng họ ăn được không mà làm điều đó”


Đây là câu mà người ngoại đạo hay hỏi với người đạo Phật hay người ngoài muốn hỏi về truyền thống đạo lý của người Việt Nam.

Đối với người Việt Nam, cúng người mất có ăn hay không, không phải là chuyện quan trọng, nhưng quan trọng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của người Việt. Như vậy một con người thể hiện đạo lý là một con người còn đạo đức, còn đủ phẩm chất của một con người đáng quý, đáng tôn trọng.

Tham khảo: Hiểu rõ ý nghĩa về thờ cúng tổ tiên theo quan điểm của Phật giáo


Đã từ lâu, bàn thờ gia tiên được lập cho người thân trong nhà và thắp hương thờ cúng để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Bên cạnh đó có không ít người muốn nhờ sự hỗ trợ của họ để làm được nhiều điều mà vốn không thể làm.

Đó là thói quen khi người dương thờ người âm để họ trợ giúp, gọi là phù hộ độ trì. Được phù hộ là được may mắn. Được độ trì thì có thể làm được nhiều việc khác thường.

Thời kỳ đạo Phật được du nhập vào Việt Nam thì có nhiều giao thoa, có cái bị loại trừ có cái được chọn lọc tuy nhiên, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn được trân trọng, duy trì trong đời sống tâm linh song hành với việc thờ Phật.

Khi tìm hiểu Đức Phật nói về việc cúng tế ta đã biết rằng khi một người qua đời thì thời gian tối đa 49 ngày thì vong linh của họ đã theo nghiệp mà tái sinh vào cõi tương ứng trong lục đạo.

Theo đó, Đức Phật từng dạy Bà-la-môn rằng: “Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm.

Nếu nó sinh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.

– Này Bà-la-môn! Trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông”.

Vì thế, khi chúng ta thực hiện việc thờ cúng phải hiểu rằng nếu ông bà tổ tiên tái sinh là chư thiên sẽ không ăn được những gì ta thờ vì họ thấy dơ bẩn, không xứng với họ. Nếu họ đã trở thành người, sống ở nơi khác thì cũng chẳng thể nhận đồ ăn của ta. Còn nếu họ đang ở địa ngục dù đói khát đến mấy cũng không thể thoát ngục để tới uống ăn.

Chỉ riêng loài ngạ quỷ – quỷ thần là có thể ăn đồ cúng của loài người. Tức là khi người thân của ta ở nơi ngạ quỷ thì cúng kiếng cho họ sẽ thọ dụng được.

Thực tế là chúng ta không đủ khả năng để biết liệu người thân của chúng ta đã chuyển sinh về đâu nên việc dâng đồ lễ cúng lên bàn thờ chủ yếu nhằm thể hiện lòng thành, là bổn phận của con cháu mà thôi.

Theo quan điểm của Phật về thờ cúng tổ tiên thì cuối cùng việc ta làm là thực hiện nét văn hóa tốt đẹp của người Việt chủ yếu là để bày tỏ tâm hiếu thảo, biết ơn và đền ơn người đã khuất. Đó là hành động kết nối giữa quá khứ và hiện tại vì không có quá khứ thì cũng chẳng thể có ta ở hiện tại.

Không thờ cúng tổ tiên liệu có được?


Người châu Á, nhất là người Việt luôn coi trọng gốc rễ, nguồn cội nên việc thời cúng còn là để nhắc nhở các con không quên huyết thống dòng tộc của mình. Đó là nét văn hóa tốt đẹp nên được bảo tổn, gìn giữ. Cho nên không chỉ vì quan niệm rằng không biết ông bà có ở đó không mà thờ hay xem nhẹ việc này.

Hơn nữa, dù có quan điểm khá rõ ràng về sự sống và cái chết như trên nhưng đối với Đạo Phật, bàn thờ gia tiên vẫn là chốn thiêng liêng – nơi thể hiện sâu sắc niềm tin tâm linh của người Việt. Và điều quan trọng là việc thờ cúng thể hiện được lòng hiếu thảo – điều đáng quý nhất của con người trong góc nhìn của Đạo Phật.

Theo lời Phật dạy về hiếu thảo thì những ai hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… Vì thế dù không xem bàn thờ gia tiên là “nơi ở” của ông bà, tổ tiên, những người thân vì ta chẳng đủ năng lực để biết người đã khuất đã đi về đâu trong lục đạo luân hồi nhưng không thể bỏ hẳn bàn thờ.

Bàn thờ gia tiên biểu trưng cho cội nguồn cũng như việc cây có cội, nước có nguồn. Kính thờ tổ tiên luôn là việc cần thiết để bày tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện tâm nhớ ơn và hoài nguyện đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, chính điều này đã un đúc và hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa quý báu của người Phật tử.

Tử đó, con cháu vì tưởng nhớ niệm ân ông bà tổ tiên nên con hiền cháu thảo phát đại nguyện làm tất cả công đức thiện lành trong khả năng để hồi hướng phước báu cho họ.

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: