Tiếp tục công trình nghiên cứu của Newton, tìm thấy nguồn cảm hứng ngay trong đại dịch, kết hợp thuyết đa vũ trụ và sự hợp nhất các tôn giáo, “thuyết vạn vật” đang nằm trong tầm tay của chúng ta.
Giáo sư Michio Kaku là nhà vật lý lý thuyết tại City College, New York, Hoa Kỳ. Ông là người khởi xướng lý thuyết dây và là tác giả của nhiều tác phẩm viết về vật lý. Giáo sư Kaku là người đưa khoa học hướng tới đại chúng, ông có mặt khá thường xuyên trên các chương trình truyền hình. Cuốn sách mới nhất của ông “Phương trình của Chúa”, thể hiện cách lập luận rõ ràng và tiếp cận thân thiện trong việc kết hợp giữa thuyết tương đối rộng của Einstein với thuyết lượng tử để tạo ra một “thuyết vạn vật” mô tả toàn diện bản chất của vũ trụ.
Lý thuyết dây là một thuyết hấp dẫn lượng tử, được xây dựng với mục đích thống nhất tất cả các hạt cơ bản cùng các lực cơ bản của tự nhiên, ngay cả lực hấp dẫn.
Thuyết vạn vật là một thuyết về tất cả mọi thứ (TOE), lý thuyết cuối cùng, lý thuyết tổng thể hay lý thuyết duy nhất, bao hàm toàn bộ, lý thuyết kết hợp giữa vật lý giải thích và liên kết tất cả các khía cạnh vật lý của Vũ trụ.
Dưới đây là bài phỏng vấn với giáo sư Michio Kaku, được thực hiện bởi phóng viên Andrew Anthony, đăng tải trên The Guardian.
Làm thế nào để ông giữ vững niềm tin rằng khoa học đang gần đạt được thuyết vạn vật?
Tôi nghĩ chúng ta thực sự đã có học thuyết nhưng chưa đạt được hình thái cuối cùng của nó. Học thuyết vẫn chưa được thử nghiệm và những người từng đoạt giải Nobel lại có quan điểm trái chiều với lý thuyết dây.
Tôi là người đồng sáng lập thuyết trường dây, một trong những nhánh chính của lý thuyết dây, vì vậy tôi có trực tiếp tham gia. Tôi cố gắng giữ mình công bằng và cân bằng.
Tôi cho rằng chúng ta sắp tạo ra bước đột phá khi bước vào ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới. Các thí nghiệm đang được thực hiện để tìm ra những sai lệch trong Mô hình Chuẩn của vật lý hạt. Thêm vào đó, chúng ta có bí ẩn về vật chất tối cần khám phá. Những lĩnh vực chưa được khám phá này đều có thể dẫn đến đầu mối cho thuyết vạn vật.
Giáo sư Michio Kaku: "Vũ trụ theo một nghĩa nào đó giống như một trò chơi cờ vua và trong 2.000 năm, chúng ta đã cố gắng tìm ra cách các con Tốt di chuyển". (Ảnh: Commons Wikipedia)
Lý thuyết dây liên quan đến nhiều vật lý lý thuyết, toán học phức tạp và trừu tượng đến khó tưởng tượng. Ông có nghĩ rằng công chúng có thể nắm bắt được các chi tiết của cuộc tranh luận này?
Tôi nghĩ công chúng đang tò mò không biết kết quả của lý thuyết này là gì. Vũ trụ theo một cách hiểu nào đó giống như một ván cờ vua và đang được chơi suốt trong 2.000 năm qua, chúng ta đã cố gắng tìm ra cách di chuyển các quân Tốt. Và bây giờ chúng ta đang bắt đầu hiểu cách di chuyển của quân Hậu và làm thế nào để chiếu tướng. Sứ mệnh của khoa học là trở thành những kiện tướng, giải được bài toán hóc búa mà chúng ta gọi là “Vũ trụ”.
Có những câu hỏi tồn tại mà dư luận mong muốn có câu trả lời. Ví như du hành thời gian, các chiều không gian khác, hố sâu không gian. Điều gì đã xảy ra trước vụ nổ big bang? Cái gì ở phía bên kia của hố đen? Không câu hỏi nào trong số này có thể được trả lời trong khuôn khổ lý thuyết của Einstein. Chúng ta phải vượt xa Einstein về lý thuyết lượng tử.
Ông cho rằng Isaac Newton có thể hiểu được bao nhiêu phần trăm cuốn sách của ông?
Tôi nghĩ ông ấy sẽ đánh giá cao cuốn sách đó. Năm 1666, nhân loại trải qua một trận đại dịch. Đại học Cambridge đóng cửa, chàng sinh viên 23 tuổi năm ấy phải trở về nhà, và anh ta đã nhìn thấy một quả táo rơi trong vườn nhà mình. Đó là lúc Isaac Newton nghĩ đến nguyên nhân về sự rơi của mọi vật và tìm ra lực hút của trái đất. Luật điều khiển quả táo rơi cũng giống luật điều khiển mặt trăng lặn.
Dịch bệnh đã tạo cho Isaac Newton cơ hội để ngồi xuống, theo dõi quả táo rơi và mặt trăng lặn dựa trên toán học. Tất nhiên, thời điểm đó chưa có toán học. Newton không thể giải quyết vấn đề nên ông đã tạo ra toán học của riêng mình. Và đó chính là những gì chúng tôi đang làm bây giờ. Chúng tôi cũng đang trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi cũng đang bị giới hạn trong khu vực bàn làm việc của mình. Và chúng tôi cũng đang tạo ra toán học mới.
Một số nhà vật lý coi công cuộc nghiên cứu thuyết toàn diện là một học thuyết rút gọn sai lầm. Công việc của ông được đón nhận như thế nào trong giới khoa học?
Tôi sẽ rất thẳng thắn, có một sự chia rẽ, một sự chia rẽ mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Tôi liên tưởng đến Hội nghị Solvay, khi Niels Bohr và Albert Einstein đưa ra quan điểm đối lập về lý thuyết lượng tử - một trong những cuộc tranh luận lớn nhất trong lịch sử khoa học.
Lý thuyết dây đã tạo ra lượng lớn sự quan tâm cũng như phản ứng dữ dội. Mọi người thắc mắc đều tập trung vào bằng chứng.
Thành thật mà nói, chúng tôi chưa có bằng chứng, giống như Newton cũng không có bằng chứng về định luật nghịch đảo bình phương của ông vào năm 1666. Đôi khi, toán học và ý tưởng đi trước dữ liệu thực nghiệm cụ thể. Đó là lúc Máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider) bắt đầu phát huy tác dụng.
Máy gia tốc hạt lớn gần đây đã gây chú ý với những phát hiện về cách vận hành của hạt quark đẹp (beauty quark). Điều này liệu có tác động ảnh hưởng đến thuyết vạn vật?
Mô hình Chuẩn của vật lý hạt là học thuyết của hầu hết vạn vật. Nó hoạt động hiệu quả một cách ngoạn mục nhưng lại là một trong những lý thuyết đáng sợ nhất được đề xuất cho đến nay. Có vô số thử nghiệm phải thực hiện bằng tay. Nhưng trong lý thuyết dây, Mô hình Chuẩn của vật lý hạt sẽ thực hiện được ngay. Chỉ với một vài giả định, bạn sẽ có được toàn bộ Mô hình Chuẩn. Vì vậy, mấu chốt ở đây là chúng ta cần bằng chứng thực nghiệm và máy gia tốc hạt lớn có thể cho chúng ta gợi ý về sự sai lệch trong Mô hình Chuẩn và đó là nơi vật lý hậu máy gia tốc hạt lớn này phát huy tác dụng.
Mô phỏng Dữ liệu máy dò hạt CMS của Máy Gia tốc Hạt Lớn mô tả một boson Higgs được tạo ra bởi các proton va chạm phân rã thành các phản lực hadron và các electron. (Ảnh: Wikipedia)
Người ta so sánh ông với Carl Sagan ở khả năng diễn giải sự phức tạp của khoa học thành hình thái dễ tiếp cận. Việc tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới công chúng như vậy có tầm quan trọng như thế nào?
Chúng tôi có một cú sốc lớn vào những năm 1990 khi các nhà vật lý đưa ra đề xuất về máy siêu gia tốc. Nó lớn hơn nhiều so với máy gia tốc hạt lớn. Kế hoạch là máy được đặt ở bên ngoài thành phố Dallas, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Nhưng đề xuất đã không được thông qua. Vấn đề nằm ở đâu? Trong buổi thẩm duyệt cuối cùng, một nghị sĩ đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có tìm thấy Chúa bằng cỗ máy của các ông không? Nếu được, tôi sẽ bỏ phiếu cho nó”.
Nhà vật lý tội nghiệp phải trả lời câu hỏi đó không biết nói gì. Lẽ ra, chúng tôi phải nói rằng, đây là cỗ máy “Chúa sáng tạo thế giới”, từ cỗ máy này sẽ tạo ra những phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại - vũ trụ. Đáng tiếc là chúng tôi lại nói rằng, mục đích là để tìm hạt Higgs (hay còn gọi là “Hạt của Chúa”). Và người ta bắt bẻ: 10 tỷ USD để tìm một hạt hạ nguyên tử khác ư? Và do vậy, dự án đã không được phê duyệt.
Các cộng sự có bực bội với cách đưa khoa học hướng tới đại chúng một cách gần gũi như ông đang làm không?
Thành thật mà nói, Carl Sagan đã gặp phải phản ứng dữ dội khi ông ấy bắt đầu xuất hiện trước công chúng. Từng có một cuộc bỏ phiếu để đưa Sagan vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia nhưng đã bị từ chối. Dự án máy siêu gia tốc bị hủy bỏ bởi vì chúng tôi quá tách biệt và xa lánh thực tế, chúng tôi đã không để tâm đến những người đóng thuế, những người trực tiếp chi trả cho cỗ máy.
Và sau đó là sự xuất hiện của Stephen Hawking. Ông tạo được rất nhiều sự quan tâm từ quần chúng và là một nhà vật lý thực sự ở đỉnh cao của khoa học, ông không chỉ là một người “đại chúng hóa” - cụm từ chỉ trích này nhắm vào Sagan.
Tôi nghĩ đó là sự khiêm nhường. Chúng tôi phải tự làm. Trong suốt những năm 60, tất cả những gì chúng tôi phải làm là đến Quốc hội và nói một từ: nước Nga. Khi đó Quốc hội sẽ nói hai từ: Bao nhiêu? Nhưng những ngày đó đã qua rồi.
Ông có tin rằng trong vòng một thế kỷ nữa chúng ta sẽ tiếp xúc với một nền văn minh ngoài hành tinh. Ông có lo lắng về những vấn đề mà điều này gây ra hay không?
Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đưa kính thiên văn Webb lên quỹ đạo và chúng ta sẽ có hàng nghìn hành tinh để theo dõi. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng khả năng chúng ta có thể tiếp xúc với một nền văn minh ngoài trái đất là rất cao.
Một số đồng nghiệp của tôi cho rằng chúng ta nên liên hệ với họ (người ngoài hành tinh). Tôi nghĩ đó là một ý tưởng khủng khiếp.
Tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra với Montezuma khi ông gặp Cortés ở Mexico cách đây hàng trăm năm (vào tháng 11 năm 1519, quân xâm lược Tây Ban Nha do Hernan Cortes chỉ huy đã đến Tenochtitlan, thủ đô của người Mexica (Aztecs). Họ được chào đón bởi Montezuma, thủ lĩnh cuối cùng của người Aztec. Sự giàu có của Tenochtitlan khiến Cortes và các thuộc hạ của ông ta bắt đầu lập mưu chiếm thành phố. Và 7 tháng sau, Montezuma bị giết chết).
Cá nhân tôi lúc này nghĩ rằng người ngoài hành tinh có thể sẽ rất thân thiện nhưng chúng ta không thể đánh cược vào điều đó. Vì vậy, chúng ta sẽ liên lạc nhưng nên làm điều đó một cách cẩn trọng.
Trong cuốn sách của ông đề cập đến nhiều nhà khoa học lỗi lạc cùng với những đóng góp của họ. Theo ông, ai trong số họ nổi bật hơn cả?
Newton là người đứng đầu. Bởi lẽ, từ chỗ không có gì, thời của tà thuật và ma thuật, ông đã nghĩ ra toán học của vũ trụ, ông đưa ra một học thuyết cho hầu hết vạn vật. Thật phi thường!
Einstein đã tận dụng công trình nghiên cứu của Newton, sử dụng cách tính của Newton để tìm ra độ cong của không thời gian và thuyết tương đối rộng. Chúng giống như những siêu tân tinh, tỏa sáng rực rỡ, soi chiếu toàn bộ cảnh vật và thay đổi số phận của con người. Định luật chuyển động của Newton đặt nền móng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp. Phải mất vài thế kỷ trôi qua mới có một người xuất chúng như vậy.
Ông mô tả mình là một người theo thuyết bất khả tri. Nghiên cứu của ông đã đưa ông đến gần hơn hay xa hơn với ý tưởng về một Đấng sáng tạo?
Stephen Hawking nói rằng ông không tin vào Chúa vì vụ nổ big bang xảy ra tức thời, không có thời gian để Chúa tạo ra vũ trụ, do đó Chúa không thể tồn tại.
Quan điểm của tôi lại khác. Cha mẹ tôi là Phật tử và trong Phật giáo giảng về Niết bàn, vô tận, không sinh, không diệt. Nhưng cha mẹ tôi lại đưa tôi vào giáo hội Trưởng Lão (Presbyterian), vì vậy vào mỗi Chủ nhật, tôi đều đến trường dòng học về “Chúa sáng tạo thế giới” cũng như cách vũ trụ được tạo ra trong bảy ngày.
Giờ đây, với giả thiết đa vũ trụ, chúng ta có thể kết hợp hai mô hình đối lập hoàn toàn này với nhau. Theo lý thuyết dây, những vụ nổ big bang luôn xảy ra. Ngay cả khi chúng ta đang nói đây, “Chúa sáng tạo thế giới” vẫn đang diễn ra ở đâu đó ngay trong vũ trụ này.
Và vũ trụ đang giãn nở thành cái gì? Thành cõi Niết bàn. Siêu không gian mười một chiều là Niết bàn. Vì vậy, chúng ta có thể hợp nhất cả Phật giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo trong cùng một học thuyết.
Nguồn: NTDVN
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: