Phật giáo nói rằng chúng sinh do các thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo ra trong những đời quá khứ (tức là các đời trước đời hiện tại) mà sinh ra 6 loại trạng thái sinh tồn của sinh mệnh khác nhau.
Lục đạo luân hồi là câu nói trong Phật giáo, lục đạo còn gọi là "lục thú". Cụ thể lục đạo chỉ những cảnh giới nào? Con người sau khi chết thác sinh, tại sao lại có sự khác biệt "lục đạo" (sáu nẻo luân hồi)? Có thể siêu thoát không? Trong Phật giáo nói rằng, lục đạo luân hồi đều do "tâm niệm" mà thành, thực sự có việc này không? Trong "Cao tăng truyện" có câu chuyện "Tăng hổ" sẽ đem lại cho chúng ta những suy nghĩ phản tỉnh và thể ngộ.
Lục đạo luân hồi là gì
Phật giáo nói rằng chúng sinh do các thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo ra trong những đời quá khứ (tức là các đời trước đời hiện tại) mà sinh ra 6 loại trạng thái sinh tồn của sinh mệnh khác nhau, gồm có: Thiên nhân, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, được gọi là "lục đạo". Sáu con đường này đều là những con đường mà chúng sinh trong Tam giới luân hồi chuyển sinh, mãi mãi ngụp lặn sinh tử trong 6 con đường này. Đây chính là thuyết "lục đạo luân hồi".
Lục đạo còn được gọi là lục thú, đều ở trong Tam giới, đều là nơi đến đến đi đi trong tình. Chúng sinh ai nấy đều theo nhân quả nghiệp lực của mình mà chuyển sinh trong những con đường khác nhau. Cũng chính là nói rằng, chúng sinh trong lục đạo đều ngâm trong tình, trong suy nghĩ bị lợi ích được mất, cao danh hủy dự, hỷ lạc bi khổ, cho đến sinh lão bệnh tử, đều gắn liền với sự dẫn động của cái tình. Mà những dẫn động, chấp niệm của cái tình này khiến con người hoặc là hành thiện hoặc làm làm ác, và lại tạo thành những nhân quả nhân hồi trong lục đạo tương lai. Vì những nhân quả nghiệp lực này quyết định xu hướng, nơi đến sau khi cuộc đời này kết thúc. Nói cách khác, con người sau khi chết chuyển sinh vào đạo nào trong lục đạo là do nhân quả nghiệp lực của mình quyết định. Nói rõ hơn là, bất kể là tốt hay xấu, đều do tự mình làm tự mình chịu.
Mỗi đạo trong lục đạo có những biểu hiện đặc biệt gì?
Thiên nhân
Thiên nhân sinh ở các tầng trời dục giới, sắc giới và vô sắc giới, họ ca tụng Phật sự, tấu Thiên nhạc, rắc Thiên hoa, tẩm Thiên hương, bay trên thiên không, đi lại không trở ngại, nhanh chậm tự do. Thiên nhân có thể tu hành khi khổ, nhưng khi vui sướng thì lại buông thả. Kinh Vô Lượng Thọ có viết về "Chư thiên thế nhân", rằng những người đại thiện có công đức lớn thì sau khi chết có thể chuyển sinh thành Thiên nhân. Trong tầng thứ này, họ vẫn chịu họa phúc vô cùng tận, quấn chặt thân.
A tu la
A tu la cũng gọi là "phi thiên", dung mạo xấu xí. A tu la nếu khi họ niệm chính, tư tưởng chất phác thì có năng lượng nhất định, có thể bay được. Người tu thân bố thí phúc, nhưng cái tâm ác tranh đấu không trừ bỏ được thì sinh vào đạo này. Nhưng nếu những người này lại khởi tâm sân hận, phẫn nộ, ngạo mạn và nghi ngờ, lại phá giới, thì chỉ thành ác quỷ.
Người
Người khi còn sống tích thiện tích công đức thì có thể chuyển sinh thành người phú quý. Người mà công và tội ngang bằng thì chuyển sinh thành bình dân. Người công ít hơn tội thì chuyển sinh thành người nghèo hèn. Nhưng nếu là người phóng túng ma tính trong nhân tính như lười nhác, vọng niệm, nổi giận, tham dục, tà dâm... làm tổn hại người khác, ức hiếp người khác, tạo thành các loại nghiệp ác, thì sẽ bị đọa địa ngục. Con người vốn có nhân tính hướng thiện, hướng thượng, có thể có cơ hội tu luyện, có thể khiến sinh mệnh thăng hoa, đó là thứ quý giá nhất khi được sinh làm người.
Chúng sinh địa ngục
Trong Kinh Phật có giảng về 18 loại địa ngục như địa ngục vô gián, địa ngục bát hàn, địa ngục bát nhiệt... Kinh Phật cũng thuyết về 136 loại địa ngục. Chúng sinh nếu tạo nghiệp ác thì sẽ chiêu cảm các nghiệp báo khác nhau, bị đọa địa ngục, hơn nữa, trong các loại địa ngục phải chịu nỗi thống khổ hành hạ không ngừng đểu hoàn trả nợ nghiệp, mãi cho đến khi nợ nghiệp hoàn trả hết thì mới được chuyển sinh.
Ngạ quỷ
Người khi sống tạo nghiệp ác, nhiều tham dục, tâm nghi kỵ sân hận, tham lam vô độ, thì sau khi chết sẽ chuyển sinh thành ngạ quỷ, vào quỷ đạo, quanh năm không được ăn uống, khổ vì đói khát. Cũng đôi khi có được thức ăn, nhưng thức ăn đến bên miệng liền hóa thành lửa, nên cũng không thể nào ăn được. Có loại ngạ quỷ chỉ được ăn máu mủ.
Súc sinh
Người khi sống mà trong tâm có những suy nghĩ xấu xa không dám cho người khác biết, làm những việc trái lương tâm, làm hại người khác thì gieo xuống nhân nghiệp, thi sau khi chết sẽ chuyển sinh làm súc sinh đê hoàn trả nợ.
Luân hồi nhân quả, tự làm tự chịu
Khi chúng ta còn sống bôn ba làm ăn, bận rộn, sống vì tình, chết cũng vì tình, nên chính niệm thường mờ nhạt vô định. Trong khi theo đuổi các mong muốn thì sinh lòng ham dục, đố kỵ, làm những việc trái lương tâm, hoặc khởi ma tính, lừa dối, tà dâm, sát sinh trong khi tranh chấp xung đột, đều sẽ tạo nghiệp ác. Thế sự vô thường, sinh mệnh vô thường, một khi biến cố vô thường xảy ra thì sẽ phải chịu nỗi khổ của lục đạo luân hồi.
Một bức tranh Nhật Bản thế kỷ 12 thể hiện một trong sáu cõi luân hồi được giảng trong Phật giáo. (Miền công cộng)
Sinh mệnh luân hồi trong lục đạo được định ra do quả nghiệp của bản thân, tầng thứ của lục đạo cũng không giống nhau, nhưng bất kể là rơi vào đạo nào trong lục đạo, hay thăng lên tầng thứ nào, Phật gia giảng "tâm niệm" chủ đạo tất cả. Trong "Cao tăng truyện" có câu chuyện một tăng nhân hóa thành hổ, và chỉ vì một niệm chính mà đã thoát khỏi đạo súc sinh.
Tăng và hổ chỉ trong một niệm
Trong vùng núi Viên Châu có một tăng nhân ở trong ngôi chùa trong làng, ông ngẫu nhiên có được một tấm da hổ, thế là ông khoác lên thân đùa vui, học dáng vẻ hổ lắc đầu ngoe nguẩy đuôi, dần học được rất giống dáng vẻ hổ thật. Có lúc tăng nhân ra bên đường đùa vui, người làng trông thấy đều rất hoảng sợ, có người vội vàng quăng cả đồ mà chạy. Tăng nhân nhặt những đồ họ bỏ lại đó thì trong lòng vui mừng, thế là lại ẩn mình ở bên con đường giao thông đầu mối, đợi những người tiểu thương đi qua thì đột ngột từ trong bụi rậm nhảy ra, những tiểu thương kinh hồn khiếp vía co chân bỏ chạy. Tăng nhân liền nhặt lấy những hàng hóa mà tiểu thương bỏ lại. Vị tăng nhân này khoác bộ da hổ ra ngoài thường có thu hoạch, tự cho là đắc kế, quen mui bén mùi ăn mãi, cứ như thế không biết mệt chán, hoàn toàn quên hết bản thân rồi.
Bỗng nhiên một ngày nọ, tăng nhân cảm thấy bị tấm da hổ trên thân bám dính lên thân thể. Hôm đó, ông ẩn mình trong bụi rậm rất lâu, lúc thử tạm thời cởi bỏ tấm da hổ thì dẫu dùng sức thế nào cũng không cởi ra được. Ông nhìn chân tay mình đều đã thành hình dáng chân tay hổ, thế là ông đến bên bờ suối soi. Vừa nhìn mình, đầu tai mắt mũi, mồm miệng đuôi lông đều là hình dáng hổ, đã không phải là người nữa rồi.
Tăng hổ bèn chui vào bụi rậm, bắt cáo thỏ để ăn. Lúc này động tác vồ bắt và ăn động vật bắt được đều là động tác của hổ rồi. Từ đó trở đi, tăng hổ thường sống cùng hổ, lại bị ma quỷ sai khiến, ban đêm qua lại trong núi, bất kể là nóng lạnh mưa tuyết, đều không được nghỉ ngơi. Những ngày như thế này khiến ông khổ không nói nên lời. Hình hài của ông tuy là hình dạng hổ, nhưng tâm tư ông rõ ràng vẫn là người, nhưng lại không thể nói được.
Cứ như thế hơn một năm trôi qua, một ngày nọ, tăng hổ vô cùng chán nản, cầu mà không được, bèn ẩn nấp ở ven đường. Bỗng nhiên có một người đi qua phía trước, ông nhảy ra vồ cắn chết người đó, sau đó xé thân người đó ra ăn. Lúc này, ông mới nhìn kỹ người bị ông cắn chết, thì ra cũng là một tăng nhân.
Việc cắn chết tăng nhân khiến ông nhận ra tội nghiệt nặng, ông nghĩ: "Mình vốn may mắn là tăng nhân, cầu thoát khỏi luân hồi, nhưng lại không giữ được giới cấm, đã phạm lỗi lầm lớn, bị biến thành hổ, nghiệp lực lớn, là việc xưa nay chưa từng có. Hôm nay lại sát hại tăng nhân để ăn, địa ngục có tha cho mình không? Mình thà chết đói chứ không được tăng thêm tội nghiệp nữa".
Suy nghĩ mãi, ông ngửa mặt lên trời rống lên, bỗng bộ da hổ trên thân bỗng rơi ra như một bộ y phục.
Sau này ông vân du đến chùa Sùng Thọ ở Lâm Xuyên, thành kính kể với pháp sư Viên Siêu về chuyện mình biến thành hổ, và khẩn cầu sám hối tội nghiệp. Pháp sư nói: "Sinh tử tội phúc đều do tâm niệm mà thành. Chỉ trong chớp mắt là phân chia thiên đường và địa ngục, đâu phải đời trước kiếp sau". Pháp sư khen ngợi việc ông đã khôi phục thiện niệm làm con người, và khích lệ ông tiếp tục bền chí tu hành, trở về với bản nguyên, trừ bỏ ác niệm, suy nghĩ xấu, không còn mảy may ý nghĩ xấu nào, thì người không thành hổ, mà hổ cũng không thành người. (Nguồn "Cao tăng truyện")
Lục đạo luân hồi khổ vô tận, khởi một niệm quay đầu là bờ
Trong địa ngục có một tòa thành biến hình, bán kính hơn 200 dặm. Người đã chịu xong hình phạt ở địa ngục thì mới được đến tòa thành này, được báo ứng biến hình. Hình minh họa là bức tranh Cao Ly, một trong Thập điện Diêm Vương và Lục đạo luân hồi. (Phạm vi công cộng)
Lục đạo luân hồi khổ vô tận, khởi một niệm tu luyện, quay đầu là bờ. Trong bài kệ "Vãng sinh lễ tán" có viết khuyên thế nhân nhân lúc thân thể còn khỏe mạnh, gắng khích lệ mình tu luyện, thoát khỏi lục đạo luân hồi, bởi vì sinh mệnh vô thường như ngọn đèn trước gió, cháy sáng hay tắt đều không phải là điều mình dự tính được, là điều mình không thể kiểm soát được:
Nhân gian bận rộn việc làm ăn
Không biết sinh mệnh trôi từng ngày
Như đèn trước gió tắt bất kỳ
Luân hồi lục đạo nào có hay
Chưa được giải thoát khỏi biển khổ
Sao nói an nhiên chẳng sợ thay
Nhân lúc tấm thân còn tráng kiện
Gắng tu gắng sức để trường tồn
Luân hồi trong lục đạo, bất kể là chuyển sinh vào đạo nào đều là nội trong Tam giới. Muốn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi trong Tam giới thì duy chỉ có chân tâm phát ra một niệm tu luyện thành Phật, phát nguyện để sinh mệnh của mình phản bổn quy chân, thoát khỏi giới hạn của Tam giới, và từng phút từng giây quy chính tâm niệm bản thân mình, dốc sức thực tu. Đặc tính căn bản nhất của vũ trụ là Chân Thiện Nhẫn, hé lộ cho con người một con đường lớn tu luyện.
Bộ sách nổi tiếng về những điều thấy ở địa ngục là "Ngọc lich bảo sao" có viết: "Chúng sinh trong lục đạo đều vì vọng tưởng mà thành duyên, vì vọng tưởng mà tạo nghiệp, thiện ác không phân biệt. Nhân quả không sai lệch, phân rõ mảy may, tâm niệm vừa mới động thì nghiệp tướng đã hình thành. Con người tuy không nhìn thấy, nhưng quỷ Thần thấy rõ từ sớm, chớ nói là trong nhà kín, quả báo khó trốn thoát". Lục đạo luân hồi báo ứng không sai lệch, "Chưa được giải thoát khỏi biển khổ; Sao nói an nhiên chẳng sợ thay?"
Tường Hòa
Theo Dung Nãi Gia - Epoch Times
Tài liệu tham khảo:
- Tô Đông Pha toàn tập - Thủy lục pháp tượng tán.
- Cao tăng truyện
- Thái bình quảng lý - Dị tăng 11
- Ngọc lịch bảo sao
Nguồn: ntdvn
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: