12/2/21

Nữ chiến binh Amazon trong thần thoại Hy Lạp có thật hay không?

Những nữ chiến binh thiện chiến đã từng chinh phạt khắp một vùng đất rộng lớn ở biển Đen trong thần thoại Hy Lạp là có thật hay chỉ là những nhân vật hư cấu trong thần thoại Hy Lạp?

Nữ chiến binh Amazon trong thần thoại Hy Lạp có thật hay không?
Một hình ảnh minh họa các chiến binh Amazons trong chiến đấu, từ Bộ sưu tập des vases grecs de le Comte de M Lamberg, quyển II, Bảng 17, Paris, từ năm 1813 đến năm 1824, của Alexandre de Laborde.

Các nhà sử học ngày nay cho rằng những nữ chiến binh Amazon lần đầu tiên xuất hiện trong thơ của Homer vào thế kỷ VIII trước Công nguyên chỉ là những nhân vật tưởng tượng. Nhưng vào những năm 1990 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học bắt đầu tìm thấy những bộ xương cổ của phụ nữ được chôn trong những ngôi mộ chiến binh ở vùng này.

Nhà nghiên cứu Adrienne Mayor ở Trường đại học Stanford, Mỹ, cho biết một số bộ xương có dấu vết thương tích do chiến trận, như là đầu mũi tên còn găm trong xương, hoặc được chôn cùng các vũ khí giống như vũ khí được các chiến binh Amazon sử dụng theo như mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật cổ của Hy Lạp.

Nhờ có các phát hiện khảo cổ, ngày nay chúng ta biết được rằng những truyền thuyết về chiến binh Amazon vốn được coi là hư cấu nhưng thực ra có chứa đựng những chi tiết chính xác về những người phụ nữ du mục trên thảo nguyên, những người đã từng là nguyên mẫu của các nữ chiến binh Amazon huyền thoại.

Những chiến binh du mục này là một phần của những bộ lạc người Scythian xưa kia, những bậc thầy về cưỡi ngựa và bắn cung. Họ sống trên khắp những thảo nguyên Á-Âu, trải dài từ Biển Đen đến tận Trung Quốc, vào khoảng thời gian từ năm 700 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên.

Người Scythian là một dân tộc mạnh mẽ, cứng cỏi. Họ rất giỏi uống rượu nguyên chất, không như người Hy Lạp thường pha rượu vang với nước, biết làm lên men sữa ngựa và lấy cao cây gai dầu làm thức ăn bổ dưỡng. Những thi thể xác ướp người Scynthian được bảo quản trong băng vĩnh cửu cho thấy họ có rất nhiều hình xăm động vật trên cơ thể.

Các tổ chức xã hội người Scynthian không phải chỉ có phụ nữ như mô tả trong thần thoại Hy Lạp, mà đơn giản là những hội nhóm của những người phụ nữ có cách sống như nam giới. Về cơ bản, một số phụ nữ, nhưng không phải tất cả, có tham gia săn bắn và chiến đấu cùng nam giới.

Trong hoàn cảnh sống, chiến đấu trên những vùng thảo nguyên rộng lớn và khắc nghiệt thì sự cộng tác, bảo vệ lẫn nhau là vô cùng cần thiết, bất chấp tuổi tác và giới tính của những người cùng nhóm. Người ta đã tìm thấy những bộ xương của các nữ chiến binh từ 10 đến 45 tuổi ở những nơi chôn cất người Scynthian.

Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã xác định được hơn 300 nữ chiến binh được chôn cùng với ngựa chiến và vũ khí, và mỗi năm họ lại phát hiện thêm những dấu tích mới.

Người Scynthian không phải tộc người duy nhất có phụ nữ tham gia săn bắn và chiến đấu, và người Hy Lạp cũng không phải dân tộc duy nhất kể những câu chuyện về các chiến binh Amazon và những phụ nữ sống như chiến binh Amazon.

Trong những câu truyện được kể từ xa xưa ở Rome, ở Ai Cập, Bắc Mỹ, Ả Rập, Lưỡng Hà, Ba Tư, Trung Á, Ấn Độ và Trung Quốc, đều có những câu chuyện rất thú vị, một số là chuyện hư cấu và một số dựa trên sự kiện có thật, nói về những người phụ nữ sống như chiến binh Amazon. Và phụ nữ tham gia vào chiến đấu thì có ở khắp nơi trên thế giới, từ Việt Nam cho đến những miền đất của người Viking, cả ở châu Phi và châu Mỹ.

Cái tên "sông Amazon" ở Nam Mỹ cũng có liên quan đến một trong những câu chuyện về các chiến binh xưa kia. Theo từ điển mở Encyclopedia Britannica, một người lính Tây Ban Nha tên là Francisco de Orellana, được cho là người châu Âu đầu tiên khám phá vùng Amazon vào năm 1541, đã đặt tên cho con sông như vậy sau khi anh bị các nữ chiến binh tấn công, những người mà anh ví như những chiến binh Amazon trong truyền thuyết mà chúng ta được nghe kể ngày nay về những người Scynthian.

Nguồn: Dân Trí

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: