Lòng từ bi của Đức Phật có những lúc tưởng như đi ngược với những tư duy thông thường của con người, thế nhưng lòng từ bi này lại chính là những giải pháp giúp cho con người an lạc, bình an và khôn ngoan. Sự ác có thể thành sự lành, sự xấu xa có thể thành sự thánh thiện.
Đó chính là lòng từ bi của Đức Phật. Từ một loài chim đại bàng có sức mạnh to lớn, hình dáng mạnh mẽ và luôn sát sinh, ăn thịt những loài vật khác trong đạo Hindu, hình tượng này đã đi vào kinh điển của Phật giáo và trở thành một vị hộ pháp bảo vệ con người. Chính là Kim Sí Điểu hay còn gọi Garuda.
Kim Sí Điểu thực chất có nguồn gốc xuất hiện trong Hindu giáo xưa, được phiên âm từ S: Garuda, phiên âm Ca-lâu-la tức là con chim thần to lớn, lông vàng, hung dữ hay còn được gọi là Diệu Sí Điểu.
Do nghiệp báo nên Kim Sí Điểu thường tìm bắt rồng để ăn thịt. Một hôm Kim Sí Điểu đuổi bắt rồng, rồng sợ chạy vào ẩn trốn dưới tòa sen của Đức Phật xin Ngài cứu mạng. Đức Phật đã dùng oai thần che chở cho rồng và giảng pháp cho Kim sí điểu nghe để giải trừ oan gia nghiệp chướng giữa hai loài.
“Một ngày nó có thể ăn 500 con rồng con và 1 con rồng to. Đó là một chuyện đại sát sinh. Bởi vậy Đức Phật từ bi mới gọi Garuda đến và nói rằng: “Từ đây, ngươi hãy chấm dứt cuộc đại sát sinh đó và đi theo Đức Phật”
Garuda hỏi lại rằng: “Nếu tôi không ăn thịt rồng thì tôi làm sao sống được?”
Đức Phật trả lời: “Sau này, trong mỗi bữa ăn ta sẽ cho các đệ tử của ta cúng thí cho ngươi một chút thức ăn thì ngươi có thể sống được”.
Từ đó, Kim Sí Điểu phát tâm quy y tam bảo, trở thành một trong tám bộ chúng ủng hộ Phật pháp. Tương truyền rằng, những lúc Đức Phật giảng kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” tại núi Linh Thứu, có vô số Kim Sí Điểu đến nghe pháp, cải tà quy chánh, trở thành tám bộ trời rồng hộ trì tam bảo.
Hình tượng Garuda ban đầu có thân hình rất vạm vỡ, đầu chim, mỏ đại bàng, phía trên có mũi miệng và đằng sau có một đôi cánh. Đây là hình ảnh hư cấu, do con người sáng tạo nên.
Kim Sí Điểu hay Garuda được điêu khắc hay tạc trong nhiều tư thế như Garuda đang ăn rắn thần Naga hay hình ảnh vị thần Vishnu – chúa tể của các vị thần đang chinh phục Garuda hay tư thế Garuda đội bệ đá hoa sen đều được bắt nguồn từ những câu chuyện trong Phật giáo.
Liên quan đến những tư thế đó, trong văn hóa Ấn độ vẫn lưu truyền câu chuyện về mối thù giữa loài rắn và loài rồng với chim thần Garuda.
Mẹ của Kim Sí Điểu là thần Vinata bị mẹ của các loài rắn loài rồng Naga là Kadru cầm tù, cho nên Kim Sí Điểu thường phải lên thiên đình ăn trộm các vị thuốc và bảo bối của các vị thần để mang về cứu mẹ mình. Thế nhưng khi lên đến thiên đình, Kim Sí Điểu bị phát hiện và bị các sư thần tiến đánh dữ dội.
Còn một chi tiết khá thú vị đó là loài Garuda hay Kim Sí Điểu này còn được coi là cậu của Phật Tổ.
Chuyện kể rằng nguyên từ lúc trời còn hỗn độn, trong các loài biết bay thì Phượng hoàng là chúa. Phượng hoàng sinh ra Khổng Tước và Đại bàng. Khổng tước hung dữ, nuốt cả Như Lai vào bụng. Như Lai rạch xương sống chui ra, toan giết chết thì chư Phật đều khuyên can, giết nó cũng như giết mẹ mình. Như Lai sau đó phong cho Khổng tước là Phật Mẫu. Vì vậy, luận vai vế, Đại bàng được xem là cậu của Như Lai.
Qua hình tượng vị hộ pháp hình tượng chim đại bàng đã cho con người hiểu rõ được tinh thần cơ bản của đạo Phật: chỉ có lòng từ bi mới hóa giải được thù hận để chuyển hóa kẻ ác thành người thiện. Đức Phật không vì thương rồng, bảo vệ rồng mà lại đi tiêu diệt Kim Sí Điểu.
Bởi vì với tuệ giác, Ngài thấy rõ trùng trùng nhân quả do ác nghiệp tạo nên. Muốn diệt trừ tận gốc rễ oán thù không thể đứng về một phía, chỉ có lòng từ bi, vô lượng, vô biên mới làm cho “oan gia, trái chủ” thức tỉnh, sám hối lỗi lầm của mình quay về chánh đạo. Từ đó, Kim Sí Điểu trở thành một vị hộ pháp tượng trung cho sức mạnh trong Phật giáo.
Theo thesilkroad
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: