Hãy tưởng tượng bạn đang leo lên một ngọn núi rất cao. Khi ở trên đỉnh núi, bạn bám vào từng mỏm đá, di chuyển một cách thận trọng, bạn cảm nhận từng tế bào trên bàn chân, từng thớ gân trong cơ thể, làm sao để bàn tay của bạn có thể giữ chặt vào tảng đá.
Trong tình huống này, không có chỗ cho một sai sót dù là nhỏ, chỉ một chút lơ đãng, mất chú ý bạn có thể thiệt mạng. Bạn đang rất tập trung, không có gì tồn tại ngoài bạn và ngọn núi. Thời gian trôi chậm lại, tất cả các giác quan của bạn đều mở ra hết cỡ, mọi thử trở nên nhạy cảm - màu sắc sáng hơn, âm thanh dường như to hơn.
Tâm trí bạn chuyển sang một trạng thái mới, một cảm giác sống động, cảm giác bình yên và kết nối từ bên trong. Bạn cảm thấy mình đang hòa nhịp với cuộc sống, di chuyển những bước chân điềm tĩnh. Bạn đang thưởng thức tất cả những gì cuộc sống diễn ra xung quanh. Bạn đang trong trạng thái dòng chảy.
Khi chuyến leo núi kết thúc, bạn thấy mình ở chân núi và trở lại cuộc sống thường ngày. Tâm trí bạn từ từ trở lại trạng thái bình thường, trạng thái mà tiếng nói bên trong liên tục rỉ rả thường xuyên.
Cảm giác “sống động” và bình yên mà bạn vừa trải qua sẽ dần dần trở thành ký ức, bạn không thể chờ đợi cơ hội để được sống lại cảm giác đó.
Bây giờ bạn có muốn trải nghiệm lại một lần nữa - cảm giác khi cơ thể và tâm trí hoàn toàn hòa hợp và kết nối. Những gì bạn vừa trải qua là cực điểm của chánh niệm. Có thể bạn nghĩ rằng bạn phải quay trở lại ngọn núi đó để được trải nghiệm lại trạng thái tập trung, kết nối và bình yên đó, nhưng sự thật là bạn không cần làm điều đó, bạn chỉ cần chánh niệm.
Trạng thái thăng hoa - Trải nghiệm chánh niệm
Có thể bạn không phải là một nhà leo núi, nhưng bạn có thể có tất cả những trải nghiệm tương tự. Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc mà chúng ta được trải nghiệm cảm giác tương tự sự tập trung cao độ. Vận động viên có thể trải nghiệm cảm giác này khi một cuộc đua được hâm nóng; họ so sánh khoảnh khắc này giống như khi họ chìm đắm trong trạng thái thăng hoa. Các Phật tử gọi nó là chánh niệm.
Thể thao và các hoạt động thể chất không phải là cách duy nhất để đi vào trạng thái thăng hoa đó. Nghệ sĩ trải nghiệm trạng thái này khi chìm đắm trong cảm hứng sáng tạo. Các nhà văn đạt được trạng thái khi bị cuốn vào câu chuyện và câu chữ tuôn trào ra từ ngòi bút của họ. Một vài người có được trạng thái này khi nghe nhạc, ngắm hoàng hôn, làm vườn, say sưa với những cuộc thảo luận mang ý nghĩa sâu sắc với họ hoặc thậm chí khi họ làm tình.
Đây là những khoảnh khắc mà tâm trí bạn chìm đắm hoàn toàn vào các hoạt động này. Bạn quên mất bản thân mình và hành động của bạn trở nên dễ dàng, linh động, bạn nhận thức cao độ về không gian và thời gian. Thời gian dường như chậm lại và bạn trải nghiệm sự hiện diện của mình ở đây và ngay lúc này.
Nghiên cứu chánh niệm - trạng thái dòng chảy (Flow)
Tiến sĩ Mihaly Chentmihalyi, một tác giả về tâm lý học tích cực, đã nghiên cứu về trạng thái tập trung và đưa ra thuật ngữ “trạng thái dòng chảy”. Trong những năm 1960, ông bắt đầu nghiên cứu sâu về những gì khiến cho con người thực sự hạnh phúc. Ông nhận thấy thực tế tiền không làm con người hạnh phúc, nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt thực sự về mức độ hạnh phúc giữa những người kiếm được 35.000 đô la mỗi năm và những người kiếm được từ 300.000 đô la trở lên mỗi năm. Vật chất - những tài sản cá nhân và đồ dùng xa xỉ - cũng không đóng vai trò trong việc làm cho ai đó hạnh phúc. Tiến sĩ Chentmihalyi phát hiện ra rằng con người hạnh phúc nhất khi ở trong trạng thái dòng chảy.
Trạng thái nhận thức chú tâm vào một điểm này có xu hướng xuất hiện khi một người đặt toàn bộ sự chú ý của họ đến công việc mà họ đang làm vì những động lực nội tại - tức là người đó tập trung vì lợi ích của riêng họ, không phải do việc chờ đợi kết quả.
Hoạt động này thu hút sự chú ý của toàn bộ cơ thể để tâm trí họ được hấp thu hoàn toàn vào những gì họ đang làm. Khi bạn ở trong trạng thái dòng chảy, toàn bộ bản thể của bạn đắm chìm trong hoạt động đó và mọi thứ hoạt động cùng nhau trong sự hòa hợp hoàn toàn.
Hiệu suất làm việc trong trạng thái dòng chảy thường là cao nhất, bạn đạt được mức độ tập trung tối ưu, nhưng bạn không hề có một suy nghĩ nào về nó. Bạn không phán xét bất kỳ cử động nào, bạn không lập kế hoạch cho những hoạt động tiếp theo, tất cả chỉ để mở.
Trong trạng thái dòng chảy, “bản ngã” của bạn sẽ lùi lại, nhường đường cho quá trình diễn ra, không có bất cứ rào cản - bạn không ý thức về sự ức chế, đói khát, mệt mỏi, đau nhức hay bất kỳ điều gì ngoài hoạt động. Tất cả lo lắng, suy nghĩ và ký ức dường như tan biến.
Thời gian trôi qua, bạn hoàn toàn không biết, như thể bạn đang tách rời khỏi nó lúc này. Bạn trở thành một với những gì bạn đang làm trong dòng chảy. Các nghiên cứu được thực hiện trên các vận động viên ở trạng thái thăng hoa - trạng thái dòng chảy - cho thấy sóng não của họ hoạt động tương tự như sóng não của những người thiền định.
Dòng chảy là trạng thái thiền - của chánh niệm - không phải chỉ khi bạn ngồi yên, mà cả khi bạn hoàn toàn chìm đắm vào một hoạt động nào đó.
Trạng thái dòng chảy cũng là được mô tả khi bạn thực hành các động tác yoga - Karma yoga - hợp nhất nhận thức và hành động. Thông qua Karma Yoga, Thiền định không còn chỉ là một kỹ thuật cho người tập Yoga mà còn là một cách sống. Nó thiêng liêng và cần thiết đến mức việc giảng dạy và thực hành nó được đưa vào trong Bhagavad Gita - một trong những văn bản tâm linh quý giá nhất thế giới.
Làm thể nào để đi vào trạng thái chánh niệm bằng 4 bước đơn giản?
Bạn không cần một ngọn núi, một môn thể thao hay một bình minh tuyệt đẹp để đi vào chánh niệm. Một khi bạn hiểu rõ, bạn chỉ cần thực hành một cách đơn giản để trở nên chánh niệm. Đối với những người tập Yoga và những người Phật tử, việc thực hành chánh niệm từ trong cuộc sống, thực hành qua những nhiệm vụ đơn giản hàng ngày được coi là con đường để đi vào trạng thái dòng chảy. Thay vì tập trung vào leo núi, nhảy múa hoặc các hoạt động cường độ cao khác, công việc cần tập trung đơn giản thường là quét nhà, rửa bát, đi bộ hay lau dọn nhà cửa.
Thực hành những công việc này là một phương pháp mà người thực hành có thể nhận ra rằng không có những khoảnh khắc trần tục, chỉ có trạng thái tâm trí trần tục. Khi thực hành, cảm giác bình an và cảm giác hạnh phúc sống động được cảm nhận khi quét, khi thiền hay khi leo núi là như nhau.
Tuy nhiên, đừng chỉ nghe lời tôi nói, hãy thực hành!
Hãy thử làm điều này: chọn một hoạt động hàng ngày và biến nó thành hoạt động giống như bạn đang tập Karma Yoga - bây giờ bạn bắt đầu thực hành chánh niệm. Bạn chọn một hoạt động đơn giản, như là đánh răng, rửa bát hay đi bộ lên hoặc xuống cầu thang.
1️. Bước 1: Trước khi bạn bắt đầu hoạt động, hãy tạm dừng lại, thở 3 hơi thở bằng ý thức thật sâu. Hãy để tâm trí hoàn toàn vào hơi thở tại thời điểm đó và không để tâm đến gì khác ngoài hơi thở.
2. Bước 2: Tập trung tất cả sự chú ý của bạn vào thời điểm hiện tại. Tưởng tượng như quá khứ và tương lại không tồn tại. Nhận thức tất cả các giác quan của bạn, nhận thức về sự hiện diện hoàn toàn, ở đây và ngay lúc này.
3. Bước 3: Từ từ - với sự nhận thức từng cử động - tập trung vào hoạt động của bạn. Đưa việc bạn đang làm thành việc thực hành thiền định với sự tập trung cao độ.
4. Bước 4: Duy trì sự nhận thức và giữ cho tập trí tập trung toàn bộ vào những gì bạn đang làm trong khoảnh khắc đó - không cho phép nó trượt vào cuộc trò chuyện của vô thức. Khi được chìm đắm vào một hoạt động như thế, bạn có cảm giác nh️ư vừa được sinh ra trong thế giới này. Bạn sẽ thấy rằng hoạt động mà bạn vẫn làm hàng ngày trở nên sống động khi bạn thực hành nó với chánh niệm. Nếu tâm trí của bạn bị đi lạc vào những lời nói của vô thức, bạn chỉ cần hướng dẫn nó trở lại để tham gia tích cực vào những gì bạn đang làm.
Thực hành theo cách này ngay lập tức làm cho những gì trước đây chỉ là một công việc tầm thường trở nên thú vị và đem lại cảm giác thỏa mãn. Bạn có thể thử thách bản thân mình để hoàn toàn hiện diện cho một hoạt động nào đó không?
Theo thời gian, bạn có thể mang trạng thái dòng chảy vào nhiều hoạt động hơn trong ngày. Đây là cách tuyệt vời để nuôi dưỡng hạnh phúc và hòa bình trong cuộc sống hàng ngày mà không cần phải thay đổi những yếu tố bên ngoài. Đó là cách để bạn nhận ra rằng, không có khoảnh khắc nào là tầm thường, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống là món quà thiêng liêng và thông qua nghệ thuật sống chánh niệm, thông qua trạng thái dòng chảy, chúng ta có thể sống mọi khoảnh khắc của cuộc sống một cách trọn vẹn.
Nguồn: Khoahoctamlinh
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: