Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn, mọi thứ bạn biết, tất cả những người trong cuộc sống của bạn cũng như tất cả các sự kiện đều không có thật mà chỉ là một mô phỏng rất công phu? Nó được tạo ra từ một thực thể vật chất có thật, hay từ một ý thức phổ quát?
Triết gia Nick Bostrom đã nghiên cứu giả thuyết mô phỏng trong bài báo có tiêu đề: “Có phải bạn đang sống trong một mô phỏng máy tính?”. Trong đó, ông Bostrom đề xuất rằng tất cả sự tồn tại của chúng ta có thể chỉ là sản phẩm của những mô phỏng máy tính rất tinh vi được thực hiện bởi những sinh vật tiên tiến từ tương lai mà chúng ta có thể không bao giờ biết được. Giờ đây, một lý thuyết mới đã ra đời giúp giả thuyết tiến thêm một bước nữa - điều gì sẽ xảy ra nếu không có những sinh vật tiên tiến này và mọi thứ trong "thực tại" đều là mô phỏng tự tạo ra từ ý niệm thuần túy?
Trong bài báo có tiêu đề "Giải thích giả thuyết tự mô phỏng theo cơ học lượng tử", nhóm Nghiên cứu Hấp dẫn Lượng tử, một viện vật lý lý thuyết có trụ sở tại Los Angeles do nhà khoa học và doanh nhân Klee Irwin thành lập đã mô tả vũ trụ vật lý chỉ là một "vòng lặp kỳ lạ".
Các nhà nghiên cứu lấy giả thuyết mô phỏng của Bostrom, trong đó khẳng định rằng tất cả thực tại là một chương trình máy tính cực kỳ chi tiết. Tuy nhiên, thay vì đòi hỏi cần có các dạng sống tiên tiến để tạo ra mọi thứ trong thế giới của chúng ta, nghiên cứu mới cho rằng vũ trụ tự nó là một "sự tự mô phỏng tinh thần". Họ gắn ý tưởng này với cơ học lượng tử, coi vũ trụ là một trong nhiều mô hình hấp dẫn lượng tử có thể có.
Một điểm quan trọng là quan điểm trong nghiên cứu mới này trái với quan điểm duy vật trong giả thuyết ban đầu của Bostrom, coi vũ trụ là vật chất vốn có. Với Bostrom, chúng ta có thể đơn giản là một phần của mô phỏng sơ khai, được thiết kế bởi những “hậu nhân”. Ngay cả bản thân quá trình tiến hóa cũng có thể là một cơ chế mà sự sống tương lai (hậu nhân) đang thử nghiệm vô số quá trình, có mục đích di chuyển con người qua các cấp độ phát triển sinh học và công nghệ. Bằng cách này, họ cũng tạo ra thông tin hoặc lịch sử được cho là của thế giới chúng ta. Cuối cùng, chúng ta sẽ không biết sự khác biệt giữa thực tại và mô phỏng.
Nhưng những “hậu nhân” có thể tạo ra các mô phỏng đến từ đâu? Các nhà nghiên cứu đã chuyển sang cách tiếp cận phi vật chất, nói rằng mọi thứ đều là thông tin được thể hiện dưới dạng ý niệm. Như vậy, vũ trụ tự "hiện thực hóa" bản thân thành sự tồn tại, dựa vào các thuật toán cơ bản và một quy tắc mà các nhà nghiên cứu gọi là "nguyên tắc của ngôn ngữ hiệu quả".
Theo đề xuất mới này, toàn bộ mọi thứ trong mô phỏng được tạo ra từ một "ý niệm vĩ đại". Bản thân mô phỏng sẽ được bắt nguồn như thế nào? Các nhà nghiên cứu nói rằng nó luôn ở đó, giải thích bằng khái niệm "thuyết đột sinh vô hạn". Theo ý tưởng này, thời gian không có. Thay vào đó, ý niệm bao trùm tất cả là thực tại của chúng ta cung cấp một hình thức lồng ghép của tầng tầng ý niệm. Đây cũng là lúc quy tắc của ngôn ngữ hiệu quả ra đời, cho thấy rằng bản thân con người là "những ý niệm tầng thấp" và họ trải nghiệm và tìm thấy ý nghĩa trong thế giới thông qua những ý niệm khác một cách hiệu quả nhất.
Trong một trao đổi với Big Think, nhà vật lý David Chester giải thích thêm: "Trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng thuyết duy vật là đúng, chúng tôi tin rằng cơ học lượng tử có thể cung cấp gợi ý rằng thực tại của chúng ta là một cấu trúc tinh thần. Những tiến bộ gần đây trong hấp dẫn lượng tử, chẳng hạn như nhìn thấy không thời gian đột sinh thông qua hologram, cũng là một gợi ý rằng không thời gian không phải là cơ bản. Điều này cũng tương thích với triết học Hermetic và Ấn Độ cổ đại. Theo một nghĩa nào đó, cấu trúc tinh thần của thực tại tạo ra không thời gian để hiểu chính nó một cách hiệu quả bằng cách tạo ra một mạng lưới các thực thể ý thức tầng thấp hơn có thể tương tác và khám phá tổng thể của các khả năng”.
Các nhà khoa học liên kết giả thuyết của họ với thuyết Toàn tâm luận (panpsychism), coi mọi thứ là ý niệm hoặc ý thức. Các tác giả cho rằng "mô hình tự mô phỏng Toàn tâm luận" của họ thậm chí có thể giải thích nguồn gốc của ý thức phổ quát ở cấp độ cơ bản của mô phỏng, vốn "tự hiện thực hóa chính nó trong một vòng lặp kỳ lạ thông qua tự mô phỏng”. Về cơ bản, ý thức phổ quát này cũng có ý chí tự do và các cấp độ đan xen khác nhau có khả năng chọn mã nào để hiện thực hóa, đồng thời đưa ra các lựa chọn cú pháp. Mục tiêu của ý thức này là gì? Để tạo ra ý nghĩa hoặc thông tin.
Tất cả những điều này nghe có vẻ khó hiểu. Tuy nhiên, các tác giả đưa ra một ý tưởng thú vị khác có thể liên kết trải nghiệm hàng ngày của bạn với những ý tưởng triết học này. Hãy coi giấc mơ như là sự tự mô phỏng của chính bạn. Mặc dù chúng còn khá sơ khai, những giấc mơ có xu hướng cung cấp độ phân giải tốt hơn so với mô hình máy tính hiện tại và là một ví dụ tuyệt vời về sự tiến hóa của tâm trí con người.
Như các nhà khoa học viết: "Điều đáng chú ý nhất là độ phân giải siêu trung thực của các mô phỏng dựa trên tâm trí này và độ chính xác của vật lý trong đó”. Họ đặc biệt lưu ý đến những giấc mơ sáng suốt, nơi mà người mơ biết mình đang ở trong một giấc mơ, như những trường hợp mô phỏng rất chính xác do tâm trí bạn tạo ra mà có thể không thể phân biệt được với thực tại. Vì vậy, bây giờ bạn đang ngồi đây để đọc bài viết này, làm thế nào để bạn thực sự biết đây không phải là một giấc mơ? Trải nghiệm có vẻ có độ phân giải rất cao nhưng một số giấc mơ cũng vậy.
Trong khi ý tưởng mới này chắc chắn gây tranh cãi trong giới khoa học chính thống, Klee và nhóm của ông trả lời rằng: "Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về ý thức và các khía cạnh nhất định của triết học vốn là những chủ đề không thoải mái đối với một số nhà khoa học”.
Nguồn:ntdvn
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: