Mỗi một vị Phật, mỗi một vị Bồ Tát đều có hình tướng và hạnh nguyện riêng, nhưng các Ngài có chung một điều là đều có lòng thương chúng sinh vô cùng vô tận và làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh.
Hãy cùng tìm hiểu về 57 vị Phật và Bồ Tát theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng dưới đây:
1. Đạo Sư Liên Hoa Sanh:
Đạo sư Liên Hoa Sanh hay Ngài được biết là Guru Rinpoche. Ngài là hoá thân của Đức Phật A Di Đà và Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Ngài được coi là Đức Phật thứ hai sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bậc Thánh vĩ đại đã hàng phục mọi ma quỷ và tà đạo để thiết lập Mật thừa ở Tây Tạng và Ngài nổi tiếng là đấng Thủ Hộ nguyên thủy Bất biến Quang.
Ngài hứa rằng, cứ mỗi vị Phật ra đời sẽ có 1 tỷ tái sinh của Đức Liên Hoa Sanh để cứu độ chúng sinh khắp mọi nơi. Bất cứ ai có lòng sùng mộ đến Ngài và đọc bài kệ Bảy dòng, Ngài sẽ ngủ ở cửa nhà để bảo vệ và hướng dẫn họ tới giác ngộ.
Bài kệ Bảy dòng – Bảy Dòng Kim Cương Liên Hoa
Hung!
Trên miền biên giới phía Tây Bắc xứ Orgyen
Sinh ra trên nhụy một đóa Hoa sen
Phật quả vô thượng, Ngài thành tựu
Lừng danh là Đấng Liên Hoa Sanh
Vây quanh quyến thuộc Không hành nữ
Theo bước chân Ngài con tu tập
Xin Ngài hãy đến và ban phước
Guru Pema Siddhi Hung!
"Ngắm nhìn một vị Phật thì công đức sánh bằng cúng dường 10.000 vị tăng trong một buổi sáng"
2. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát:
(Ảnh: Đức Quan Âm Tứ Thủ)
Ngự trên một mặt trăng và mặt trời, Đức Quán Thế Âm là vị Bồ Tát quan trọng nhất trong các vị Bồ Tát.
Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện sự từ bi đến cùng tận trong đời vị lai nếu chúng sinh vẫn còn còn đau khổ. Vì chỉ có Từ Bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có Trí Tuệ mới diệt được u minh.
Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài.
Ở giữa trái tim mình, vị Bồ Tát vĩ đại này cầm một cách trìu mến viên ngọc Như ý, biểu hiện Trí tuệ siêu việt rằng sự tử tế sẽ mang lại sự tử tế và hãy hiểu rằng làm hại người khác nghĩa là làm hại chính mình.
Tất cả mọi thứ xảy ra trong đời con, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều là kết quả của chính những điều con mong muốn. Vì vậy hãy mong muốn ích lợi cho mọi người.
Hãy đánh thức con người từ bi bên trong con. Hãy sống giống như là vị Bồ Tát của lòng từ bi và hãy chuyển hóa thế giới mà con đang sống thành thế giới đầy lòng từ bi.
3. Đức Phật Tài Bảo Jambala:
Đức Jambala hay Ngài còn được gọi là Dzambala. Ngài là vị Phật giúp tiêu trừ sự nghèo khó và tăng trưởng sự ổn định, giàu có.
Ngài là hoá thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, thị hiện dưới dạng vị Phật của lòng Đại Bi. Có 5 hoá thân Jambala: đỏ, xanh lục, xanh da trời, trắng và vàng. Trong đó Đức Jambala vàng được coi là hoá thân chính và là một thành viên của Bảo Sanh Bộ.
Trong thời đại ngày nay, chúng sinh bị nhiều năng lượng tiêu cực cản trở, Ngài hiện ra cả hoá thân phẫn nộ lẫn an bình để giúp chúng ta giảm thiểu sự thiếu thốn và khó khăn trong cuộc sống, đồng thời tăng trưởng sự may mắn, đầy đủ ở bên trong lẫn bên ngoài của chúng ta.
“Ngài Jambala cầm một trái cây (hay ngọc như ý tỏa sáng) trong tay phải để thấy rằng nếu chúng ta theo sự tu tập của ngài, chúng ta có thể gặt hái kết quả từ những nỗ lực của bản thân để đạt tới thành tựu và giác ngộ.”
4. Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát:
“Đức Văn Thù Sư Lợi, nếu chúng ta đọc đủ theo âm Hán thì sẽ là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. Ngài là đại diện cho Trí Tuệ vì Đại Trí nghĩa là Trí Tuệ thấu triệt chân lý một cách tường tận và tuyệt đối.”
Đức Văn Thù màu vàng nhảy múa tay phải cầm kiếm để tiêu diệt vô minh, tay trái cầm Kinh Bát Nhã biểu tượng cho trí tuệ cao nhất của nhà Phật.
Hai chân Ngài đang nhảy múa biểu tượng cho việc không thể tách rời giữa trí tuệ và phương tiện. Đức Văn Thù ban cho trí tuệ hiểu biết bản chất của thế giới lẫn trí tuệ hiểu biết mọi tính chất tương đối của các sự vật hiện tượng.
Chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi
(Đọc: Ôm A ra pa tra na đê)
5. Bổn Tôn Đức Tara Trắng:
Bổn Tôn Đức Tara Trắng hay Ngài còn được biết đến là Bổn Tôn Bạch Độ Mẫu. Ngài là biểu tượng cho lòng từ bi chấp nhận. Màu trắng của Ngài tượng trưng cho sự tịnh hoá, bình an và trí tuệ. Ngài ban cho sự bảo vệ, sự tịnh hoá và hạnh phúc gia đình.
Ngài có thể giúp chúng sinh thành tựu tất cả những gì họ cần và cũng giúp họ ngăn ngừa các chướng ngại, đặc biệt là chướng ngại cho sự trường thọ của họ. Đó là lý do vì sao thực hành thần chú của Đức Tara Trắng rất phổ biến.
Thần chú của Đức Tara Trắng:
Om Tare Tuttare Ture Mama Ayuh Punya Jñana Pustim Kuru Svaha
(Đọc: Ốm Tha Rế Thu Tha Rế Thu Rê Ma Ma Ai Dà Pun Dà Nha Nà Put Tìm Khu Rù Sô Hà)
6. Đức Quán Thế Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay
Đức Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, vị Phật với tình yêu thương không bờ bến, mở rộng cánh tay dịu dàng của Người ra mọi hướng, và dùng mọi phương tiện thiện xảo để đánh thức lòng từ bi chân thật trong trái tim mỗi chúng sinh.
Hãy nhận ra lòng từ bi vốn luôn sẵn có trong con và một cách tự nhiên sức mạnh của một nghìn cánh tay, một nghìn con mắt sẽ xuất hiện nơi con. Con sẽ không bao giờ đơn độc trong thế giới của lòng từ bi, vì có rất nhiều người khác cũng đang trên con đường này.
Hãy đánh thức những vị Bồ Tát nhiệt thành đang hiện diện bên trong con.
Hãy đọc tụng Om Mani Padme Hum, và quán tưởng mình chính là vị Phật của lòng từ bi.
Thần Chú của Ngài Quán Thế Âm – Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn:
Om Mani Padme Hum
( Đọc: Ôm ma ni pê mê hung hoặc Ôm ma ni pad mê hum)
7. Đức Kim Cương Thủ
Đức Kim Cương Thủ là vị Phật đại diện cho sức mạnh của tất cả chư Phật. Trong Đại Thừa, Ngài được gọi là Đại Thế Chí Bồ Tát.
Trong Mật thừa, Ngài hiện thân phẫn nộ nhảy múa trong quầng lửa huy hoàng, tay phải cầm Chày kim cương phát ra sức mạnh sấm sét tiêu diệt mọi kẻ xấu hay điều xấu. Tay trái Ngài cầm sợi dây thòng lọng để trói bắt tất cả những kẻ thù của Pháp. Chân Ngài giẫm đạp lên những thân người đầu voi biểu tượng cho việc Ngài hàng phục được cả Chúa tể của Chư Thiên.
Trong quá khứ, chúa tể của chư thiên là Mahadeva ngàn tay có sức mạnh nghiêng trời lệch đất, nghĩ rằng mình mạnh nhất toàn bộ vũ trụ, tỏ ra kiêu ngạo coi thường Ngài. Hắn dẫn tất cả thiên binh đến thách thức sức mạnh của Đức Kim Cương Thủ.
Sau khi khuyên giải mà Mahadeva không nghe, Ngài đã dùng Chày kim cương tiêu diệt hắn chỉ trong một chớp mắt. Sau khi toàn bộ quân đoàn của Mahadeva đã hàng phục Đức Kim Cương Thủ, Ngài dùng thần lực cứu sống Mahadeva trở lại. Nhưng Mahadeva vẫn không hối cải, tiếp tục xông vào định đánh nhau với Ngài.
Đức Kim Cương Thủ một lần nữa trỏ ngón tay, cướp đi mạng sống của hắn. Mahadeva ngã lăn ra đất, không còn dấu hiệu của sự sống. Với lòng từ bi, Ngài cứu sống Mahadeva một lần nữa. Lần này Mahadeva quỳ xuống dưới chân Ngài, nhận được sự ban phước của Ngài và đạt giác ngộ ngay lập tức.
Hãy cầu nguyện đến Đức Kim Cương Thủ để vượt qua mọi chướng ngại và ma quỷ bên trong lẫn bên ngoài của bạn.
8. Ngài Tara Xanh:
Ngài Tara Xanh hay còn được gọi là Đức Lục Độ Phật Mẫu.
Được sinh ra từ giọt nước mắt bi mẫn của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài Tara xanh tượng trưng cho lòng từ bi tích cực. Màu xanh của ngài biểu tượng cho thành tựu các hoạt động và phát triển các phẩm chất bên ngoài, bên trong và bí mật.
Ngài ban cho sự thành công trong các hoạt động và sự kết hợp giữa trí tuệ và hành động. Hãy cầu nguyện và trì tụng thần chú để nhận được sự ban phước từ Ngài Tara Xanh.
Thần chú của Ngài Tara Xanh:
Om tare tuttare ture soha
(Đọc: Ôm tà rê tút tà rê tu rê sô hà)
9. Đức Phật Di Lặc
Đức Phật Di Lặc là vị Phật tương lai. Ngài sẽ thành Phật ở cõi người sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Ngài là vị Phật của tình thương.
Trong vô số kiếp trước Ngài đã phát bồ đề tâm trước đức Đại Lực Như lai và rất nhiều vị Phật khác. Kể từ đó, Ngài đã dẫn vô số chúng sinh đến giác ngộ bằng giáo pháp của cả 3 thừa: nguyên thuỷ, đại thừa và mật thừa.
Khi thực hành như 1 vị Bồ tát, Ngài không chỉ thường xuyên thiền định về tình thương rộng lớn mà Ngài còn dạy nó cho nhiều người khác.
Ngài thường ngồi ở cổng của kinh thành và suy nghĩ sâu sắc về tình thương. Tâm yêu thương của Ngài mạnh tới mức những người đi gần Ngài, chạm vào chân của Ngài liền có được sự chứng ngộ về tình yêu thương vô điều kiện.
Điều này khiến chư Phật khắp mười phương hết sức hài lòng và hoan hỷ, tiên tri rằng: Trong tương lai, khi còn là Bồ tát và cả khi trở thành Phật thì vị Bồ tát này sẽ luôn được biết đến với tên gọi “Tình Thương” (Maitreya – Di Lặc). Đấy là lý do Ngài được gọi là Đức Phật Di Lặc.
Hãy cầu nguyện đến Ngài để chứng ngộ được tình yêu thương vô điều kiện.
10. Đức Phật Dược Sư:
Đức Phật Dược Sư cầm trên tay phải một nhành Arura, mà từ đó mọi loại thuốc ở Tây Tạng được cấu thành. Tay trái Ngài cầm chiếc bát chứa ba loại nước cam lồ chữa bệnh và phục hồi sự sống, chống lão hóa và khai sáng tâm trí.
Mục đích của Ngài là chữa lành về tâm linh, còn thân thể chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian hữu hạn. Khi nhận ra thế giới này chỉ tồn tại trong ảo giác nhầm lẫn, con sẽ nhận ra tình trạng vật lý cũng là một sản phẩm của tâm con mà thôi.
Thân thể con chỉ là một phần của tâm. Hãy đánh thức người chữa lành linh thánh bên trong. Nhận ra ốm đau chỉ có thể làm thân thể này không khỏe, nhưng thân này không bao giờ thực sự là con.
Thần chú của Đức Phật Dược Sư
Tayata Om Bekandze Bekandze Maha Bekandze Radza Samudgate Soha
11. Đức Diệu Âm Thiên Nữ – Saraswati
Diệu Âm Thiên Nữ là vị nữ Phật của nghệ thuật Âm thanh, Biện tài và Trí tuệ. Ngài là phối ngẫu của Đức Văn Thù Bồ Tát.
Da Ngài trắng như tuyết, mặt đẹp như ngọc, tóc xanh mượt mà, mặc thiên y không một vết may.
Tay Ngài cầm đàn tỳ bà, tướng mạo như thiên nữ 16 tuổi, ôn nhu mà trang nghiêm. Tay trái Ngài nâng cây đàn có đầu chim Phượng hoàng, tay phải gẩy lên những điệu nhạc du dương. Tiếng đàn kỳ diệu đi vào lòng người.
Ngài có thệ nguyện rằng: bất kỳ người giảng pháp nào khẩn cầu tới sự ban phước từ Ngài sẽ có đầy đủ Trí tuệ và Biện tài của Ngài. Lời nói trở nên trang nghiêm và thuyết phục, quyến rũ mà thấm sâu.
Đang giảng kinh gì mà lỡ quên mất liền lập tức nhớ ra. Đang nói Thần chú gì mà không nhớ thì Thần chú vẫn lưu loát tuôn ra. Nếu như bạn thường xuyên cầu nguyện đến Ngài thì âm thanh lời nói của bạn sẽ trở nên đẹp đẽ, dễ nghe, khiến ai cũng muốn đi theo.
Ngài cũng là một vị nữ Phật của kỹ nghệ nên bất kỳ ai cần sự khéo léo trong công việc (vẽ tranh, sửa máy tính, chữa bệnh, chơi đàn, nấu nướng…) cũng nên cầu nguyện đến Ngài.
Diệu Âm Thiên Nữ Chú
Om Sarasiddhi Hring Hring
(Đọc: Ôm sa rà si đi hi ring ring)
12. Đức Mahakala Như Ý – Cintamani Mahakala
Đức Mahakala trắng hay còn gọi là Đức Mahakala Như Ý – Cintamani Mahakala, tay Ngài cầm một viên ngọc ban cho con thành tựu mọi ước nguyện. Ngài hiện ra với một nụ cười đầy uy lực bảo vệ sự giàu có và thịnh vượng của những chúng sinh cần đến Ngài.
Thông điệp của Ngài là: “Sự giàu có thực sự chỉ có được thông qua bố thí”. Món quà của Ngài là: “Với lòng cảm thông, trắc ẩn, con sẽ tự do thoát khỏi những ràng buộc của sự khốn khó. Khi cho đi tất cả những gì con có được một cách vật chất, tinh thần và tâm linh, thì con sẽ được sinh vào cõi Phật giàu có, tự do khỏi ham muốn và sợ hãi”.
Vương quốc giàu có, trù phú của đức Cintamani Mahakala sẽ trở thành hiện thực đối với con. Giống như Đức Cintamani Mahakala, hãy thoả mãn mọi ước nguyện của mỗi chúng sinh mà con gặp trên đường đời. Đây chính là sự tự do thực sự, thịnh vượng thực sự!
13. Đức Kurukulle – Tác Minh Phật Mẫu
Ngài Kurukulle – Tác Minh Phật Mẫu là một hóa thân của Đức Tara đỏ.
Ngài có thân hình màu đỏ rực, một mặt, 4 tay. Hai tay Ngài cầm cung tên do Hoa Ưu Bát La Hồng tạo thành: một tay cầm dây móc câu, một tay cầm trượng móc. Quanh mình Ngài quấn 50 chiếc đầu lâu trong tư thế nhảy múa, một chân giẫm đạp lên ma nữ ngoại đạo. Mặt Ngài biểu hiện nửa giận, nửa vui.
Những ai nương tựa vào Ngài sẽ tăng trưởng tâm vô úy, được Ngài hộ trì không còn e sợ luân hồi sinh tử. Ngài giúp bạt trừ chướng ngại, thu hút mọi ước nguyện đến với người mong cầu, đặc biệt là cải thiện mọi mối quan hệ xung quanh trở nên hòa nhã và yêu thương hơn.
Thần Chú của Đức Tác Minh Phật Mẫu:
Om Kurukulle Hri Soha
(Đọc: Ôm Ku rum ku le ri sô hà)
14. Ngài Guru Bọ Cạp:
Ngài Guru Dragpo hay còn gọi là Guru Bọ Cạp là một hóa thân của đức Liên Hoa Sanh.
Một lần, đức Liên Hoa Sanh đang giảng ở tu viện Samye thì Pehar – là một vị thần chiến tranh, hóa thành một tu sĩ trẻ và hỏi đức Liên Hoa Sanh: Ngài sợ gì nhất? Đức Liên Hoa Sanh trả lời bằng tiếng Tây Tạng Ngài sợ nhất là: “sdig pa” – nghĩa là những nghiệp xấu. Pehar nghe nhầm rằng đức Liên Hoa Sanh nói về con bọ cạp vì trong tiếng Tây Tạng thì bọ cạp cũng gọi là “sdig pa”.
Ngày hôm sau Pehar hóa thành bọ cạp khổng lồ đến định dọa nạt Đức Liên Hoa Sanh, Ngài liền hóa thành một bậc thầy phẫn nộ – Guru Dragpo, một tay cầm chày kim cương, tay kia bắt bọ cạp và dọa đập chết nó . Pehar bèn hàng phục trước Đức Liên Hoa Sanh và thề sẽ bảo vệ Phật Pháp.
15. Đức Phật Vô Lượng Thọ – Amitayus
Đức Vô Lượng Thọ là một hóa thân của Đức Phật A Di Đà.
Ngài có thân hình màu đỏ, đang ngồi trong tư thế thiền định, hai tay cầm chiếc bình chứa nước cam lồ bất tử. Ngài ban cho đời sống có tuổi thọ dài lâu, không đau buồn, bệnh tật và dẫn những người tin tưởng Ngài đến cõi Tây Phương Cực Lạc.
Những người theo Phật giáo Tây Tạng thường cầu nguyện đến Ngài khi mắc những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV… bởi sự ban phước không thể nghĩ bàn của Ngài sẽ giúp họ vượt qua về mặt thể chất cũng như tinh thần.
16. Ngài Ganesha:
Ganesha là vị hộ Phật của Văn chương, Trí tuệ và đạp bằng mọi chướng ngại. Bụng bự của Ngài Ganesha biểu tượng cho sự thịnh vượng nhưng cũng biểu trưng cho sự rộng lượng và dung chứa vô tận.
Đầu voi to lớn, tượng trưng cho trí tuệ thông thái, tai to nghe nhiều hiểu rộng. Cái vòi tượng trưng cho những khả năng đặc biệt không ai có được.
Chiếc vòi có thể khai thông mọi bế tắc, quật ngã cây cối, giúp vượt qua rừng rậm, nhưng cũng lại rất tế nhị, thậm chí nhặt nổi một cây kim! Ngài giẫm lên một con chuột thể hiện cho tốc độ và sự khéo léo. Một ngà bị gãy của Ngài thể hiện cho sự khiêm nhường.
Hãy cầu nguyện đến đức Ganesha để phát triển tài năng văn chương, trí tuệ, sự khéo léo và sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại.
Thần chú của Ngài Ganesha
Aum Shreem Hreem Kleem Klowm Gum Ganapathaye Vara Varadha Sarvajanmaye Vasamaanya Swaha (3 lần)
17. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
Đội chiếc vương miện chế tác từ những viên ngọc của sự tỉnh thức hoàn toàn, Đức Phật – hay Phật tính ở trong trái tim của mọi chúng sinh và biểu hiện ra ngoài thành một vũ trụ sống động.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng ra đạo Phật, Ngài được thờ ngay giữa chính điện, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già, hoặc ngồi kiết già với tay phải cầm hoa sen đưa lên.
Hãy để tâm con thoát ra khỏi cái bẫy của việc tin rằng có một cái tôi. Khi con nhận ra rằng Đức Phật chỉ đơn giản là bản tính tự nhiên của con thì hạt giống của sự bất tử sẽ tự chín muồi. Mục đích cuối cùng của Đức Phật là đánh thức tâm giác ngộ sẵn có trong mỗi chúng sinh.
Hãy quán chiếu về Đức Phật linh thánh bên trong, giải phóng con khỏi niềm tin rằng thế giới vật chất và tinh thần là có thật. Khi ấy không còn có gì hiện ra với con ngoài vị Phật tối thượng luôn ngự sẵn bấy lâu nay.
18. Dakini Đầu Sư Tử Simha Mukha:
Dakini Đầu Sư tử Simha Mukha là một Dakini phẫn nộ và là hoá thân phẫn nộ của nữ Đạo sư Guhiajana, thầy của Đức Liên Hoa Sanh.
Ngài giúp hàng phục mọi ảnh hưởng tiêu cực và các cuộc tấn công của các lực lượng ma quỷ. Ngài cũng là hoá thân của Đức Vajravarahi (Kim Cương Heo Nái).
Dưới sự bảo vệ khéo léo và mạnh mẽ của Ngài, khi bạn bị tấn công, hãy cầu nguyện đến Ngài, mọi sự tấn công vào bạn sẽ bị phản ngược lại vào nguồn tấn công (gậy ông đập lưng ông), giúp bạn loại bỏ mọi chướng ngại để nhanh chóng đạt được giác ngộ.
19. Đức Mã Đầu Minh Vương – Hayagriva:
Đức Mã Đầu Minh Vương – Hayagriva là hóa thân phẫn nộ của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có 3 đầu, 6 tay, 4 chân và trên đỉnh đầu Ngài là một chiếc đầu ngựa đang hí vang.
Tất cả mọi thế lực tiêu cực chỉ cần nghe tiếng hí oai hùng của Ngài sẽ run rẩy và hàng phục. Nếu cầu nguyện đến Ngài và được Ngài ban phước, bạn sẽ điều phục được người ác, dứt trừ mọi bệnh tật, đánh lui được đối thủ và tranh luận được thắng lợi.
20. Đức Kim Cương Tát Tỏa – Vajrasattava:
Đức Kim Cương Tát Đỏa là một vị Phật có lời nguyện sẽ tịnh hóa tất cả tội lỗi của chúng sinh.
Khi còn là một vị Bồ Tát, Ngài nguyện rằng: bất kỳ ai đọc câu Thần chú Trăm âm của Ngài thì Ngài sẽ nhận lãnh nghiệp xấu của người đó và chuyển nghiệp tốt của Ngài cho họ. Bất kỳ ai đọc Thần chú của Ngài mà không tiêu trừ bớt nghiệp xấu thì Ngài nguyện không thành Phật.
Các hành giả Mật thừa nên nương tựa vào sức mạnh tịnh hóa từ Thần chú Trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa để nhanh chóng vượt qua mọi lỗi lầm bên ngoài lẫn bên trong và đạt tới giác ngộ.
Thần chú của Đức Kim Cương Tát Đỏa:
Om benzar sato sa ma ya ma nu pa la ya
Benzar sato te no pa
Tishtha dri dho me bha wa
Su to ka yo me bha wa
Su po ka yo me bha wa
Anu rakto me bha wa
Sarva siddhi me pra yatsa
Sarva karma su tsa me
Tsittam shre yam ku ru hung
Ha ha ha ha ho bha ga wan Sarva ta tha ga ta benzra ma me muntsa benzri bha
Ma ha sa ma ya sato ah
21. Đức Bất Động A Súc Bệ:
Đức Phật Bất Động A Súc Bệ là một trong Ngũ Trí Phật và là vị Phật đứng đầu của Kim Cương Bộ ở phương Đông.
Ngài là biểu tượng của Đại Viên Cảnh Trí – Trí tuệ phản chiếu tất cả mọi sự vật hiện tượng và biết rõ đâu là thật, đâu là giả. Thân Ngài có màu xanh dương thẫm, tay kết ấn thiền định và ôm lấy phối ngẫu màu trắng biểu tượng cho sự kết hợp không thể chia tách của Phương tiện và Trí tuệ.
22. Đức Kim Cương Heo Nái – Vajravarahi:
Đức Kim Cương Heo Nái – VajraVarahi
Ngài là hoá thân phẫn nộ của Đức Kim Cương Du Già Thánh Nữ, chúa tể của mọi nữ hành giả Mật thừa. Trên đầu của Ngài là một chiếc đầu lợn biểu tượng cho việc Ngài chặt đầu của vô minh làm trang sức.
Trong thời của Đức Phật, có một con quỷ tên là Matrankagu gieo rắc sự kinh hoàng và khủng khiếp khắp 8 thế giới. Ngay cả những chúa quỷ hùng mạnh nhất cũng bị nó hàng phục và nó đe dọa sẽ phá huỷ toàn bộ cõi trời, lật đổ núi Tu Di nơi 33 cõi trời tọa lạc.
Chư thiên sợ hãi cầu cứu Đức Phật và Đức Phật quyết định để Đức Quán Thế Âm và Đức Kim Cương Du già Thánh Nữ đi hàng phục con quỷ.
Hai Ngài bay đến vương quốc của quỷ Matrankagu, Đức Quán Thế Âm liền hoá thành Mã Đầu Minh Vương 3 đầu 6 tay, có cánh sau lưng, còn Đức Kim Cương Du Già Thánh Nữ liền hoá thành Kim Cương Heo Nái ôm lấy Đức Mã Đầu Minh Vương trong vũ điệu hoan lạc.
Đức Mã Đầu Minh Vương hí lên 3 tiếng hào hùng, đưa sợ hãi vào trong tim của Chúa quỷ Matrankagu, còn Đức Kim Cương Heo Nái gầm lên 5 tiếng khiến vợ của Chúa quỷ run rẩy trong hoảng loạn.
Cả Chúa quỷ lẫn vợ đều đến hàng phục dưới chân hai Ngài nhưng hai Ngài không giết chúng mà quy y và giảng pháp cho chúa quỷ. Sau khi tu hành giác ngộ, chúa quỷ Matrankagu trở thành vị Hộ pháp tối thắng của nhà Phật thường được gọi là Mahakala đen.
23. Đức Đại Hắc Kim Cương Sáu Tay – Mahakala Sáu Tay:
Huy hoàng đồng thời cũng đáng sợ! Đức Đại Hắc Kim Cương, vị Hộ Pháp bảo vệ sự phát triển tâm linh, đứng ngay giữa một vầng lửa cháy dữ dội, không có một kẻ thù nào của tâm Giác ngộ, không có một sự điên loạn hoặc tiêu cực nào có thể chịu đựng được lâu dài sự hiện diện của vị Hộ Pháp phẫn nộ này.
Sáu tay của Ngài biểu tượng cho sáu ba la mật, mỗi tay trong sáu tay của Ngài là biểu tượng cho việc tăng trưởng sự hào phóng, đạo đức, nhẫn nhục, kiên định, thiền định và trí tuệ. Chiếc dao kim cương sắc bén được cầm vững chắc trên một tay cắt xuyên qua và vượt qua mọi khuôn mẫu tiêu cực của tham – sân – si.
Nếu con cầu nguyện đến sự bảo vệ của Ngài thì Đức Đại hắc kim cương, Người hoàn toàn không có một chút ngăn ngại nào, luôn dõi theo để đảm bảo rằng con đang ở trên con đường linh thánh.
Đức Mahakala Sáu tay sẽ luôn bảo vệ và chăm sóc cho con.
Thần chú của Ngài Đại Hắc Kim Cương Mahakala:
Om Shri Mahakala Hum Phat
(Đọc: Ôm si ma ha ka la hum mê)
24. Đức Hô Kim Cương – Hevajra:
Đức Hô Kim Cương hay còn gọi là Đức Kim Cương Hỷ Lạc, Ngài có thân thể màu xanh da trời, 8 mặt, 16 tay và 4 chân. Mỗi mặt Ngài có 3 mắt và 4 chiếc răng nanh. Mỗi cánh tay cầm một chiếc sọ máu đang trong tư thế nhảy múa dữ tợn và hoan lạc.
Đức Hô Kim Cương là một trong năm vị bổn tôn chính của Vô thượng Du già. Ngài cũng chính là bổn tôn của dịch giả Marpa, người là Thầy của Milarepa và là người sáng lập dòng Kagyu (mũ đen) ở Tây Tạng. Pháp tu Hô Kim cương lần đầu tiên được mang đến Tây tạng bởi dịch giả Marpa.
Hô có nghĩa là Hỷ lạc. Kim cương có nghĩa là không thể phá hủy. Đó chính là Trí tuệ. Đức Hô Kim Cương là biểu trưng của sự hợp nhất giữa Trí tuệ và Hỷ lạc không thể phá hủy.
25. Đức quan âm thập nhất diện
Chúng ta thường biết tới hình ảnh các vị Phật, các vị Bồ tát với hình dáng đầu hơi cúi xuống, ánh mắt và nụ cười hiền từ trong các bức tranh vẽ hay trên các tấm phù điêu, tôn tượng. Nhưng bên cạnh đó, Phật giáo Kim Cang Thừa còn có những vị Phật được phác họa trong hình tướng giận dữ, phẫn nộ mà một trong số đó là ngài Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) với 11 chiếc đầu, với một đầu giận dữ, phẫn nộ tượng trưng cho Mahakala. Câu chuyện về Mahakala được kể như sau:
“Huyền thoại về lịch sử của Mahakala được viết bởi Khedrup Khyungpopa, là người sáng lập dòng truyền thừa Shangpa Kagyu, vào thế kỉ thứ 11. Ngài dạy rằng sức mạnh đặc biệt cũng như năng lực kì diệu của Mahakala là do nguyện lực của đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm). Ngài nguyện còn sinh tử và quyết không thành Phật nếu còn chúng sanh chưa được giác ngộ. Sau khi giúp hàng trăm ngàn người, trong vô số đời đạt tới giác ngộ. Ngài thấy rằng sự đau khổ không hề giảm sút mà hơn thế nữa sự ô nhiễm trong tâm thức chúng sanh ngày một tăng trưởng. Ngài thấy thất vọng, nhụt chí. Lúc đó lập tức đầu ngài vỡ tan thành trăm ngàn mảnh vụn. Trong cơn tuyệt vọng, Ngài cầu cứu năng lực của Chư Phật.
Phật A Di Đà (Amitabha) một trong 5 vị Phật (Tỳ Lô Giá Na Phật, Bảo Sanh Phật, Khai Phu Hoa Vương Phật , A Di Đà Phật, Thiên Cổ Lôi Âm Phật) ghép những mảnh vỡ lại, và biến thành 11 đầu. Sau đó ngài dặn dò đức Avalokiteshvara hãy thực hiện lại lời nguyện đó một lần nữa, nhưng giữ lời nguyện đó tốt hơn, kiên cố hơn. Do đó Avalokiteshvara có mười một đầu, và trong đó có mười đầu là hiền hoà và một đầu là phẫn nộ. Đầu phẫn nộ đó chính là đại diện cho Mahakala.
Ngài Avalokiteshvara buồn bã, trong khoảng thời gian 7 ngày. Ngài nghĩ rằng trên thế giới đầy những chúng sanh đau khổ cần một kết quả thật nhanh chóng mà không phải có quá nhiều nỗ lực. Sau đó ngài muốn biến mình thành một bổn tôn phẫn nộ để đánh bại nhanh chóng và hiệu quả hơn những trở ngại cho hạnh phúc của người khác. Với tư tưởng này chữ HUM màu xanh đậm xuất hiện từ trái tim ngài. Chủng tự Hum đó đã trở thành Mahakala. Điều đó có nghĩa rằng trong câu thần chú Om Mani Padme Hum, chủng tự Hum tượng trưng cho sức mạnh, quyền năng.
Sự xuất hiện của Mahakala kéo theo sự rung động của mặt đất, đồng thời có giọng nói của chư Phật vang vọng trong không trung chứng minh rằng Mahakala có đủ quyền năng làm ban phát những gì chúng sinh mong muốn nếu những mong muốn đó là trung thực và thiện lành.
Hình tướng giận dữ của Mahakala cho thấy Phật giáo không chỉ giúp chúng sinh bằng sự hiền từ, mà còn bao gồm đầy đủ các phương tiện thiện xảo vô cùng khéo léo, khi cần có thể dùng Cơn Giận Chánh Nghĩa để tiêu diệt phần xấu xa, đốt cháy những mê lầm của chúng sinh, giúp chúng sinh tiến bộ nhanh hơn. Sự giận dữ, phẫn nộ ở đây xuất phát từ tâm từ bi và trí tuệ Đại Thừa, với mong muốn giúp chúng sinh hoàn toàn thoát khổ bởi không gì ngoài Mê Lầm dẫn ta vào vòng xoáy Luân Hồi đầy đau khổ trầm luân muôn nghìn kiếp này.
26. Đức Trừ Chướng Cái Bồ Tát:
Trừ Cái Chướng Bồ Tát là một trong Bát Đại Bồ tát của Phật giáo, tượng trưng của việc giải trừ mọi chướng ngại. Ngài biết được chướng ngại của tất cả chúng sinh, cứu độ họ khỏi phiền não và thống khổ, khiến cho thân tâm của họ được an ổn mà không có sợ hãi, đưa họ đến được cảnh giới của giải thoát.
Chúng sinh dùng tâm thanh tịnh xưng niệm danh hiệu Trừ Cái Chướng Bồ Tát có thể được Ngài ban phước thanh trừ các chướng ngại, cuối cùng đắc được trí tuệ thanh tịnh.
27. Đức Phật Kim Cương Trì – Vajradhara:
Đức Phật Kim Cương Trì – Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy, hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời và là tinh túy của chư Phật. Đức Phật Kim Cương Trì cũng biểu trưng cho Pháp thân Phật và khía cạnh tuyệt đối của sự Giác ngộ.
Nghĩa đen của “Vajra” là kim cương, nhất là trong phương diện cứng chắc không thể bể nát của nó. Trong nghĩa cao hơn, Vajra để chỉ bản tính nội tại của Giác ngộ – sự hợp nhất bất khả hoại và bất khả phân của Trí huệ siêu việt và lòng bi vô hạn, cũng như đại lạc tối thượng và tánh không tối hậu, đây cũng là điều mà hành giả luôn tinh tiến nỗ lực vươn tới.
28. Đức Bất Động Minh Vương:
Là một trong năm Đại Minh Vương của Mật giáo – Bất Động Minh Vương là hoá thân phẫn nộ của Đức Đại Nhật Như Lai để hàng phục những chúng sinh quá cứng đầu và hộ trì Tam Bảo trong những đời vị lai. Sức mạnh và uy lực của Ngài là không thể nghĩ bàn.
Thân của Ngài thường mang sắc xanh đen, khoác y màu đỏ cam, vàng; vẻ mặt giận dữ nhìn thẳng; hai răng nanh lộ ra ngoài: một răng hàm trên, một răng hàm dưới; một mắt mở to một mắt nhắm hờ. Phần nhiều ngồi kiết già trên bàn thạch hay trên toà sắt.
Sắc tướng uy mãnh của Ngài có thể khiến cho quỷ ác, yêu ma, trông thấy phải khiếp sợ.
Tay phải Ngài cầm thanh kiếm sắc bén chém đứt tham – sân – si là ba thứ độc hại đối với trí huệ. Tay trái nắm sợi dây có thể trói buộc tất cả những kẻ ỷ mạnh làm càn. Ngọn lửa lớn cháy mãnh liệt sau lưng Ngài có thể thiêu đốt hết thảy mọi phiền não.
Do đó, tất cả các hình tướng phẫn nộ nhìn có vẻ đáng sợ nhưng đều biểu hiện cho lòng đại bi của Ngài.
Thần chú của Ngài Bất Động Minh Vương:
Namo Samanto Vajra Nai Ham
(Đọc: Nam mô sam an tô gua ra nai ham)
29. Đức Phật A Di Đà:
Là một trong Ngũ Trí Phật và là vị Phật đứng đầu của Liên Hoa Bộ ở phương Tây.
Ngài là biểu tượng của Diệu Quan Sát Trí – Trí tuệ thấy rõ mọi tính chất khác biệt của các sự vật hiện tượng. Thân Ngài màu đỏ, hai tay kết ấn thiền định. Ngài biểu trưng cho lòng từ bi vô lượng.
Ngài cũng là biểu tượng của sự tịnh hoá tính tham lam, chuyển hoá thành Diệu Quan Sát Trí.
Thần chú của Đức Phật A Di Đà:
Om Mani Dewa Hri
(Đọc: Ôm ma ni đê wa ri)
30. Đức Địa Tạng Bồ Tát:
Đức Địa Tạng Bồ tát được biết đến bởi lời nguyện “không chứng Phật quả nếu địa ngục còn chưa trống rỗng”, do đó Ngài thường được xem là vị Bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục hay Giáo chủ của cõi u minh.
Tay phải Ngài cầm tích trượng để mở cửa địa ngục, tay trái cầm viên ngọc như ý rực sáng tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm. Ngài cũng là vị Bồ tát hộ mệnh cho trẻ em, bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu.
Thần chú Đức Địa Tạng Bồ Tát:
Om Ha Ha Ha Win Sam Mo Ti So Ha
( Đọc: Ôm ha ha ha quin sam mô ti sô hà)
31. Đức Đại Thế Chí Bồ Tát:
Đức Đại Thế Chí Bồ Tát là bậc đại sĩ trợ tuyên chánh Pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc. Ngài là vị Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng – đại lực – đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sinh cang cường, khó bảo.
Trong bức tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh”, Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.
Quán Tưởng Thân Tướng Đức Đại Thế Chí Bồ Tát:
32. Đức Đại Tùy Cầu Bồ Tát:
Là hoá thân của Quan Âm Bồ Tát. Thân Ngài có tám cánh tay. Tay trái cao nhất cầm hoa sen, trên hoa sen có bánh xe vàng rực lửa; tiếp theo là gương, lọng báu và sợi dây. Tay bên phải cao nhất cầm chày kim cương năm chấu, sau đấy là cây kích, kiếm báu và búa.
Đại Tùy Cầu Bồ Tát tùy theo sự mong cầu của chúng sinh mà ban cho như nguyện. Con chỉ cần thành tâm niệm tên của Ngài đều có thể như ý. Ngài giúp tiêu trừ tội chướng, phiền não, đau khổ, hoạn nạn, sợ hãi, bệnh tật, giúp thân tâm con an lạc và thành tựu các thực hành tâm linh.
33. Chuẩn Đề Phật Mẫu:
Chuẩn Đề Phật Mẫu là hoá thân của Đức Quan Thế Âm, có thệ nguyện hộ trì Phật Pháp và hộ mạng cho những chúng sinh nào trí tuệ kém cỏi, nghiệp chướng sâu dày, thân nhiều tật bệnh.
Chuẩn Đề Phật Mẫu có ba mắt, thân tướng sắc vàng, Ngài có mười tám cánh tay đeo vòng xuyến, mỗi bên chín cánh, mà hai tay giữa ở trên cùng thì bắt ấn thuyết Pháp. Vì tấm lòng Ngài đối với chúng sinh là từ bi vô hạn như mẹ yêu thương đàn con khờ dại, nên thường gọi Ngài là Phật Mẫu.
34. Đức Hư Không Tạng Bồ Tát:
Đức Hư Không Tạng Bồ Tát là một trong bát Đại Bồ tát của Phật giáo.
Ngài là biểu tượng cho trí tuệ, công đức và tài phú. Bởi vì Ngài có kho tàng mênh mông như hư không vô biên, có thể thỏa mãn hết thảy nhu cầu, khiến cho chúng sinh đạt được lợi ích vô cùng, chính vì thế Ngài có tên như vậy.
Ngài đội mũ Ngũ Phật, tay phải cầm kiếm lửa, tay trái cầm một cành hoa sen, trên đài hoa là viên ngọc như ý. Ngọc và kiếm biểu tượng cho công đức và trí tuệ.
Thần chú của Đức Hư Không Tạng Bồ Tát:
Om Vajra Ratna Om Trah Svaha
35. Đức Thắng Lạc Luân Kim Cương – Chakrasamvara:
Bánh xe đại dục lạc là một biểu tượng của tâm giác ngộ – khi ham muốn và giận dữ được chuyển hóa thành lòng từ bi đại lạc.
Ở trung tâm, Đức Phật Phối Ngẫu thiêng liêng hoá hiện thành tinh thần, thân thể và tâm con, và ở bên ngoài chính là thế giới vật chất này! Nam và nữ, lòng từ bi và trí tuệ, phương tiện thiện xảo và tính không, hợp nhất và tạo nên sức sáng tạo mãnh liệt vượt khỏi mọi hy vọng, ham muốn, so sánh và sợ hãi. Không có sự tách rời giữa con và những thứ khác.
Hãy chuyển hóa những phản ứng dè dặt của con thành sự hòa nhập triệt để vào cuộc sống. Hãy nhìn vào bên trong, con chính là không gian của đại lạc biểu hiện qua sự hài hoà của vũ trụ này!
36. Đức Phổ Hiền Bồ Tát:
Đức Phổ Hiền Bồ tát – Phổ là biến khắp, Hiền là tốt đẹp. Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương Pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ.
Ngài là người hộ vệ của những ai tuyên giảng Đạo Pháp và đại diện cho Bình Đẳng Tánh Trí tức là Trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.
Đức Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu đối tượng của giác quan.
37. Đức Kim Cương Phổ Ba – Vajra Kilaya:
Đức Kim Cương Phổ Ba (Vajra Kilaya) thân màu lam đen có ba đầu sáu tay.
Đầu đội mũ năm đầu lâu; trên cổ đeo ba chuỗi đầu người với rắn trang sức; khoác áo da voi và da người; mặc quần da cọp. Sau lưng có hai cánh sắc bén như cây kiếm.
Hai tay phía trước Ngài cầm một cây dao găm kim cương (phổ ba); chân phải đạp lên lưng của ma nam, chân trái đạp lên ngực của ma nữ, an trụ trong lửa bát nhã rừng rực, ôm nữ phật mẫu nhảy múa trong vũ điệu hoan lạc.
Ngài là hoá thân phẫn nộ của Đức Kim Cương Tát Đỏa giúp tịnh hoá mọi chướng ngại của chúng sinh bằng phương tiện phẫn nộ.
38. Đức Liên Hoa Thủ Bồ Tát – Padmapani:
Là một hình tướng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài thường xuất hiện trong các tranh tượng Phật giáo, đứng một bên của Đức Thích Ca Mâu Ni hoặc Đức A Di Đà còn bên kia là Đức Văn Thù hoặc Đức Đại Thế Chí.
Liên Hoa Thủ có nghĩa là cầm hoa sen. Tay trái Ngài cầm một nhành sen, tay phải Ngài mở ra hướng xuống dưới trong ấn ban cho sự ưu ái, biểu hiện cho sự sẵn sàng giúp đỡ của Ngài. Ngài là biểu trưng của tình thương, sự thanh khiết và khả năng sáng tạo của trí tuệ.
39. Đức Kim Cương Thời Luân:
Một năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, theo sự thỉnh cầu của vị vua nước Sambhala, Ngài đã hoá thân thành Đức Kim Cương Thời Luân – Kalachakra mà truyền dạy mật Pháp.
Ngài có bốn đầu, mười hay tay, ôm Minh Phi phối ngẫu theo thế Đại Lạc. Nét mặt của Đức Kim Cương Thời Luân và Minh Phi hiển tướng nửa vui nửa giận. Hai bàn chân giẫm đạp trên thân của Đại Tự Tại Thiên với Thiên Mẫu biểu thị cho sự hàng phục các chướng ngại tham – sân – si.
Đức Kim Cương Thời Luân là đại biểu cho tất cả chư Phật, Bồ Tát ở mười phương cùng với tổng thể của Phật Giáo Hiển Mật, là chân lý hiển hiện sự tuyệt diệu rất hoàn mỹ.
40. Đức Khổng Tước Minh Vương:
Đức Khổng Tước Minh Vương là một trong những hoá thân của Đức Phật A Di Đà.
Ngài có thân màu trắng, mặc áo lụa trắng mỏng, đầu đội mão báu, cổ đeo dây ngọc, hoa tai, cánh tay đeo vòng xuyến, các thứ trang nghiêm, cưỡi trên Khổng Tước Vương màu vàng ròng, ngồi kiết già trên hoa sen trắng, trụ tướng Từ bi có bốn cánh tay:
– Bên phải: tay thứ nhất cầm hoa sen tượng trưng cho kính ái, tay thứ hai cầm Câu Duyên Quả tượng trưng cho điều phục.
– Bên trái: tay thứ nhất cầm Cát Tường Quả tượng trưng cho tăng ích, tay thứ hai cầm ba cái lông đuôi chim công tượng trưng cho sự trừ tai ách, diệt khổ nạn.
Khổng Tước Minh Vương tiêu diệt ba độc tham – sân – si của tất cả chúng sinh làm điều ác, ăn nuốt tất cả trùng độc để nuôi mạng sống, tức tượng trưng cho Minh Vương chặt đứt tất cả phiền não ác độc, sống lâu chẳng bị hoại thọ mệnh.
Còn đuôi công lại hay phủi trừ vô lượng tai ách, tăng phước, đạt được các điều tốt lành và thành tựu mọi ước nguyện của chúng sinh.
41. Chaturmukha Mahakala – Đức Mahakala Bốn mặt:
Chaturmukha Mahakala – Đức Mahakala Bốn mặt, là một trong những hoá thân phẫn nộ của Đức Văn Thù Sư Lợi, vị Phật của Trí tuệ. Ngài thường được biết tới với khả năng thổi bay mọi chướng ngại đến từ sự ngu dốt và sân hận của người cầu nguyện đến Ngài.
Bốn mặt của Ngài thể hiên Ngài đã chứng ngộ Bốn chân lý cao cả: Tứ Diệu Đế. Hai tay Ngài cầm con dao bán nguyệt và chén sọ máu hình tam giác biểu thị cho tâm trí rối loạn đã bị cắt đứt và chuyển hoá thành trí tuệ nhờ sức mạnh của Tam Bảo.
Tay phải Ngài cầm một thanh kiếm của Đức Văn Thù, tay trái Ngài cầm một chiếc đinh ba trên đó có sọ người biểu tượng cho việc chiến thắng sinh tử. Ngài có thể ban cho trường thọ, giàu có, quyền lực và đặc biệt là trí tuệ Giác ngộ.
42. Đức Phổ Hiền Như Lai Phối Ngẫu:
Hình ảnh Đức Phổ Hiền Như Lai Phối Ngẫu biểu hiện sự hòa nhập tuyệt đối của các cặp đối lập: tính không và hình tướng, tâm và vật chất, nam và nữ.
Hãy quán chiếu về sự hợp nhất linh thánh của vị Phật nam và vị Phật nữ hóa hiện thành thế giới vật chất này, và bản chất của những gì hiện hữu – sẽ được hiển lộ.
Hãy chữa lành khỏi những ảo tưởng của sự chia tách và phân biệt – hãy quán chiếu về hình ảnh của sự kết nối linh thánh này và biết rằng con chưa bao giờ cô độc.
43. Cam Lồ Quân Trà Lợi Minh Vương – Amrita Kundali
Là một trong năm vị Đại Minh Vương của Mật Giáo – hóa thân phẫn nộ của Đức Phật Bảo Sanh, Cam Lồ Quân Trà Lợi dịch âm từ tiếng Phạn – Amrita Kundali, nghĩa là cái bình, chứa đầy nước Cam Lồ tẩy rửa phiền não vô minh của chúng sinh.
Ngài thị hiện tướng phẫn nộ, hình mạo lại tựa thân Dạ Xoa, nên cũng gọi là Quân Trà Lợi Dạ Xoa Minh Vương.
Hóa thân của Ngài có hình tướng một mặt, ba con mắt, tám cánh tay, đầu đội mão đầu lâu, mắt mở to, màu hơi đỏ, răng nanh hướng lên trên, rất giận dữ, có hai con rắn đỏ thòng trước ngực, toàn thân phát ánh sáng lửa rực, chân đạp trên hoa sen xanh.
Người nào trì tụng thần chú Quân Trà Lợi Minh Vương hoặc tu Quân Trà Lợi Minh Vương Pháp sẽ được thanh tịnh mọi nghiệp tội, đóng cánh cửa xuống địa ngục, mở cánh cổng tới cõi Trời, đoạn trừ sợ hãi, đói khát, tiêu trừ bệnh tật, được trường thọ, thành tựu mọi sở nguyện.
44. Đức Quan Âm Trắng Ôm Phối Ngẫu:
Bao quanh bởi những đoá sen đang nở rộ, mỗi bông hoa đều tượng trưng cho sự thanh tịnh tự nhiên của tâm, những phẩm tính của Đức Quan Âm Trắng thực chất không thể tách rời với phẩm tính của chính con.
Tình yêu thương vô điều kiện của Ngài là biểu hiện của lòng từ bi chân thật, điều sẽ tự nhiên xuất hiện khi ta nhận ra con và vạn vật vốn là một, giống như các bộ phận trên cùng một cơ thể.
Thông điệp của Ngài là: Hãy tự giải phóng khỏi những suy nghĩ chỉ phục vụ cho riêng mình, hãy dũng cảm, vị tha và sáng suốt hành động vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, đây là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho một đời sống lâu dài và hạnh phúc.
45. Phật Đảnh Tôn Thắng Phật Mẫu:
Phật Đảnh Tôn Thắng Phật Mẫu là vị Phật của sự trường thọ.
Ngài có khả năng trừ khử tất cả mọi nghiệp chướng, phiền não, phá tan mọi ác đạo đã gây ra cho chúng sinh vô số khổ ách. Ngài làm cho chúng sinh nhận được sự hộ trì, che chở của chư vị Bồ tát trong cuộc sống hiện tại và không bị những chướng ngại khổ não bệnh tật.
Mặt chính giữa của Ngài màu trắng, biểu thị cho sự dẹp yên tai chướng, mặt phải của Ngài màu vàng, biểu thị cho các Pháp tăng ích. Mặt bên trái của Ngài màu lam, biểu thị Pháp hàng phục.
Tay Ngài nâng Đức Phật A Di Đà làm Thượng Sư, biểu thị hoài ái, tay cầm mũi tên, đại biểu sự khơi dậy lòng từ bi của chúng sinh. Ấn Thí Vô Úy đại diện cho việc dẫn chúng sanh ra khỏi tất cả sự sợ hãi, ấn Thí Nguyện biểu thị sự đáp ứng đầy đủ tất cả tâm nguyện của chúng sanh, tay cầm cây cung biểu thị cho sự chiến thắng tam giới.
Trên bàn tay kiết ấn Định nâng bình cam lồ giúp chúng sinh vô bệnh tật, sống lâu. Chày kim cang đôi hình chữ thập biểu thị hàng ma, trừ tai chướng để sự nghiệp thành tựu, dây trói đại biểu cho việc hàng phục tất cả chúng sinh khó điều phục.
46. Hàng Tam Thế Minh Vương:
Hàng Tam Thế Minh Vương là biểu tượng cho sự hàng phục ba độc tham – sân – si và hàng phục ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.
Thân Ngài màu xanh, có ba mặt, tám cánh tay hoặc bốn mặt tám cánh tay. Ngồi trên hoa sen, lửa rừng rực. Hai tay thứ nhất kết Hàng Tam Thế Ấn.
Bên trái: tay thứ hai cầm cây cung, tay thứ ba cầm sợi dây, tay thứ tư cầm cây Tam Xoa Kích. Bên phải: tay thứ hai cầm mũi tên, tay thứ ba cầm cây kiếm, tay thứ tư cầm cái chuông Ngũ Cổ.
Phàm các quyến thuộc của các ma quỷ có ý quấy rối người tu hành, khi nghe được Chân Ngôn của Hàng Tam Thế Minh Vương thì chẳng những không có cách gây chướng, thậm chí còn trở thành tôi tớ theo hầu người tu hành.
47. Đức Phật Bất Không Thành Tựu:
Là một trong Ngũ Trí Phật và là vị Phật đứng đầu của Nghiệp Bộ ở phương Bắc. Ngài là biểu tượng của Thành Sở Tác Trí – Trí tuệ thành tựu mọi loại mục tiêu.
Thân Ngài màu xanh lục, tay phải kết ấn hộ trì, tay trái trong ấn thiền định. Ngài là biểu trưng cho trí tuệ thành tựu mọi mục tiêu.
Ngài cũng là biểu tượng của sự tịnh hoá tính ghen tị, chuyển hoá thành Thành Sở Tác Trí.
48. Đức Phật Bảo Sanh:
Là một trong Ngũ Trí Phật và là vị Phật đứng đầu của Bảo Sanh Bộ ở phương Nam. Ngài là biểu tượng của Bình Đẳng Tánh trí – Trí tuệ thấy rõ sự bình đẳng của tất cả các Pháp.
Thân Ngài sắc vàng, tay phải trong ấn thí nguyện, tay trái trong ấn thiền định. Ngài biểu trưng cho công hạnh bố thí siêu việt, độ sinh, tăng ích, và ban cho tất cả những gì quý giá nhất.
Ngài cũng là biểu tượng của sự tịnh hoá tính kiêu ngạo, chuyển hoá thành Bình Đẳng Tánh Trí.
49. Kim Cương Dạ Xoa Minh Vương:
Là một trong năm vị Đại Minh Vương của Mật Giáo. Kim Cương Dạ Xoa Minh Vương là hóa thân Phẫn nộ của Đức Như Lai Bất Không Thành Tựu.
Ngài có ba mặt sáu cánh tay. Mặt chính giương mở năm con mắt, hai mặt bên trái bên phải đều có ba mắt, đầu có Mã Vương Kế (tóc trên đầu dựng đứng bên phải như ngựa chạy giận hét).
Nâng cao chân trái, duỗi chân phải đứng trên hai đài sen, hàng phục tất cả Dạ Xoa, cho nên hiện ra hình tướng dũng mãnh quả cảm. Đặc biệt là tay cầm cái chuông biểu thị cho việc dùng tiếng chuông trấn kích chúng sinh, tượng trưng cho Trí Bát Nhã cảnh ngộ quần mê, hàng phục yêu ma.
Vị Minh Vương này có thể ăn thịt hết tất cả chúng sinh xấu ác, tiêu tai trừ nạn, tiêu phục tà trược.
50. Đức Phật Tì Lô Giá Na – Đại Nhật Như Lai:
Là một trong Ngũ Trí Phật và là vị Phật đứng đầu của Phật Bộ ở trung tâm.
Ngài là biểu tượng của Pháp Giới Thể Tánh Trí – Trí tuệ thấy rõ bản tính của mọi sự vật hiện tượng và cũng là biểu tượng pháp thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chữ Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) là mặt trời, có nghĩa là soi sáng cùng khắp, diệt trừ bóng tối của vô minh. Trí sáng của Phật chiếu khắp mọi nơi, chẳng kể trong ngoài, không phân phương hướng, góc cạnh, đêm ngày.
51. Đức Bí Mật Tập Hội Kim Cương:
Đức Bí Mật Tập Hội Kim Cương là hoá thân phẫn nộ của Đức Phật A Súc Bệ của Kim Cương Bộ.
Trong quá trình sinh ra và trưởng thành, con đã liên tục cô lập mình thành một cái tôi riêng biệt và tạo ra sự tách rời ngày một cứng đặc hơn với “phần còn lại của vũ trụ”.
Tuy thế bên trong con luôn khao khát được hoà nhập trở lại với sự toàn thể này. Đức Bí Mật Tập Hội Kim Cương ban cho sự hướng dẫn để con có thể hoà nhập hoàn toàn vào sự thật bằng con đường hoan lạc.
Sự hoà nhập này bao gồm toàn bộ hiện thực của con, thế giới vật chất, tinh thần và thế giới tâm linh.
52. Bà Mẹ Một Mắt Ekajati:
Với chỉ một búi tóc, một bầu ngực và một mắt tượng trưng cho chỉ có duy nhất một Sự Thật Tuyệt Đối “Đại Toàn Thiện”.
Ngài là hiện thân của trí tuệ nguyên thủy. Ngài là vị nữ hộ pháp đặc biệt chuyên bảo vệ giáo lý Đại Toàn Thiện.
53. Đức Kim Cương Khủng Bố – Yamataka:
Hay còn gọi là Đức Kim Cương Khủng Bố, là hóa thân phẫn nộ của Đức Văn Thù. Giống như quái vật hung tợn được hồi sinh, vị Phật trong hình tướng phẫn nộ này hướng cơn giận dữ siêu việt của Ngài chống lại các lực lượng của cái chết và sự hủy diệt.
Hãy để cho trí tuệ của vị Phật đầu trâu, người giết sự sợ hãi này đi vào trong cuộc đời của con, và hãy nhận ra sự vô thường của thế giới vật chất bằng việc thực sự hiểu rằng rồi một ngày mỗi chúng ta đều sẽ chết, con sẽ nhận ra sự ngọt ngào trong khoảnh khắc hiện tại của cuộc sống. Con hãy biết rằng chỉ có hình tướng của sự chết mà không bao giờ có người nào thực sự chết.
Nhận ra bản chất vô thường của cuộc đời này, con hãy nhìn thẳng vào mặt cái chết một cách không sợ hãi.
54. Đức Kim Sí Điểu – Garuda:
Đức Kim Sí Điểu – Garuda mình người, có đầu và cánh của chim đại bàng là biểu tượng cho sức mạnh dữ dội, tốc độ, sự dũng cảm và tinh thần thượng võ.
Ngài là một chiến binh hùng mạnh xông tới một cách nhanh chóng và dũng mãnh trước kẻ thù là những con rắn tượng trưng cho vô minh và hiểm độc.
Một lần vỗ cánh của Ngài bay được 336 vạn dặm. Cơn gió tạo ra từ cánh Ngài có thể tạo thành cuồng phong che phủ bầu trời.
Trong nhà Phật, Ngài là một vị Hộ Pháp toàn năng. Người nương tựa đến Ngài có thể tránh khỏi tai nạn và bệnh tật, hàng phục được oan gia, làm tan rã quân địch và gặp được người thân ở phương xa.
Pháp môn của Ngài thường được tu tập cùng với Pháp môn của Đức Kim Cương Thủ và Đức Mã Đầu Minh Vương.
55. Đức Kim Cương Dạ Ma Vương – Yama:
Đức Kim Cương Dạ Ma Vương là vị Hộ pháp trí tuệ của Tối thượng Du già Mật tông.
Thân thể Ngài màu xanh đậm, đầu trâu giận dữ với cái miệng há to. Ngài có ba mắt, hai sừng nhọn hoắt và tóc dựng đứng.
Tay phải Ngài dang ra cầm một chiếc gậy đầu lâu, tay trái hướng lên trên vung dây thòng lọng. Đầu đội vương miện năm đầu lâu khô.
Người quấn tràng hoa năm mươi đầu lâu đẫm máu. Mắt tròn mở to nhìn phối ngẫu đang nhảy múa cùng Ngài. Cả hai Ngài đều đứng trên lưng một con trâu xanh, đang giẫm đạp lên một thân thể đàn ông trần truồng, bao quanh hai Ngài là lửa da cam cháy dữ dội biểu tượng cho ngọn lửa của Sự Tỉnh Thức Nguyên Thuỷ.
56. Đức Bạch Tán Cái Phật Mẫu – Sitatapatra:
Sinh ra từ đỉnh đầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tay Ngài cầm chiếc lọng báu màu trắng, che chở cho tất cả chúng sinh trong cả tam thiên đại thiên thế giới.
Nghìn tay, nghìn chân, nghìn đầu, nghìn mắt của Ngài đảm bảo rằng không có kẻ thù nào có thể làm hại nổi những người được sự bảo vệ của Ngài.
Ngài là biểu tượng tối thắng không gì có thể sánh được của đại uy đức Chư Phật.
57. Đức Như Ý Luân Quan Âm – Cintamani Cakra:
Được biết đến như là: “Người lắng nghe được tiếng khóc của thế giới”, Đức Như Ý Luân Quan Âm luôn đến với con để giúp đỡ con khi con cầu nguyện. Người sẽ giải trừ phiền não, đau khổ trong con và giúp con đạt ước nguyện.
Thân Người màu trắng giống như mặt trăng mùa thu và sáng tỏ như một viên ngọc không tỳ vết. Ngài tỏa ra ánh sáng vô lượng của sự thanh khiết.
Ngài là sự thật hoàn hảo, tròn đầy và không thể tách rời với những gì đang hiện hữu. Ở trong mỗi các con đều có một vị Phật từ bi, là Đức Như Ý Luân Quan Âm.
Hãy sống giống như Đức Như Ý Luân Quan Âm – Đức Phật của lòng từ bi tích cực, và hãy tưới mát thế giới này bằng tình thương trong sáng.
(Nguồn: Fanpage Quan Âm Bồ Tát)
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: