A la hán là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong Phật giáo Nguyên Thủy hơn là Đại Thừa. Vì lý tưởng thực hành của Nam truyền Phật giáo là A la hán còn lý tưởng thực hành của Bắc truyền Phật giáo là Bồ tát. Vậy điểm khác nhau giữa A la hán và Bồ tát là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
A la hán là gì?
A la hán hay Thanh Văn (tiếng Phạn: Arahat – Pali: Arahant) có nghĩa là tên gọi của những “người xứng đáng” hay “hoàn thiện”, đó là lý tưởng cao nhất của một đệ tử Đức Phật trong Phật giáo thời kỳ đầu. Người đã hoàn thành con đường dẫn đến giác ngộ và đạt được Niết bàn.
A la hán được mô tả trong Dhammapada:
“Không có sự tồn tại của thế gian đối với những người khôn ngoan, giống như trái đất, không thù oán gì, người vững chắc như một trụ cột cao và tinh khiết như một hồ sâu không có bùn. Điềm tĩnh là tư tưởng của họ, bình tĩnh nói và bình tĩnh hành động, người sáng suốt được giải phóng hoàn toàn, hoàn toàn yên tĩnh và khôn ngoan. ” [Các câu 95 và 96; Bản dịch Acharya Buddharakkhita.]
Trong kinh điển, Đức Phật đôi khi còn được gọi là A la hán. Cả A la hán và Phật đều là những người hoàn toàn giác ngộ và thanh lọc tất cả phiền não. Sự khác biệt giữa A la hán và một vị Phật là khả năng giác ngộ, một vị Phật tự thân giác ngộ trong khi đó, A la hán là người đã giác ngộ dưới sự hướng dẫn của một vị thầy.
Trong Sutta-pitaka, Phật và A la hán đều được mô tả là những bậc giác ngộ, không bị xiềng xích và thoát khỏi chu kỳ tái sinh. Nhưng Đức Phật là một bậc thầy của tất cả các bậc thầy, giáo viên của những vị giác ngộ, người chỉ ra con đường giác ngộ cho những người khác.
Thời gian trôi qua, một số tu sĩ cho rằng, một vị A la hán có thể vẫn còn một số điều chưa hoàn hảo, vẫn còn tạp chất. Sự bất đồng về phẩm chất của A la hán có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phân chia giáo phái trong thời gian này.
Các trường phái Phật giáo Đại Thừa cũng tôn kính các vị A la hán vì những thành tựu mà họ đạt được. Tuy nhiên, Đại Thừa thường xếp họ vào vị trí thấp nhất trên “bảng xếp hạng” những bậc giác ngộ cao quý.
A la hán trong Phật giáo Nguyên thủy
Phật giáo Nguyên Thủy coi các vị A la hán là những người đã hoàn thành con đường dẫn đến giác ngộ bằng cách vượt qua trạng thái bình thường của con người (puthujjana), và hoàn thành các giai đoạn giải phóng trí huệ đã được vạch rõ trong các giáo lý của Đức Phật. Đối với Nguyên Thủy Phật giáo, các vị A La Hán đại diện cho những người xứng đáng về hình mẫu và sự tôn kính bởi vì họ thể hiện những lý tưởng cao nhất của truyền thống này.
Trong Phật giáo Nguyên Thủy, từ “A la hán” được sử dụng cho bất cứ ai đạt Niết bàn, kể cả Đức Phật. Câu tụng được sử dụng để mở đầu các buổi lễ với lòng tôn kính của họ đối với những bậc giác ngộ:
Namo tassa bhagavato, arahato, samma-sambuddhassa
(Kính chào Ngài, Đức Thế Tôn, người giải thoát, người giác ngộ hoàn hảo).
Các vị A La Hán là những người đã loại bỏ tất cả tạp chất, phiền não khiến một người bị xiềng xích trong vòng luân hồi, sau khi chết, họ sẽ không tồn tại trên thế giới này nữa. Khi một vị A la hán chết, cơ thể vật chất tan rã, ngũ uẩn không còn hoạt động, do đó chấm dứt mọi dấu vết của sự tồn tại trong thế giới hiện tượng.
Tất cả những nghiệp thiện hay nghiệp xấu sẽ không còn nữa, không còn kết quả của nghiệp. Không còn hạnh phúc hay buồn bã nữa, không có thêm niềm vui hay thất vọng, không có sự hài lòng hay sự không hài lòng!
Trong Phật giáo Nguyên Thủy gọi đó là trạng thái Niết bàn sau khi chết (Parinibbana). Trong kinh điển Pali, từ “Tathagata” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa với “Arahant”, mặc dù trước đây thường để chỉ Đức Phật.
A la hán trong Phật giáo Đại thừa
Phật giáo Đại Thừa ít khi sử dụng từ “Arahant” để chỉ một người đã giác ngộ, họ sử dụng từ “Shravaka” như một từ đồng nghĩa. Cả hai từ này mô tả một người giác ngộ rất đáng kính trọng.
Phật giáo Đại Thừa phê phán lý tưởng của A la hán với lý do, Bồ tát là mục đích cao cả của sự giác ngộ hoàn hảo, vì Bồ tát nguyện ở lại vòng luân hồi để làm việc vì lợi ích của chúng sinh. Sự phân chia quan điểm này tiếp tục là một trong những khác biệt căn bản giữa truyền thống Nguyên Thủy và Đại Thừa.
Một số người cho rằng, con đường giác ngộ của A la hán được thúc đẩy bằng việc tìm kiếm sự giải phóng cá nhân khỏi luân hồi, và nó thường được miêu tả như là ích kỷ, sợ hãi chu kỳ tái sinh. Họ thiếu lòng dũng cảm và trí tuệ của một Bồ Tát. Vì thế, thay vì tu tập để trở thành A la hán, Đại Thừa khuyến khích đi theo con đường của một Bồ tát.
Một số người tin rằng, một vị A la hán cuối cùng cũng phải trở thành một vị Bồ tát. Nếu họ không làm như vậy trong cuộc đời mà họ đạt được thành tựu, họ sẽ rơi vào một trạng thái định sâu (samadhi) của sự trống rỗng, từ đó được đánh thức và đi theo con đường Bồ tát, có lẽ là khi họ đã sẵn sàng. Theo Kinh Pháp Hoa, bất kỳ vị A La Hán nào cuối cùng cũng sẽ chấp nhận con đường phổ độ chúng sinh của Phật giáo Đại Thừa.
Phật giáo Đại Thừa xem con đường trở thành A la hán chưa phải là con đường giác ngộ hoàn hảo, nhưng vẫn giành sự tôn trọng với những thành tựu mà họ đã đạt được.
Biểu tượng về 16 hay 18 vị A la hán, hay thậm chí là 500 vị A la hán có thể tìm thấy trong Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng. Người ta nói rằng, những vị này được Ðức Phật chọn lựa để lưu lại thế giới và bảo vệ Pháp cho đến khi Đức Phật Di Lặc đến.
Các bức chân dung nổi tiếng đầu tiên về các vị A la hán được vẽ bởi nhà sư Trung Quốc Guan Xiu vào khoảng năm 891. Ông đã tặng những bức chân dung này cho chùa Shengyin, sông Tiền Đường (Hàng Châu), nơi chúng được bảo quản cẩn thận và tôn trọng.
Làm thế nào để trở thành một vị A la hán?
Để đạt được giác ngộ trọn vẹn không phải là điều dễ dàng. Có thể mất rất nhiều thời gian thực hành tận tụy, đoạn trừ hoàn toàn 10 kiết sử, thiền Tứ Niệm Xứ và các thực hành phức tạp khác.
Phong cách sống của A la hán không thể hiểu được bởi một người bình thường. Nó khó hiểu trong sự đơn giản và đầy tự do.
“Các vị A La Hán sống trong Sathipatthāna (Bốn trạng thái thiền định: Kāyānupassanā, Vēdanānupassanā, Chiththānupassanā, và Dhammānupassanā). Họ không gắn bó với ham muốn. Giống như những con thiên nga rời khỏi hồ, chúng để lại mọi thứ phía sau bất kể đó là gì.” (Dhamma Pada).
Tứ Thánh Quả là thước đo giúp một người có thể đánh giá được sự tu tập của mình.
Sơ quả (Sotapatti): Chứng quả này gọi là Tu-đà-hoàn, người đoạn trừ ba kiết sử đầu gồm: Thân kiến (chấp vào bản ngã), Nghi (nghi ngờ Chánh Pháp), Giới cấm thủ (giữ giới ngoại đạo, ham mê dị đoan). Quả Tu-đà-hoàn còn được gọi là quả Nhập lưu (vào dòng Thánh), vẫn còn trong vòng luân hồi.
Nhị quả (Sakadagami): Quả này được gọi là Tư-đà-hàm, người đã đoạn trừ ba kiết sử đầu và giảm dần hai kiết sử kế tiếp (Dục và Sân), vẫn còn trong vòng luân hồi.
Tam quả (Anagami): Người chứng quả này được gọi là A-na-hàm, đoạn trừ năm kiết sử đầu. A-na-hàm còn được gọi là Bất lai (không trở lại cõi người nữa), chỉ tái sinh ở cõi Sắc hay Vô sắc để tiếp tục tu hành.
Tứ quả (Arahant): Người chứng quả này được gọi là A-la-hán, vị đã đoạn trừ hoàn toàn mười kiết sử gồm năm hạ phần kiết sử nói trên và năm thượng phần kiết sử bao gồm: hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh. Hoàn toàn giác ngộ không còn nằm trong vòng luân hồi, Niết bàn.
Đức Phật có phải là một vị A la hán không?
Có 3 cấp độ để chỉ khả năng giác ngộ của một người:
Sammā Sambuddha: Một người đạt được Niết bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, Ngài cũng có thể chỉ con đường dẫn đến Niết bàn cho người khác.
Pratyekabuddha (Pacceka Buddha): Một người đạt Niết bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, nhưng Ngài không thể dạy con đường giác ngộ cho người khác. Nó cũng giống như một người câm trải qua một giấc mơ, nhưng họ không thể diễn tả những gì họ nhìn thấy cho người khác hiểu.
Sāvaka Buddha: Một người đạt Niết bàn bằng cách thực hành theo lời dạy của Samma Sambudhha hoặc những học trò của Ngài.
Theo bạn thì Đức Phật Thích Ca có phải là một vị A la hán không?
Sự khác nhau giữa A la hán và Bồ tát
Hiện nay, A la hán vẫn là lý tưởng thực hành chủ yếu ở Phật giáo Nguyên Thủy, còn trong Phật giáo Đại Thừa lý tưởng thực hành là Bồ tát, người đã giác ngộ nhưng vẫn còn trong vòng luân hồi để giúp tất cả chúng sinh đến sự giác ngộ.
Có nhiều điểm khác nhau giữa A la hán và Bồ tát. Nói chung, chúng ta có thể nói rằng, các vị A La Hán là những người giác ngộ và thoát khỏi chu kỳ sinh tử, trong khi Bồ tát là những người giác ngộ nhưng đã chọn sống trong vòng luân hồi để giúp chúng sinh và tích lũy công đức để trở thành một vị Phật.
Phật giáo Nguyên Thủy coi giáo lý của họ là những lời dạy chính xác của Đức Phật. Lý tưởng của họ là A la hán, vì họ cho rằng, giác ngộ không phải là điều dễ dàng nên không cần phổ biến cho tất cả mọi người.
Đại Thừa (“chiếc bè lớn”) là sự tiến hóa của Phật giáo và dần trở thành như một tôn giáo thực thụ. Khi sáng lập Phật giáo, Đức Phật đã bỏ hầu hết những thứ thuộc về Ấn Độ giáo như thần linh hay các nghi lễ có phần dị đoan…
Hiện nay, Phật giáo Đại Thừa đã phục hồi các nghi lễ, thần chú và thừa nhận các vị thần…Các vị Bồ tát thường được cầu nguyện bởi các Phật tử như một chiều kích nghi lễ không khác gì khái niệm về các vị Thánh hay Thần linh trong các tôn giáo khác.
Một số quan điểm từ Nguyên Thủy cho rằng, trường phái Đại Thừa không phải là đạo Phật thực sự, họ đã viết những kinh sách cho riêng mình và đi lang thang trên con đường Chánh Pháp của Đức Phật.
Còn bên Đại Thừa cho rằng, Phật giáo Nguyên Thủy là những “chiếc bè nhỏ”, họ chỉ làm theo những hướng dẫn căn bản của Đức Phật, và mục đích giác ngộ cá nhân của các vị A la hán đi ngược lại với những gì mà Đức Phật đã làm trong 49 năm.
Nguồn: Hoa sen Phật
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: