25/9/20

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học

Để tha thứ một ai đó – nói dễ hơn làm. Đặc biệt trong trường hợp bạn phải chịu những nỗi đau tinh thần kinh khủng từ một người gây ra tổn thương cho bạn – người cha nghiện ngập, người mẹ hay quát tháo, ex của bạn, một người bạn tin tưởng đâm sau lưng,.. Và khi nỗi đau đó ám ảnh bạn, đeo bám bạn, việc hận thù họ dường như sẽ tạo cho bạn cảm giác “tốt” hơn so với việc tha thứ.

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học

Nhưng tha thứ lại mang ý nghĩa quan trọng – cho chính bạn chứ không phải ai khác – đặc biệt trong trường hợp những nỗi đau do người kia mang lại gây ảnh hưởng lâu dài về tâm lý. Bởi vì khi bạn không tha thứ được, dù bao thời gian trôi qua nhưng mỗi khi nhắc về người kia, bạn vẫn găm nỗi căm hận trong lòng, thì bạn đang mang trong mình một chấn thương về tâm lý, và chấn thương này sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh, cách bạn sống và hành xử trong các mối quan hệ. 

Đặc biệt, trong các mối quan hệ tình cảm thân mật, một khi những nỗi đau của quá khứ bị “gợi lên” – bởi người yêu hiện tại của bạn có những hành xử làm bạn liên tưởng đến người cha hung bạo, hay người mẹ lạnh lùng của bạn – chế độ “sinh tồn” của bạn sẽ bật lên, nỗi sợ sẽ sinh ra, và nếu bạn không đủ tỉnh táo nhìn thẳng vào thực tế, bạn sẽ tự huỷ hoại mối quan hệ đáng giá đó, chỉ vì những nỗi đau từ quá khứ chưa giải quyết được, hay là những nỗi căm hận bạn ghim chặt trong lòng, không thể xoá bỏ được.

Hãy tha thứ cho người khác không phải vì họ xứng đáng được tha thứ, mà vì bạn xứng đáng được bình yên.— Jonathan Huie

Tha thứ không hề dễ – mình phải nhắc lại lần nữa. Trong trải nghiệm của mình, việc tha thứ cho một người gây ra cho mình những tổn thương về mặt tinh thần – thậm chí những tổn thương mà thời gian tưởng đã xoá nhoà – là cả một cuộc hành trình tìm về với bản thân. 

Dù rằng mình đã từng cố gắng đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, hiểu được rất rõ lý do tại sao họ hành xử như vậy tại hoàn cảnh đó, thậm chí thấy thông cảm cho họ – nhưng bên trong mình vẫn là một nỗi đau, một nỗi căm hận mà mình không thể thoát khỏi – mỗi khi mình chợt nghĩ lại về những gì đã xảy ra trong quá khứ. 

Đấy là lúc mình nhận ra: Mình không thể “cố gắng” tha thứ một người khác. Bởi khi mình càng “cố tha thứ”, cố tìm mọi cách để giải thích cho hành vi của người khác, nỗi đau vẫn luôn âm ỉ, cảm xúc vẫn y nguyên. Và mình cần tìm một hướng khác để giải thoát bản thân khỏi những hận thù, đau đớn của quá khứ.

Vậy mình đã làm gì để thoát khỏi bóng ma của quá khứ – và thực sự tha thứ?

Đến hiện tại, sau một thời gian đã giải phóng bản thân khỏi những hận thù, drama của quá khứ và biến bản thân thành một con người mới, thì mình mới biết là hành trình đi qua bóng đêm tâm lý của mình – trong tâm lý học và tâm linh học – được gọi là “Spiritual Alchemy” – thuật giả kim tâm linh học, bởi quá trình biến đổi này cũng khá tương tự với thuật giả kim.

Solve et coagula: Dissolve and coagulate. 
Hoà tan và làm đông cứng lại.– Trích dẫn của Thuật Giả Kim học

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học
THE ALCHEMY – THUẬT GIẢ KIM

Trong thuật giả kim, người ta biến đổi các kim loại cơ bản như chì hoặc đồng thành bạc hoặc vàng bằng cách làm tan vỡ các kim loại cơ bản này ra, thanh lọc chúng, để rồi khi đông cứng lại – chúng sẽ thành vàng hoặc bạc nguyên chất, tinh khiết. Đây là quan niệm cổ điển của thuật giả kim, nhưng nó lại rất tương tự với hành trình biến đổi tâm linh, tâm lý của con người: bằng việc tìm kiếm Vàng – sự giải phóng tối cao về mặt tâm linh, tâm lý của con người, chúng ta cần “làm vỡ ra” (hoà tan) những mặt tối, những phần cảm xúc bên trong mình, để rồi sau cùng ta thành một con người mới (đông cứng lại).

Tại sao việc tha thứ liên quan đến Thuật Giả Kim? Bởi vì tha thứ thực sự chỉ diễn ra khi những nỗi đau tinh thần do người kia gây ra đã không còn nữa, bạn thực sự thay đổi cách nhìn nhận vấn đề và bài học của nỗi đau gây ra, thì lúc đó sự tha thứ mới đến tự nhiên. 

Còn khi bạn chưa thực sự tha thứ và buông bỏ được quá khứ, những nỗi đau của quá khứ sẽ luôn là ngục tù tinh thần của bạn, giam hãm bạn trong những vòng lặp luân hồi của những mối quan hệ thất bại, những đau khổ triền miên – và chính nó sẽ ăn cắp mất niềm vui của bạn, điều khiển cả cuộc đời bạn trong vô thức. Bởi vậy, để tha thứ thực sự là cả một hành trình chữa lành – và những bước trong Thuật Giả Kim lại là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho việc chữa lành nỗi đau tinh thần và giải thoát bản thân khỏi nỗi ám ảnh của quá khứ – tìm về niềm vui đích thực trong hiện tại.

Trong thuật giả kim tâm linh học, người ta thường có 7 bước: Nung thành bột (Calcination), Phân giải (Dissolution), Phân tách (Seperation), Hợp nhất (Conjunction), Lên men (Fermentation), Chưng cất (Distillation), và cuối cùng là Đông lại (Coagulation). 

7 bước này là hình ảnh ẩn dụ cho một con người trải qua quá trình biến hoá, thức tỉnh tâm linh, bạn có thể tự Google thêm nếu thấy hứng thú. Còn trong bài viết này, thì mình sẽ chỉ tập trung vào 3 giai đoạn: 1. Nung nấu và Phân giải; 2. Phân tách; 3. Hợp nhất và Đông lại, để diễn giải cho hành trình chữa lành của bản thân mình – và phần nào giúp các bạn tự có cái nhìn cho hành trình giải phóng bản thân của các bạn.

1. Nung nấu và phân giải:

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học
Calcination & Dissolution

Trong giai đoạn này, các nhà Giả Kim Học sẽ nung và làm phân huỷ các nguyên liệu thô. Còn với mình, nguyên liệu thô ở đây chính là những cảm xúc, những vết thương lòng mà mình vẫn luôn giữ bên trong mình – có thể nỗi căm hận, đau đớn, nỗi sợ bị bỏ rơi, v.v. Việc “nung nấu và phân giải” ở đây chính là nhìn thẳng vào những cảm xúc, những mặt tối của mình – những thứ ngăn cản mình tìm về niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực bên trong mình.

Mình “nhìn thẳng” vào những cảm xúc này bằng cách để chúng được lên tiếng – có thể là nói chuyện với người mình tin tưởng về những nỗi đau mình kìm nén bấy lâu, hoặc là viết thẳng ra giấy những nỗi căm hận, đau đớn do những sự kiện trong quá khứ gây ra. 

Mình rất khuyến khích bạn viết thẳng ra giấy nếu bạn có những nỗi đau không dám chia sẻ với ai, khó ai hiểu được – và khi viết ra giấy, thì bạn hãy loại bỏ bất cứ lời phán xét nào đối với những cảm xúc bên trong đang tuôn trào ra – dù đó là cảm xúc đó kinh khủng đến đâu. Hãy dành cho mình thời gian ở một mình – lắng nghe những cảm xúc cuộn trào bên trong bản thân – và để chúng được thoát ra ngoài. Bởi cảm xúc cũng là một dạng năng lượng – năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay truyền từ vật này sang vật khác (Quy luật bảo toàn năng lượng) – nên hãy để cảm xúc, nỗi đau bên trong bạn được bộc lộ ra ngoài: khóc lóc, gào thét, căm hận, v.v. – Và rồi let it go – để chúng ra đi.

2. Phân tách

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học
Separation

Phân tách là lúc để chúng ta nhìn nhận rõ, phân biệt rõ cảm xúc, suy nghĩ này của chúng ta với những cảm xúc, suy nghĩ khác của chúng ta.

Trong trường hợp mình tha thứ cho một người trong quá khứ, mình cần phân tách rõ ràng hai loại cảm xúc bên trong mình: Sự căm hận đối với hành vi của người gây ra tổn thương cho mình, nhưng cùng với đó là sự thấu hiểu, thương hại cho họ – bởi họ hành xử dựa trên những nỗi đau, sự thiếu ý thức (unconsciousness) của bản thân họ. 

Hai loại cảm xúc này cần được phân biệt – không để bị gắn chặt vào nhau, và cần được giải quyết riêng lẻ thay vì bó buộc chúng lại. Mình có thể thấu hiểu cho họ, cho hoàn cảnh của họ; nhưng mình không chấp nhận được hành vi của họ và nỗi đau họ gây ra – cũng như bản thân mình cũng cần phải thương và thấu hiểu cho chính mình. Việc thấu hiểu cho người khác là để giúp mình có cái nhìn toàn cảnh của vấn đề và học được bài học cần thiết cho bản thân, nhưng việc lắng nghe nỗi đau của chính mình là để giúp mình nhận thức được cảm xúc thực của bản thân, trải nghiệm cảm xúc và để chúng tự ra đi, tự chuyển hoá. 

Nếu mình không phân tách hai cảm xúc này ra, thì hoặc là mình sẽ bị “lý trí hoá” vấn đề – và cảm xúc thực của mình bị chèn ép; hoặc mình sẽ bị cảm xúc điều khiển, chỉ nhận thức được nỗi đau của mình – thì mình cũng không thể hoá giải cảm xúc, vượt lên trên nỗi đau và giải phóng bản thân khỏi quá khứ được.

Bởi vậy, bước phân tách cảm xúc là vô cùng quan trọng trong việc chữa lành tâm lý, thực hành “shadow work” – lắng nghe mặt tối của bản thân, bằng cách để mọi cảm xúc tự “trồi lên”. Điều này giúp bạn vừa hoá giải những năng lượng dồn nén của cảm xúc bên trong, vừa có cái nhìn rõ ràng về vấn đề và thấu hiểu bản thân hơn, cũng như hiểu được những bài học đúng đắn, cần thiết mà quá khứ đã để lại cho bạn.

3. Hợp nhất và đông lại

Làm cách nào để Tha thứ theo Thuật Giả Kim tâm linh học
Conjunction & Coagulation

Sau tất cả, khi mọi đau đớn, mọi cảm xúc đã được khơi gợi lại để “khơi thông” năng lượng, mọi suy nghĩ đã được sáng tỏ – là khi bạn đã bình tĩnh lại để nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn. Đây là lúc để bạn xem xét lại còn điều gì bên trong bản thân – những mảnh ghép nào còn lại, những bài học nào cho bạn sau khi năng lượng cảm xúc từ quá khứ đã được giải thoát ra khỏi bạn – rồi “hợp nhất” chúng lại, biến thành một con người mới – hoàn toàn tự do, thoát khỏi xiềng xích, ràng buộc của quá khứ.

Với mình, đấy là cảm giác bình yên sau khi mình chấp nhận được tất cả – rằng mọi chuyện diễn ra không phải để hạ gục mình, mà để mình trưởng thành hơn, trở thành con người mạnh mẽ, khỏe mạnh hơn về mặt tinh thần – và lúc này, sự tha thứ đến tự nhiên như hơi thở, bởi mình đã học được bài học, không còn mang tâm lý nạn nhân và không còn bị giam cầm bởi quá khứ. 

Nhờ shadow work này, mình học cách làm sạch tới gốc rễ của nỗi đau, nỗi sợ bên trong mình, nhờ thế mình mới tìm được bình yên, ánh sáng bên trong, thoát khỏi sự điều khiển của phần vô thức (subconsious mind). Nếu mình không trải qua quá trình biến hoá này, cả cuộc đời mình sẽ bị nỗi sợ, nỗi đau trong vô thức của mình điều khiển, và mình sẽ “gọi nó là số phận” – như lời của Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng.

Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate.
Cho đến khi nào bạn nhận thức được phần vô thức bên trong bạn, thì nó (phần vô thức) sẽ tiếp tục điều khiển cuộc đời bạn và bạn sẽ gọi đấy là “số phận”.– Carl Jung

Các bước trong Thuật Giả Kim tâm linh học (Spiritual Alchemy) không chỉ dành cho riêng việc tha thứ một ai đó, mà hơn cả là nó giúp bạn thực hiện Shadow work – làm quen với mặt tối – những gì bạn còn chôn sâu trong tiềm thức của bản thân, từ đó biến đổi bản thân, biến đổi cả “số phận” của chính bạn.

Tất nhiên, bài viết này cũng có ngoại lệ của nó – nó chỉ dành cho những người muốn thoát khỏi bóng ma quá khứ và giải phóng bản thân mình khỏi những cảm xúc sân hận. Sẽ có trường hợp bạn phải đứng lên đòi lại công bằng cho bản thân, đưa kẻ có tội ra toà, v.v – đấy là lựa chọn của bạn – miễn là nó thực sự giúp bạn giải quyết được vấn đề của bạn. Sau tất cả, sự bình yên trong tâm mới là điều quan trọng nhất – đừng để bất cứ ai hay sự kiện gì trong quá khứ làm bạn chìm trong nỗi đau cả cuộc đời, cướp lấy quyền tận hưởng niềm vui và hạnh phúc trong hiện tại của bạn.

Chúc bạn bình yên trong giây phút này!

Mystic Cat Lady

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by: