Bàn cầu cơ (Ouija board) được những người mê tín dùng để giao tiếp với thế giới tâm linh hoặc thế lực huyền bí. Giờ đây, nó có thể giúp làm sáng tỏ những bí mật của suy nghĩ vô thức.
Cầu cơ - tấm bảng "gọi hồn" cổ xưa
Bàn cầu cơ là một bản gỗ có in các chữ cái trong bảng alphabet và hai đáp án “yes” (có) và “no” (không). Cùng với đó là một tấm gỗ hình trái tim nhỏ (gọi là cơ). Cơ có lỗ nhỏ, để người sử dụng đặt ngón tay vào trong đó.
Bảng cầu cơ thường được trang trí với một loạt các biểu tượng bao gồm Mặt trời, Mặt trăng và ngôi sao. Tất nhiên ở các quốc gia không sử dụng chữ Latinh, bảng cầu cơ sẽ in hình các chữ cái và chữ viết của riêng họ.
Mảnh gỗ hình trái tim có thể dễ dàng trượt trên tấm bảng cầu cơ khi người chơi đặt tay lên nó. Nhiều người tin rằng, các linh hồn điều khiển mảnh gỗ di chuyển từ chữ cái này đến chữ cái khác, cuối cùng tạo ra một lời nhắn hay câu trả lời cho câu hỏi của người chơi. Mặc dù những người chơi đều khẳng định họ không hề dùng tay di chuyển miếng gỗ.
Một số người nói bảng cầu cơ có từ thời Hy Lạp cổ đại, nhưng thực tế nó xuất hiện cách đây không lâu. Elijah Bond sáng chế ra trò chơi này vào đầu những năm 1890, sau đó ông bán lại bằng sáng chế cho doanh nhân William Fuld – người đã có công sản xuất và tiếp thị bảng cầu cơ ra khắp thế giới. Cuối cùng, hãng sản xuất đồ chơi Parker Brothers mua lại bằng sáng chế vào năm 1966.
“Khi bảng cầu cơ mới ra đời, người ta chỉ xem nó là một trò tiêu khiển thú vị và không liên quan đến những điều huyền bí”, nhà nghiên cứu Eric Eliason viết trong cuốn bách khoa toàn thư American Folklore (Văn hóa dân gian Mỹ).
Mọi chuyện dần thay đổi khi Pearl Curran – người có nhiều đóng góp trong việc làm hồi sinh thuyết duy linh trong Thế chiến I – bắt đầu giới thiệu bảng cầu cơ như một công cụ để tiên đoán tương lai, tìm kiếm đồ vật bị mất, xin lời khuyên hằng ngày và liên lạc với các linh hồn. Chẳng mấy chốc, hàng nghìn người Mỹ sử dụng bảng cầu cơ để hỏi xem những người thân yêu của họ đang chiến đấu ở châu Âu còn sống hay đã chết trên chiến trường.
Nhiều tín đồ theo đạo Cơ Đốc tin rằng các công cụ bói toán huyền bí như thẻ bài Tarot, con lắc, và bảng cầu cơ có thể kết nối, thậm chí triệu tập linh hồn ma quỷ, bao gồm cả quỷ Satan. Vì vậy, người chơi bảng cầu cơ sẽ tự chuốc lấy phiền nhiễu và bị quỷ ám. Các tín đồ Cơ Đốc cũng lo ngại quỷ Satan có thể xuất hiện dưới hình thức những trò chơi đơn giản hoặc các hoạt động huyền bí khác như chiêm tinh, cảm xạ, thậm chí thôi miên. Tất cả đều được coi là hình thức biểu hiện của phù thủy và bị lên án trong Kinh thánh.
Bảng cầu cơ là đề tài của các bộ phim kinh dị trong nhiều thập kỷ. Nội dung của chúng đề cập đến bảng cầu cơ như một dụng cụ để con người giao tiếp với linh hồn và quỷ dữ. Một số bộ phim nổi tiếng có thể kể đến như The Uninvited (1944), The Exorcist (1973), The Changeling (1980), Witchboard (1986), Paranormal Activity (2007), Ouija (2014).
Có hai cách phổ biến sử dụng cầu cơ, với những người coi nó như một món đồ chơi thông thường, khi chơi, một nhóm chơi đặt tay họ lên cơ và đọc to câu hỏi. Đáp án chỉ là có hoặc không. Đôi khi planchette di chuyển tới đáp án đúng của câu hỏi, dù những người đặt tay lên đó khẳng định rằng họ không hề dùng tay để di chuyển miếng gỗ.
Những người tham gia chiêu hồn lại sử dụng cầu cơ theo cách khác: đặt 1 ngón tay lên cơ, sau đó thông qua một số nghi thức thần bí, họ đánh vần các chữ cái mà cơ vô thức chỉ đến tạo thành câu và các cụm từ có ý nghĩa. Người ta cho rằng, hành động như thế là do các linh hồn điều khiển, giao tiếp và gửi thông điệp tới chúng ta, dù rằng nguyên nhân thực sự là dohiệu ứng vô thức (ideomotor effect) khiến cơ tay của người chơi chuyển động trong khi họ không biết.
Lý giải của khoa học
Đó là lý do bàn cầu cơ thu hút sự chú ý của các nhà tâm lý học ở ĐH British Columbia (Canada) tiến hành thử nghiệm. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ý nghĩ vô thức đóng vai trò nào đó trong các hoạt động mà người tham gia không chủ ý tạo nên.
Nếu bạn lái xe trên một con đường quen thuộc mà bạn vẫn đi hàng ngày, thì nhiều khi đã đến nơi rồi bạn mới nhận ra rằng bạn không hề chủ ý điều khiển xe. Đây được gọi là “thây ma nội tại”, Hélène Gauchou ở Hội khoa học nghiên cứu tiềm thức (Anh), nói.
Nhóm nghiên cứu của Gauchou sử dụng bàn cầu cơ để kiểm tra vai trò của vô thức trong điều khiển hành động. Để đơn giản hóa vấn đề, nhóm nghiên cứu mỗi lần chỉ để một tình nguyện viên đặt tay lên planchette. Hiệu ứng vô thức được tối đa hóa nếu người chơi tin rằng họ không dùng tay để gây ra chuyển động - đó là lý do tại sao bàn cầu cơ rất thành công khi được cả nhóm cùng chơi. Sau đó, tình nguyện viên thông báo họ sẽ chơi cùng với người nữa. Đối tượng được bịt mắt nên không biết rằng người chơi cùng không hề đặt tay lên planchette khi cuộc chơi bắt đầu.
Cách thử này đã có tác dụng. Một vài tình nguyện viên nghi ngờ người chơi của mình đã tác động - mà không biết rằng họ là người chơi duy nhất.
Nhóm nghiên cứu của Goucher hỏi các tình nguyện viên các câu hỏi “có” “không” bằng cách sử dụng bàn cầu cơ. Sau đó, họ lại hỏi các tình nguyện viên những câu hỏi giống hệt, nhưng các tình nguyện viên trả lời bằng cách gõ lên máy tính. Các tình nguyện viên cũng được hỏi xem họ có biết chắc chắn câu trả lời hay chỉ phỏng đoán.
Khi dùng máy tính, nếu người chơi không biết câu trả lời, thì đáp án của họ đúng một nửa. Khi dùng bàn cầu cơ, số đáp án chính xác của họ là 65% - cho thấy rằng trong tiềm thức của họ đã có ý niệm về đáp án đúng, và bàn cầu cơ đã giúp họ thể hiện linh cảm đó.
Nguồn: Khoa học
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: