31/8/20

Luyện tập thấu cảm khai mở luân xa Tim

Luyện tập thấu cảm khai mở luân xa Tim

Giữ lấy khả năng thấu cảm.

Tại sao một đứa trẻ có thể khóc thét lên khi thấy hình ảnh bạo lực trên màn ảnh, còn chúng ta thì không? Đó là vì trẻ em có khả năng ngay lập tức cảm thấy, chia sẻ nỗi sợ hãi với nạn nhân, dù chúng không biết gì về họ.

Tại sao một đứa trẻ có thể khóc thét lên khi thấy hình ảnh bạo lực trên màn ảnh, còn chúng ta thì không? Đó là vì trẻ em có khả năng ngay lập tức cảm thấy, chia sẻ nỗi sợ hãi với nạn nhân, dù chúng không biết gì về họ. Còn chúng ta, những người đã lớn, có thể chúng ta đã quên, và chúng ta cần đi tìm lại.

THẤU CẢM VÀ THÔNG CẢM (EMPATHY - SYMPATHY)

Bạn sẽ làm gì khi bạn bè của bạn gặp khó khăn trong tình cảm và cuộc sống? “Cố lên nhé!” là câu nói ta dễ nói ra nhất. Sau đó, ta tiếp tục với đời mình. Một số người khác sẵn sàng bước vào đưa ra các giải pháp, những lời khuyên. Một số người khác cố tình gợi nhắc về những điều tốt đẹp mà người kia có: “Tôi không được chồng quan tâm” - “Ồ, ít nhất thì bạn cũng có con ngoan”. Một số khác nữa lại đưa ra những đề nghị hỗ trợ rất ít liên quan: “Sếp tôi không yêu mến tôi lắm, mẹ tôi bị ốm nặng” - “Vậy đi ngồi thiền với tôi cho thư thái”. Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ lòng tốt và sự thông cảm, thế nhưng điều ấy là chưa đủ.

Tìm ra điểm chung giữa mình và những người khác là cách để phát triển khả năng thấu cảm.

Thấu cảm khác với thông cảm, vì một bên là bạn thực sự hiểu xúc cảm của người khác và một bên là việc bạn nhìn thấy được hoàn cảnh của họ. Nhà văn nổi tiếng Henri J.M. Nouwen có một đoạn viết: “Khi thành thật hỏi bản thân ai là người có ý nghĩa nhất với mình, chúng ta thường thấy, thay vì những người cho ta lời khuyên, giải pháp, người chúng ta nhớ đến luôn là người chia sẻ nỗi đau, người an ủi ta khi có vết thương lòng. Người bạn có thể im lặng cùng ta trong những khoảnh khắc tuyệt vọng hay bối rối, người có thể ở cạnh ta lúc tang gia đau đớn, người chấp nhận được việc không cần biết, không cần cố giải quyết, không cần hàn gắn và cùng ta đối mặt với sự bất lực của mình, đó là một người bạn thực sự quan tâm đến ta”.

Bạn sẽ thấy, việc đưa ra các giải pháp nghe có vẻ khó khăn, nhưng thực ra dễ hơn rất nhiều việc thực sự thấu hiểu được cảm giác của người kia. Có rất nhiều lúc, nếu không muốn nói là hầu hết mọi lúc, chúng ta nói ra vấn đề của mình để nhận được sự chia sẻ, chứ không phải là một bài hướng dẫn. Thế nên, việc khá nhiều người giờ đây, thay vì tìm đến bạn bè lại chọn tâm sự với con thú cưng của mình, chỉ để được chúng dụi đầu vào lòng, cảm nhận nỗi buồn bã của chủ không có gì đáng ngạc nhiên.

Cuộc sống càng hiện đại, người ta lại càng cô đơn và khó tìm người chia sẻ dù các công ty tư vấn đã xuất hiện khắp nơi, bởi vì chính mỗi cá nhân lại quên đi mất rằng, việc ngồi xuống và thấu hiểu xúc cảm của người khác cũng quan trọng không kém việc chỉ ra cho họ một cách giải quyết.

Khả năng thấu cảm với người khác vốn là một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không tồn tại suốt đời cùng bạn, ít nhất là về mặt mức độ. Càng lớn lên, càng có nhiều trải nghiệm hơn, chúng ta càng có sẵn nhiều dữ liệu cảm xúc để hiểu được xúc cảm của người khác. Thế nhưng, điều ấy đáng ngạc nhiên thay, lại không xảy ra. Trái ngược hoàn toàn với bản năng của trẻ em, dù chẳng có mấy trải nghiệm với cuộc sống để hiểu được hoàn cảnh của từng người, chúng có thể mau chóng nhận ra một ai đó buồn khổ, và có thể bày tỏ sự chia sẻ của mình một cách tự nhiên.

HIỂU NGƯỜI ĐỂ GIÚP CHÍNH MÌNH

Khi cuộc sống của bản thân có nhiều căng thẳng, chúng ta sẽ dễ có xu hướng phản ứng trước lời khuyên thấu cảm với người khác là: “Thế còn tôi thì sao? Ai sẽ hiểu cho tôi? Ai sẽ thấu cảm với tôi”. Chúng ta cho rằng điều quan trọng là phải giải quyết được chuyện của mình trước đã rồi mới có thể nghĩ đến người khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại. Khả năng thấu cảm tạo ra sự kết nối, từ đó giúp bạn nhận ra được đâu là vấn đề của mình, và có thể sau đó bạn sẽ thấy chính mình cũng được chia sẻ. Sự kết nối giúp bạn được là một phần của thế giới và tự giúp bản thân, không chỉ trong đời sống cá nhân mà cả trong công việc.

Hãy chia sẻ nỗi đau của người khác dù bạn có thể không phải chịu chung hoàn cảnh với họ.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng phát triển khả năng thấu cảm có thể giúp các bệnh nhân trầm cảm ở độ tuổi mới lớn tiến triển đáng kể trong quá trình điều trị. Không chỉ vậy, khả năng thấu cảm giúp con người trở nên vị tha hơn, bớt hướng đến những hành động ích kỷ, hướng đến cộng đồng nhiều hơn và giảm hẳn nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý. Bên cạnh đó, khả năng thấu hiểu giúp các doanh nhân có thể mang đến các dịch vụ hoàn hảo hơn hoặc tạo ra các sản phẩm hữu ích hơn cho khách hàng, đồng thời cũng có thể tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hơn tất cả, khả năng thấu cảm giúp bạn trở thành một người tốt hơn, tránh khỏi những mâu thuẫn không cần thiết và giữ bạn lại trong sự kết nối hài hòa với xã hội. Đó là một phần động lực quan trọng để bạn tiếp tục sống và làm việc để phát triển cộng đồng và xã hội.

Nếu bạn cảm thấy tất cả những tin tức đáng sợ, những chuyện buồn vui xung quanh chẳng còn tác động được tới mình, và thậm chí khi làm một điều gì đó, bạn cũng không cần suy nghĩ về tác động của nó lên mọi người, thì có lẽ đã tới lúc bạn nên hỏi lại mình: Có phải mình đã quên mất khả năng thấu cảm? Câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây là, vậy làm sao để có lại được điều đó và mở được căn phòng đã đóng kín khi bạn cần?

Tiến sĩ Roman Krznaric, giáo sư xã hội học tại đại học Cambridge và nhà tư vấn về thay đổi xã hội tại Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng thấu cảm là khả năng tự nhiên cần được phát triển qua giáo dục trong độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, ngay cả với người trưởng thành, kể cả khi khả năng thấu cảm và chia sẻ cảm xúc với người khác bị chìm xuống dưới những lo toan, những thông tin hỗn loạn và việc phải chứng kiến quá nhiều điều kinh khủng thì chúng ta vẫn có thể tìm được cách đánh thức trái tim mình. Ông khuyến khích mọi người xây dựng 6 thói quen của một người biết thấu cảm, bao gồm:

1. Quan tâm đến người xa lạ

Những người có sự thấu cảm có một sự tò mò vô độ về những người xa lạ. Họ sẽ nói chuyện với người ngồi bên cạnh trên xe buýt, tàu điện. Họ nhận thấy những người khác thú vị hơn bản thân họ và thể hiện lòng quan tâm chứ không phải sự hiếu kì, tọc mạch. Sự tò mò thúc đẩy khả năng thấu cảm của chúng ta. Khi nói chuyện với người bên ngoài giới hạn xã hội thông thường của chúng ta, chúng ta sẽ biết thêm về cuộc sống và những thế giới quan rất khác với chúng ta. Chúng ta sẽ bớt đi sự cô đơn ngày càng trở thành vấn đề lớn trong xã hội hiện đại. Tất cả những gì chúng ta cần là một chút dũng cảm, bước tới bắt chuyện với một người xa lạ ta gặp trên đường.

2. Gạt những định kiến và tìm kiếm sự tương đồng

Tất cả chúng ta có giả định về người khác và bị ảnh hưởng bởi định kiến cộng đồng. Bạn cho rằng người nơi này rất keo kiệt, người nơi kia hay ăn cắp vặt… hoặc đơn giản, khi gặp một cô gái xăm trổ đầy mình, bạn đã cho đây là một người “bất thường”. Tuy nhiên, nếu muốn trái tim mình mở rộng hơn và lắng nghe được xúc cảm của người khác, bạn luôn cần thử thách bản thân để gạt bỏ những định kiến. Hãy tìm ra sự tương đồng giữa bạn và người đối diện, để từ đó bạn có thể hiểu tâm tư của họ. Khi bạn lắng nghe họ một cách tự nhiên, không định kiến, điều bạn nhận lại có thể là sự chân thành, tin cậy, và chính bạn cũng được chia sẻ.

3. Thử sống đời của người khác

Nhà văn George Orwell là một ví dụ điển hình. Sau nhiều năm làm công việc của một sĩ quan tại Miến Điện (khi đó còn là thuộc địa của Anh), ông trở lại Anh và quyết tâm tìm hiểu được suy nghĩ của người bần cùng. Vì vậy, ông ăn mặc như một kẻ lang thang với đôi giày tồi tàn và chiếc áo khoác rách bươm, sống trên đường phố East London với người ăn xin vô gia cư. Kết quả, ông đã thay đổi hoàn toàn quan điểm sống. Ông không chỉ nhận ra rằng những người vô gia cư không phải là “những kẻ vô lại say sưa” và nhờ đó ông có thể viết ra các tác phẩm sâu sắc hơn, trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Vì thế, nếu bạn muốn hiểu người khác và có một cái nhìn sâu sắc về họ, hãy thử sống đời của họ. Bạn không nhất thiết phải làm điều quyết liệt như Orwell, nhưng hãy thử dành ra hai ngày cuối tuần đi làm nông dân, thợ bán bánh, thử đóng vai khách hàng của mình… Có thể, bạn sẽ nhận ra nhiều bài học hơn bạn tưởng.

Thấu hiểu người khác cũng là cách giúp bạn bỏ bớt đi cảm giác cô đơn của riêng mình

4. Lắng nghe và chia sẻ

Như đã nói ở phần trên, hầu hết chúng ta nói ra vấn đề chỉ để được lắng nghe. Chính vì thế, nếu bạn chăm chú lắng nghe mọi người, bạn sẽ nhận được rất nhiều chia sẻ. Bạn cảm nhận được cảm xúc của họ, đến gần với họ hơn, hiểu về cách thế giới vận hành hơn. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng chỉ lắng nghe thôi chưa đủ. Điều quan trọng là bạn cũng nên sẵn sàng thổ lộ lòng mình. Gỡ bỏ tấm mặt nạ “tôi ổn”, “tôi vững vàng” với một ai đó là điều tối quan trọng để tạo nên sự gắn bó về tinh thần.

Chỉ khi nào bạn cảm thấy mình được chia sẻ, và cho người khác cơ hội chia sẻ với mình, bạn có thể thực sự đồng cảm với mọi người. Những người kêu gọi hòa bình thậm chí còn mở ra những trung tâm lắng nghe và kể chuyện, để người dân hai bên chiến tuyến xung đột có thể gặp gỡ và trao đổi những câu chuyện cá nhân, để họ thấy được họ đều là con người, chia sẻ cùng một nỗi đau và niềm vui, nhờ đó các xung đột có thể được xoa dịu. Hãy nghe và chia sẻ, bất cứ khi nào bạn có thể, với bất cứ quãng thời gian nào bạn có thể dành ra được.

5. Hành động vì xã hội

Sự thấu cảm không chỉ có ý nghĩa giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có thể tác động lên xã hội. Hãy bắt đầu quan tâm đến một hoạt động cộng đồng nào đó ngay vào lúc này. Có thể trước đây bạn tưởng rằng đó là việc dành cho ai đó rảnh rỗi hay ai đó làm cho các tổ chức phi chính phủ nhưng việc tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng, dù là hỗ trợ người nghèo hay tư vấn tâm lý cho phụ nữ hiện đại là những cơ hội để bạn có thể nâng cao khả năng thấu cảm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể góp phần vào việc hình thành khả năng thấu cảm ở trẻ em bằng cách khởi đầu những nhóm trò chuyện cùng trẻ, dù đó là con bạn hay những em bé mà bạn biết. Mạng xã hội mà bạn đang sử dụng cũng sẽ là cầu nối hiệu quả, miễn là bạn bắt đầu hướng đến mọi người.

6. Mở rộng trí tưởng tượng

Người ta không nhất thiết phải rơi vào đúng hoàn cảnh mới có thể hiểu người trong hoàn cảnh đó. Thấu cảm chính là khả năng thấu hiểu người khác bằng những trải nghiệm gần tương tự của riêng mình và khả năng liên tưởng. Khi đứng trước tình huống của một ai đó, thay vì phẩy tay tỏ ra không liên quan, hoặc tự cho rằng “mình không thể hiểu được”, hãy thử ngồi xuống và nghĩ về những chuyện tương tự mình đã trải qua, thử đặt mình vào vị thế của người khác, bao gồm cả những người bạn ghét hoặc chẳng hề bận tâm.

Hãy thử hỏi bản thân mỗi ngày: Nếu ta là họ, ta sẽ cảm thấy gì? Ta mong được đối xử như thế nào? Ta cần được nghe những lời nói gì? Ta cần sự ủng hộ nhiều đến đâu? Mỗi câu trả lời bạn có là một lần trái tim bạn rộng mở.

Có một Kỹ thuật về Trực giác Thấu cảm sử dụng Năng lượng Tim là cần tạo ra cảm giác yêu thương trong Tim mình. Rồi luyện tập tái hiện tình yêu thương đó mọi lúc. Để cho Tình yêu thương đó ngày càng mạnh mẽ. Rồi luyện tập để sao cho có thể nhớ lại, có thể tái hiện lại cảm xúc yêu thương đó bất cứ lúc nào. Duy trì cảm xúc Yêu thương đó. Năng lượng Tim mà em tự tạo ra đó sẽ là lớp Năng lượng bảo vệ tốt nhất trong các loại nl tốt nhất. Nó sẽ bảo vệ chống lại mọi sự xâm nhập của bất kỳ năng lượng tiêu cực đen tối nào. Tự động chống lại và rất hiệu quả. Rồi có thể chia xẻ Năng lượng yêu thương đó cho một con mèo mà không cần nói gì. Chỉ cần đổ lên con Nhím dòng Năng lượng Yêu thương như một dòng nước chứa đầy Ánh sáng lỏng Tình thương yêu .

Muốn nghe con mèo nói - mình cần trở thành con mèo - ở trong con mèo. Khi đó mọi suy nghĩ của mèo sẽ ở trong em. Em cần đói cái đói của mèo. Sợ cái sợ của mèo. Muốn làm được vậy - mình cần đi ra khỏi chính mình - quên là em đi - không còn là mình nữa ... khi đó mình sẽ thấu cảm được đối tượng và hiểu để chia sẻ.

☀️🌝🌞🌀🌈🔥💜

Chỉ khi sự thấu cảm

Ẩn sâu trong trái tim

Với rung động dâng trào

Cảm nhận mọi buồn vui

Cho tâm hồn mở cổng

Truyền lửa ấm lan xa

Trao nhau những nụ cười

An ủi mọi ưu phiền

Không mong nhận lại gì

Luân xa tim khai mở

Bạn bước vào ánh sáng.

🙏💝💖💗💓💞💕💚💙💜

Nguồn: Facebook Bình Trần

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by: