30/8/20

Khám phá những phép thuật kỳ bí của Trung Hoa cổ: Phép thuật đuổi ma và dẫn xác chết của thầy pháp (Phần 3)

Văn hóa Trung Quốc vốn rất đa dạng và phong phú, trải dài trên một đất nước rộng lớn và có tới hơn 1 tỷ dân. Thế nhưng, trải qua thời gian tới hàng nghìn năm, nhiều nét văn hóa, đặc biệt là tại các tộc người thiểu số vẫn lưu truyền và có sức sống dai dẳng trường tồn cho đến tận ngày nay. Một trong số đó chính là thuật đuổi xác.


Khám phá những phép thuật kỳ bí của Trung Hoa cổ: Phép thuật đuổi ma và dẫn xác chết của thầy pháp (Phần 3)
Phép đuổi xác chết có nguồn gốc từ truyền thuyết ngàn năm trước đây. (Ảnh minh họa).

Hãn Thi - Phép thuật đuổi xác

Hãn Thi theo nghĩa đen là “đuổi xác chết”. Đây là một phép phù thủy vô cùng thần bí của Miêu tộc sinh sống tại miền Tây Hồ Nam. Nơi đây có một thắng cảnh du lịch nổi tiếng thế giới gọi là Trương Gia Giới. Hạng mục đuổi xác chết rất kinh dị, khủng khiếp. Trung Quốc trước giải phóng (1949) thì giao thông đi lại ở vùng này hết sức khó khăn cách trở, bốn bề xung quanh miền Tây Hồ Nam đều có núi đồi bao bọc trùng điệp, đường đi lối lại hiểm trở, quanh co.

Xem thêm: 
Người Tây Hồ Nam vốn có truyền thống đưa người chết về quê hương cũ. Để giảm bớt gian nan, người Mèo đã nghĩ ra cách “đuổi xác chết”. Nhà văn Thẩm Tòng Văn chỉ viết về phép phù thủy kinh dị này như sau: “Ai có diễm phúc nhìn thấy tận mắt một bầy xác chết đi lại trên đường, biết tránh xe giống như người sống thì có cảm giác quá ư rùng rợn”.

Phép đuổi xác chết có nguồn gốc từ truyền thuyết ngàn năm trước đây, tổ tiên người Miêu là Si Vưu dẫn quân đánh nhau với địch ở bờ sông Hoàng Hà, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông. Sau trận đánh, Si Vưu nói với quân sư: “Ta không thể bỏ rơi đồng đội ở đây, ông phải dùng phép phù thủy đưa các tử sĩ trở về quê hương”.

Quân sư tuân lệnh và nói: “Xin ông hãy thay đổi trang phục, cầm cờ tiết đi truớc dẫn đường, tôi đi sau đốc thúc”. Quân sư ăn mặc giống như Si Vưu, đứng vào giữa đám xác tử sĩ, niệm thần chú, cầu thần linh giúp đỡ rồi hô to: “Hỡi các anh em tử sĩ, đây không phải là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các bạn. Cha mẹ, vợ con các bạn đang trông chờ mỏi mắt ở quê nhà. Xin hồn các tử sĩ hãy luân theo lệnh ta, đứng dậy đi ngay”.

Lạ thay, các xác chết đứng bật dậy, xếp hàng đi theo lá cờ tiết dẫn đường của Si Vưu. Quân địch thấy thế vội xông lại nhưng trời đất đột nhiên mịt mù như mê hồn trận. Trước đây, ở vùng núi miền Tây Hồ Nam thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy xác chết đi lại. Trời tờ mờ sáng, du khách nhìn thấy rất nhiều xác người vật vờ đi lại trước cứa nhà nghỉ.

Họ đều mặc áo choàng đen lùng thùng. Dẫn đầu là một người sống, tay cầm chùm chuông vừa đi vừa lắc để người đi đường tránh ra. Đó chính là “thầy dẫn xác chết”. Ông vừa đi vừa nhắc nhở các nhà hai bên đường phải xích chó lại. Các xác chết được nối với nhau bởi một sợi dây thừng. Trên đường đi có nhà trọ cho các xác chết. Thầy dẫn xác chết tuy là người sống nhưng cũng được nghỉ tại đây. Họ ở nhà trọ ban ngày, ban đêm lại kéo nhau ra đi. Khi gặp mưa gió, họ ở lại vài ngày đêm rồi đi. Theo điều tra của các nhà dân tộc học, trong dân gian Tây Hồ Nam từ xa xưa đã có phép phù thủy Vu Na làm xác chết đi lại được.

Làm thầy dẫn xác chết cũng phải học. Ai học nghiệp vụ dẫn xác chết cần đáp ứng hai điều kiện: gan dạ không sợ ma và sức khoẻ tốt. Khi thành nghề họ có thể truyền nghề cho người khác nhưng rất chú ý kén chọn môn sinh. Môn sinh phải do phụ huynh đưa đến lễ thầy (bái sư), sát hạch (phỏng vấn). Môn sinh ít nhất 16 tuổi, cao trên 1,7m, tướng mạo xấu xí.

Khi sát hạch môn sinh, thầy để họ nhìn mặt trời rồi quay người vài vòng, khi dừng quay phải phân biệt được nhanh chóng 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau đó yêu cầu môn sinh tìm đồ vật được giấu kĩ và gánh vật nặng để thử sức chịu đựng. Cuối cùng thầy cất một chiếc lá ngô đồng vào một ngôi mộ trên núi, nửa đêm bảo môn sinh đi lấy về.

Qua đủ các bước mới được thầy nhận làm môn sinh. Trong quá trình huấn luyện các môn sinh phải rèn luyện vẽ bùa, 36 kĩ năng đi, đứng, quay vòng, leo dốc, xuống dốc, qua cầu, làm chó ngưng sủa... Những kĩ năng này có tác dụng khống chế, điều khiển các xác chết. Thầy dẫn xác chết vẫn làm ăn bình thường như người khác, khi cần mới làm nghiệp vụ đặc biệt này.

Lúc đó thầy sẽ lấy một tờ giấy màu vàng để chủ nhà (người xin mang thi hài thân nhân về quê) ghi rõ họ tên, ngày sinh, ngày chết rồi lấy lá bùa dán lên tờ giấy vàng. Cuối cùng thầy nhét tờ giấy đó vào người. Trang phục của thầy rất đặc biệt. Thầy đi giày rơm, mặc áo choàng, lưng thắt đai đen, đầu đội mũ cao, ngang lưng có giắt một gói bùa.

Phù thủy dẫn xác

Theo tư liệu còn lại, thầy dẫn xác người miền Tây Hồ Nam có lệ “ba xác được dẫn, ba xác không được dẫn”. Những người bị chém đầu (phải ghép đầu với thân người sau khi bị hại), bị thắt cổ, chết đứng trong cũi có thể được dẫn xác về. Vì họ đều bị bức tử, chết còn hận đời, rất mong nhớ người thân và quê hương.

Đối với ba loại người nói trên, thầy có thể dùng phép thuật phù thủy để gọi hồn họ về nhập vào xác, dùng thần chú để khống chế, rồi phù phép để họ có thể đứng dậy, đi lại, leo dốc, chèo thuyền... Những người ốm chết, nhảy xuống sông tự tử, tự thắt cổ là chết tự nguyện nên không thể dẫn xác về quê. Người ốm chết linh hồn bị Diêm Vương giam giữ trong quỷ môn quan.

Người nhảy xuống sông hoặc thắt cổ tự tử linh hồn phải luân hối từ kiếp nọ sang kiếp kia. Người bị sét đánh hoặc bị thiêu cháy cơ thể không được toàn vẹn nên cũng không thể phù phép cho họ đứng dậy đi lại. Lúc đầu việc dẫn xác chết chỉ áp dụng đối với các tử sĩ trên chiến trường, về sau phát triển dần đến cả những người bị hành hình oan uổng.

Qua các công trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học, chúng ta đã vén bức màn bí ẩn về phép phù thủy dẫn xác chết. Không thể phủ nhận thuật phù thủy dân gian của Miêu tộc giúp con người hiện nay hiểu rõ hơn lịch sử, văn hoá, tôn giáo, phong tục của chính họ, đó là nét văn hóa riêng.

Nguồn: Báo Pháp Luật

Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by: