(Thức tỉnh là sự phát triển hiển nhiên của con người.)
Có thể các bạn đã từng đọc ở đâu đó về 6 hay 8 giai đoạn của quá trình thức tỉnh tâm linh. Nhưng ở đây, mình chỉ chia quá trình này thành 2 giai đoạn chính. Nó gắn liền với hai thái cực âm dương và hai phẩm hạnh quan trọng cơ bản mà một người cần có để thấu hiểu và ứng dụng các chân lý, đó là tính kỷ luật và sự quy phục.
1. GIAI ĐOẠN Ý THỨC TRỖI DẬY
Đây là quá trình bạn chạm tới những giới hạn về nhận thức, quan điểm và niềm tin. Cuộc sống của bạn rơi vào những biến động lớn (khủng hoảng, suy sụp, gặp các vấn đề về tâm lý), hoặc rơi vào sự tê liệt/trì hoãn cục bộ. Chúng có thể được kích hoạt bởi những sự kiện thay đổi trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn, chia tay người thân yêu, đổi việc, chuyển nhà, du học, dùng chất thức thần, v.v… Nói chung sự đánh động và lay lắc này thường nằm sau một dấu hiệu thay đổi môi trường sống hoặc thay đổi đột ngột về thể chất, tâm lý. Nó khiến bạn đặt ra những câu hỏi về bản chất của vấn đề (tôi là ai, tại sao chuyện này xảy ra, bản chất của cuộc sống là gì, v.v…) và tìm kiếm câu trả lời ở mọi nơi có thể (đọc sách, nghe pháp thoại, tham gia các khóa tu thiền/khóa học/diễn đàn về tâm linh, bắt đầu nghiên cứu các đề tài về huyền học/tôn giáo, v.v…) Sự thúc ép truy cầu chân lý lúc này thường xuất phát từ áp lực của khổ đau/nghi ngờ, và khao khát sống. Bạn sẽ bước vào giai đoạn gỡ bỏ cái cũ và tiếp nạp cái mới một cách mãnh liệt, thông tin mới đổ vào bạn theo cả hai con đường chủ động và bị động.
Các bạn có thể tưởng tượng việc ý thức trỗi dậy cũng giống như việc con sâu đang vươn mình ra khỏi cái kén chật chội. Nó sẽ cảm thấy đau đớn và ngột ngạt, nhưng có một sự khao khát biến đổi mãnh liệt bên trong, dù có thể trong khoảnh khắc đó nó chưa nhận ra mình đang ở hoàn cảnh như thế nào. Hoặc không, bạn cũng có thể hình dung giai đoạn này giống như một chiếc máy tính đang được nâng cấp phần cứng để có thể chạy một hệ điều hành tân tiến hơn. Những bộ phận không thích hợp sẽ được tháo gỡ, sắp xếp lại, bổ sung thêm để có thể thích nghi với phần mềm mới.
Đây là sự dâng trào và đẩy lên bề mặt những điều bạn ẩn giấu trong vô thức. Thông thường, chúng là những cảm xúc bị đè nén, những nỗi sợ hãi và những niềm tin cố định giúp vận hành đời sống thường ngày hay những thói quen tiêu cực. Khi ở trong quá trình này, bạn sẽ được đối diện với bóng tối của những tư tưởng, với sự giới hạn và yếu kém của hệ thống niềm tin mà bạn đã từng cho rằng nó là mạnh. Ví dụ: trước kia bạn cho rằng phải có một nghề nghiệp ổn định thì bạn mới cảm thấy an toàn, nhưng hiện tại bạn lại đang rơi vào hoàn cảnh bấp bênh phân vân lựa chọn công việc tự do mà mình yêu thích hay công việc cố định đã có người khác làm chủ. Có thể nói, bạn sẽ rơi vào một cơn bão táp thanh lọc cơ thể và tâm hồn để đưa tới quyết định sống theo trái tim hay tâm trí, theo trực giác hay theo thói quen.
Khó khăn gặp phải trong giai đoạn ý thức trỗi dậy đó là bạn bị bất ngờ, choáng ngợp và ra sức chống cự lại sự biến đổi nên cảm thấy mệt mỏi kiệt quệ. Vì bạn đã sống với quán tính tiêu cực cũ trong một quãng thời gian dài. Khi góc nhìn mới hiển lộ, bạn cảm thấy bị đe dọa, hay bị tấn công. Thay vì quan sát để chuyển hóa tiêu cực, bạn lại “nhân giống” những tiêu cực đó thêm nhiều lần nữa bằng cách lan tỏa nó ra thế giới bên ngoài.
Bài học lớn nhất trong quá trình này đó là quy phục, bằng cách thư giãn thả lỏng và kiên nhẫn lắng nghe những “tai ương” đang diễn ra có thật sự là tai ương hay là một ân sủng. Chỉ bằng sự chấp nhận hoàn toàn, bạn mới tạo ra một môi trường ổn định cho sự tái cấu trúc diễn ra. Càng giãy đạp và chống cự, bạn càng cảm thấy sợ hãi, lạc lối và đau đớn. Đây là giai đoạn giúp bạn trải nghiệm sự quy phục rõ ràng nhất vì sóng gió và bất an đang là cực điểm, bạn không thể “thêm vào” được gì nữa mà chỉ có thể “bớt đi.” Bớt một chút kiểm soát, bớt một chút gắng gồng, bớt một chút tính toán, bạn sẽ thấy ngay sự bình an hiển lộ. Trong giai đoạn này, nếm trải sự bình an trong hỗn độn, phúc lạc trong đau khổ chính là thành tựu quan trọng nhất. Nó là điểm nút để bạn bước tới giai đoạn hoàn thiện sau đó trong đường đi của ý thức.
“Con đường cực đoan dẫn tới cung điện của trí tuệ. Bạn sẽ không bao giờ biết đủ cho tới khi biết thế nào là quá đủ.” — William Blake
2. GIAI ĐOẠN Ý THỨC BIỂU LỘ
Có một số người cho rằng sự thức tỉnh chỉ hoàn toàn nằm trong giai đoạn 1 là ý thức trỗi dậy. Nhưng không, đó mới chỉ là một nửa câu chuyện, là sự khởi đầu cho một thứ bền lâu và choáng ngợp hơn nhiều lần sau đó. Khi đã xây được nền móng bình an nơi chân ngã, bạn sẽ liên tiếp trải nghiệm những sự thật khác và dần biểu lộ chúng ra ngoài đời sống. Đây là giai đoạn ý thức được hóa thân thành thực tại một cách chủ động. Người giác ngộ không phải là người sống trên mây, sống trên thiên đàng, mà là người có khả năng mang góc nhìn thiên đàng vào nơi trần thế. Cuộc đời vẫn vậy, nhưng vị khách đi qua cuộc đời đã thay đổi.
Các bạn có thể hình dung giai đoạn này là khi con sâu đã thoát ra khỏi cái kén và hóa thành bươm bướm. Việc của nó bây giờ là sống với một thân thể mới, một sứ mệnh mới. Thay vì quanh quẩn trên mấy ngọn cây trong vườn nhà để gặm chồi non và trở nên béo múp, thì bây giờ con sâu ấy dang cánh bay khắp các vùng đất và hút muôn vàn mật ngọt. Hoặc các bạn có thể tưởng tượng cỗ máy cũ đã được nâng cấp phần cứng xong xuôi và bây giờ nó bắt đầu chạy một chương trình mới tinh vi hơn. Có thể nói, đây là giai đoạn bạn bước sang một thực tại hoàn toàn khác biệt và dồi dào tiềm năng hơn trước kia rất nhiều. Khi đã nạp đủ thông tin, bạn bắt đầu sống trực tiếp những thông tin ấy.
Trong giai đoạn đầu tiên, bài học lớn nhất đó là quy phục. Thì bây giờ, bài học tiếp theo của bạn sẽ được đảo cực thành kỷ luật. Tức là bạn sẽ sống trong một nền tảng ý thức mới, hệ quy chiếu mới dựa trên những nguyên lý của tự nhiên, mà không còn dựa trên những tổ hợp quan điểm, truyền thống, văn hóa, trào lưu của xã hội loài người. Việc bạn cần làm đó là bám dính thật tốt vào nền móng mới. Mọi suy nghĩ, hành động hay lời nói của bạn đều cần nương theo trụ cột tâm hồn, đó là sự tỉnh trí, lòng nhân ái và đức kiên nhẫn.
Khi mới bước vào ngưỡng năng lượng dồi dào và trù phú, khó khăn/sai lầm bạn có thể vướng phải trong giai đoạn này đó là biểu diễn năng lượng vào một cấu trúc không xứng đáng – sự tiêu cực, tham sân si còn sót lại. Một số người tưởng rằng mình được trải nghiệm các chân lý, nhìn thấy được năng lượng tức là mình đã giỏi giang. Nhưng vấn đề quyết định sự thấu hiểu chân lý của bạn nằm ở trong hành động của bạn sau đó. Bạn có gắn bó với các thói quen lành mạnh không, bạn có biết yêu thương thân thể không, bạn có tập trung làm việc không, bạn có khiêm nhường không, v.v… Bạn chứng minh sự thức tỉnh bằng chất lượng hành động của chính mình, bạn phải trở thành hiện thân của tần số mới.
Với những ai không xây dựng được tính kỷ luật và không học cách neo đậu vào tự thân thì dù có được lóe sáng về những chân lý mầu nhiệm thì cũng là chuyện thoảng qua vô ích. Những điều tốt đẹp ấy cũng chỉ xuất hiện như một giấc mơ mà không trở thành thực tại bạn có thể sống.
3. KẾT LUẬN
Trong bài viết này mình chia sự thức tỉnh thành hai giai đoạn tách rời để bạn dễ hiểu và theo dõi. Nhưng khi trực tiếp đi vào trải nghiệm, bạn sẽ nhận thấy sự giao thoa, chồng chất của hai luồng sóng này. Bạn sẽ không đợi đến khi mình hoàn toàn khai sáng thì mới tập dấn thân hành động, mà cần học cách kiên trì khai phá, vận dụng cả hai phẩm chất kỷ luật và quy phục một cách linh hoạt trong đời sống. Vì chúng chính là nền tảng cho sự khai sáng của bạn.
Quá trình thức tỉnh (trỗi dậy và ổn định của ý thức) không nằm ngoài nguyên lý âm dương của vũ trụ, giống như hạt mầm bung lên khỏi mặt đất, như một con sâu hóa thành bướm bay. Đến một ngày bạn sẽ nhận ra rằng thức tỉnh là sự phát triển hiển nhiên của con người. Nó diễn ra không chỉ ở bản thân mỗi chúng ta mà ở vạn vật xung quanh dưới vô số những hình thức khác. Vậy nên hãy vững tin bước trên con đường được Tự nhiên thiết kế và biết rằng mình không hề cô đơn.
Nguồn: Triết Học Đường Phố
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn