10/4/20

Con người sau khi mất, linh hồn sẽ đi về đâu?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng muôn loài vật loại chúng sinh đều có phần hồn, xác và trí. 


Con người sau khi mất, linh hồn sẽ đi về đâu?

Hồn là điểm linh quang, lương tri, trọn lành, Phật Tánh hay Thiên Tánh, có trách nhiệm nhắc nhở cho Trí biết điều hay lẽ phải, hướng thiện. 

Trí chính là bản ngã thực sự sẽ chịu trách nhiệm với các nhân duyên nghiệp quả của mình. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp, Trí càng được học hỏi, trau dồi ngày thêm tinh tấn, hướng tới tận thiện tận mỹ. 

Xác là tinh cha huyết mẹ cấu thành, được nuôi sống bởi vật chất nên khi hết thọ mạng thì nó trở về với cát bụi do nó là các chất giả hợp tạo nên hình hài. 

Trí và Hồn luôn song hành với nhau, gọi chung là linh hồn hay chân hồn.

Khi thân mạng chúng sinh chết đi, phần xác trở về cát bụi, chân hồn sẽ tùy theo việc người ấy có đức tin về điều gì mà sẽ có xu hướng chuyển sinh tương ứng. 

Người không có tín tâm vào bất kì tôn giáo, pháp môn tu tập, sống vị kỷ không biết để tâm thương xót chúng sinh. Khi chết đi, các nhân duyên mà họ từng gây nên nghiệp dữ sẽ đến đòi nợ theo nhiều cách khác nhau. Khiến cho tâm thần của họ đau đớn khổ sở, cho đến khi họ chán ngán hoặc là quá hoảng sợ, hay giác ngộ một điều gì đó hay ho thì họ sẽ chuyển sinh phù hợp với ý niệm lúc ấy. Tất nhiên việc suy nghĩ gì, quyết định gì dựa vào các nhân duyên họ từng gieo, từng suy nghĩ, nói, làm thành thói quen trong kiếp sống của mình. Do đó, chuyển sinh thành dạng gì, ở đâu dựa vào nghiệp lúc còn sống đã từng gieo trồng và chăm sóc nuôi dưỡng các nghiệp ấy. 

Đối với người có các đức tin tôn giáo, giáo phái tâm linh thì tùy vào việc họ có tu tập, thực hành đời sống theo đức tin của mình bao nhiêu mà họ chuyển sinh an lạc hay đau khổ sau khi chết đi thân mạng. 

Nếu người đó trên phương diện có đức tin, mà đời sống thế tục không thực theo những gì mình tin, thì cũng như người không có đức tin vậy. Trôi lăn trong vòng lẩn quẩn của nghiệp, thường là bất thiện. 

Nếu có đức tin nhưng lại làm nhiều điều sai trái với đức tin của mình quay ngược lại đả phá hay phỉ báng thì họ sẽ vướng nghiệp bất thiện. Khi chết hồ sẽ bị sa đọa vào cõi dữ. 

Nếu có đức tin và thực hành theo đúng những gì đường lối đức tin ấy dẫn dắt, thì họ có được những quả vị tương xứng, xứng đáng với đời sống hợp lẽ Đạo theo đức tin của họ. 

Đối với việc quả vị này, khi còn sống người ấy chưa có nhiều tinh tấn, chưa có chuyên môn, thì khi chết đi chân hồn sẽ được dẫn dắt đến các cõi giới có sự thuyết giảng cho họ giác ngộ, tinh tấn hơn. 

Trong quá trình hỗ trợ độ duyên cho chân hồn được tinh tấn, các giáo phái, pháp môn đều có hệ thống kinh điển dành cho lễ cầu siêu độ chân hồn. Các buổi lễ sẽ diễn ra theo định kì nhất định như là 3 ngày, 7 ngày, 9 ngày, 10 ngày 1 lần. Thường kéo dài theo các cấp số nhân như là 7x7=49 ngày, 9x9=81 ngày… 

Nhưng mà, con đường tinh tấn của một chân hồn không đơn giản như thế. Mỗi người đều có các nhân duyên nghiệp quả của mình, có những vướng mắc nhất định. Thế nên vướng mắc chỗ nào, thì cần phải hóa giải, gỡ được điểm khúc mắc ấy. Lúc bấy giờ chân hồn mới có thể tinh tấn, thăng tiến hơn trên con đường thiêng liêng hằng sống giải thoát.
Nhiều người nhầm tưởng chỗ này, cứ tới đủ ngày, đủ lễ thì tự nhiên chân hồn sẽ siêu thoát, tinh tấn được.

Nhưng sự thật không phải như thế. 

Chân hồn cũng như con người mình lúc sống thôi. Sự hoạt động nơi linh giới cũng có những yêu cầu, điều kiện nhất định. Tỉ như người đi học, phải học, phải hành, phải thi và đạt được điểm số nhất định thì mới có thể tham dự vào các khóa học cao hơn, khó hơn. 

Có những chân hồn, vì các vướng mắc của mình không chịu buông xả, rũ bỏ, mà bị mắc kẹt ở các cảnh giới nhất định, không tinh tấn được. Họ cần ở nơi họ chưa vượt qua được khảo thí để tu dưỡng, tịnh hóa nghiệp lực của mình, tự mình hóa giải các vướng bận trong tâm thần của mình. Sau khi thực sự giác ngộ, lĩnh hội và thực hành được buông xả vướng chấp thì họ sẽ được giải thoát, tinh tấn, tiến xa hơn trên con đường thiêng liêng hằng sống. 

Việc các giáo phái, pháp môn tu tập tâm linh đưa ra các mốc thời gian của những buổi lễ cầu hồn siêu thoát cũng chỉ là mang tính tượng trưng, nguyện cầu mang tính cầu may, hên xui… cầu cho chân hồn ấy tinh tấn trong thời gian định mức mang tính hên nhất có thể vậy. Giống như quy định nhà trường, mỗi năm chỉ diễn ra hai kỳ thi để học sinh vượt qua cả hai kỳ thì lên lớp. Nếu không vượt qua khảo thí trong đúng hạn định thì cần phải đợi tiếp lần sau cùng thi chung với những người tới sau… đơn giản vậy. 

Tiếc thay, có những chân hồn, trải qua nhiều ngàn năm, kinh qua bao nhiêu lớp học, mà vướng mắc chấp niệm của mình vẫn không buông xả được, tự mình trói buộc sự tự do của mình mà không thể tinh tấn hơn, không thể giác ngộ viên mãn. 

NHẬT QUANG 

Biên tập từ Nguồn: thegioivohinh.com 




Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn

Bài cũ hơn
Bài mới hơn

post written by:

0 comments: