Khi thân thể dơ bẩn, người ta tắm gội để được tẩy tịnh sạch sẽ. Vậy khi tâm linh hỗn tạp, bụi bặm, phải làm sao để tẩy tịnh cho thanh sạch?
Trong cuộc sống, mỗi khi thân thể mệt mỏi, người ta thường nghĩ ngay đến việc về nhà nghỉ ngơi một chút. Mỗi khi đi đường mệt nhọc, cơ thể dơ bẩn người ta thường muốn được tắm rửa để tẩy tịnh, giải mệt mỏi.
Cuộc sống kim tiền bận rộn ngày nay, mối ngày đều có rất nhiều sự tình khiến con người mệt mỏi cả tinh thần và thể xác. Ngoài áp lực về công việc ra, những gánh nặng nhân sinh cũng vô cùng trầm trọng. Cho nên, chúng ta càng ngày càng nghe thấy nhiều thông tin về những người bị mắc bệnh trầm cảm, chán chường, thậm chí tự tử vì không tìm được ý nghĩa nhân sinh…
Tắm gội thời cổ đại
Tắm gội có lịch sử từ rất lâu đời, thậm chí thời cổ đại còn có những quy định về tắm gội. Từ hơn 3000 năm trước, vào thời nhà Ân, trong Giáp cốt văn đã có ghi chép về việc tắm gội. Trong “Chu lễ” còn ghi “Vương chi tẩm trung hữu dục thất”, tức là trong lăng tẩm của Vua có phòng tắm.
Thời Tần Hán đã hình thành lệ thường là ba ngày gội đầu một lần, năm ngày tắm rửa một lần. Vì vậy, quan phủ cứ năm ngày lại được nghỉ ngơi một ngày, được gọi là “hưu mộc” (ngày nghỉ để tắm gội).
Trong văn hóa truyền thống, tắm gội không chỉ đơn thuần là làm thanh sạch và tinh khiết thân thể, không chỉ là làm sạch da và dưỡng thân mà còn là lễ nghi long trọng. Thời Tây Chu, lễ nghi tắm gội đã trở thành quy định.
Theo sách sử ghi lại, năm công nguyên 334, Thạch Hổ thời Đông Tấn đã xây dựng “Long ôn trì” ở Nghiệp Thành. Đây là phòng tắm tư nhân đầu tiên của Trung Hoa. Đến thời nhà Đường có phòng tắm “Hoa thanh trì” nổi tiếng được xây dựng ở Tây An.
Những người quý tộc, người thuộc tầng lớp cao trong xã hội càng coi trọng việc tắm gội, tẩy tịnh thân thể. Bởi vì bề ngoài chỉnh tề, sạch sẽ mới xứng đôi với uy danh hiển hách, địa vị và thân thế của họ trong xã hội.
Trai giới và tu hành
Thời cổ đại, Hoàng đế trước khi làm lễ tế Trời bái tổ, tăng nhân trước khi tụng niệm kinh Phật đều phải tắm gội để tâm thanh tịnh. Việc làm này thể hiện lòng tôn kính của con người đối với Trời Đất, Tổ tiên, Thần Phật… Đối với tăng nhân việc tắm gội còn là một trong những yêu cầu trước khi làm các việc nhà Phật.
Tắm gội thời xưa thông thường đi kèm với trai giới. Ngọn nguồn của “trai” (trai giới, chay tịnh) là “tề”, chủ yếu là chỉnh tề như tắm rửa thay quần áo, không uống rượu, không ăn các món huân có mùi vị mạnh như hành, gừng, tỏi… “Giới” chủ yếu là nói về việc cảnh giới hoan lạc, không gần nữ sắc, giảm bớt các hoạt động vui chơi giải trí. Về sau này “trai giới” còn được coi như một lễ nghi chính thức trong tôn giáo.
Trong Phật giáo, việc tẩy trừ những điều không thanh sạch trong tâm thì được gọi là “trai”, ngăn chặn để thân không phạm phải tội lỗi thì gọi là “giới”. Trai giới chính là mang ý tứ giữ giới để ngăn chặn hết thảy những dục vọng thèm muốn của con người.
Tắm gội có thể gột tẩy đi những dơ bẩn trên thân thể, còn tu hành có thể gột tẩy những bụi bặm trong tâm linh. Kinh Phật vì để cứu độ thế nhân mà được truyền ra. Trong Phật gia có câu: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” , ý tứ chính là ánh sáng của Phật chiếu rọi rộng khắp, lễ nghĩa tròn đầy sáng tỏ.
Phật quang là trí huệ của Phật. Lấy từ bi và trí huệ của Phật chiếu rọi hết thảy những nơi vô minh tối tăm trong nội tâm của chúng sinh, khiến cho hết thảy chúng sinh trên thế gian đều có thể khai mở được ánh sáng trí tuệ trong bản tính của mình.
Phật Pháp là quảng đại vô biên, dưới uy đức của Phật Pháp, hết thảy đều trở nên tường hòa tròn đầy, lòng người hướng thiện, tuân thủ lễ nghĩa. Người tu hành có thể tắm mình trong Pháp quang, nghe lời chỉ dạy của Phật mà tâm linh được thanh tịnh.
An Hòa - trithucvn
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: