Những tượng Phật, Bồ Tát khổng lồ này không chỉ là công trình tôn giáo có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng, mà còn là điểm tham quan được du khách yêu thích.
1. Bức tượng Phật Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)
Bức tượng Phật Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng (thành phố Đà Nẵng) được coi là tượng Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam, với 17 tầng và cao 67 m, tương đương tòa nhà 30 tầng. Tòa sen có đường kính rộng tới 35 m và đường kính lòng tượng rộng 17 m. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa. Những ngư dân lênh đênh trên biển mỗi khi nhìn vào đất liền, thấy Phật Bà thì lòng cũng vững chãi hơn trên từng đợt sóng dâng cao.
Càng cận cảnh bức tượng “khổng lồ” này, càng cảm nhận rõ sự tinh tế của các nhà điêu khắc thể hiện qua những đường nét của bàn tay bắt ấn tam muội, bình nước cam lồ, chuỗi hạt trai trên cổ đến tòa sen uy nghi, vạt áo cà sa mềm mại được trang trí những đường diềm hết sức tinh xảo tung bay trong gió…
2. Tượng Phật Di Lặc bằng xi măng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam.
Chùa tọa lạc trên núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á được xây dựng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, núi Cấm, cao 710 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí. Tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng lớn năng dung của Đức Phật Di Lặc.
3. Pho tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam, chùa Hội Khánh, Bình Dương
Tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết-bàn dài 52 m, cao 12 m được an vị trên độ cao cách mặt đất 23 m, nằm trên mái chùa giữa khu rừng dầu, sao gợi liên tưởng đến hình ảnh Phật Thích Ca nhập diệt trong rừng Ta La song thọ cách đây trên 2.557 năm. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết-bàn. Quanh tượng Phật còn được trang trí 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Đây được coi là bức tượng nằm dài nhất Việt Nam.
Không những thế, tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ xác lập công nhận tượng Phật nhập Niết-bàn chùa Hội Khánh là "Tượng Phật nhập Niết-bàn trên mái chùa dài nhất châu Á" - danh hiệu vinh dự cao quý không chỉ cho Phật giáo Bình Dương mà còn là niềm tự hào của nhân dân Bình Dương. Ngoài pho tượng nổi tiếng này, trong chùa Hội Khánh còn có gần 100 pho tượng gỗ, mang giá trị tạo hình rất cao.
4. Pho tượng bằng đồng nặng nhất
Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, Gia Viễn - Ninh Bình, và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”.
Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3m
Ngoài kỷ lục nói trên, trung tâm này cũng xác nhận nhận hàng loạt các danh hiệu kỷ lục khác cho chùa Bái Đính như Bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, bộ tượng A Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất (mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Đức Phật Thích ca Mâu ni), chuông đồng lớn nhất (nặng 30 tấn), giếng Ngọc lớn nhất (đường kính 35m), tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất (đặt nơi cổng tam quan chùa Bái Đính, mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m), tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất (nặng 80 tấn, cao 9,57m tính cả bệ), bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất (mỗi pho nặng 50 tấn). Đây còn là ngôi chùa lớn nhất và có nhiều tượng nhất Việt Nam.
5. Tượng Đạt Ma Sư Tổ tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam
Nếu các pho tượng thường được chế tác từ đồng, đá hay bê tông, thì bức tượng Đạt Ma Sư Tổ ở chùa Tây Tạng (Bình Dương) lại hút du khách với danh xưng pho tượng tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Tượng cao 2,32 m, được tạo chủ yếu từ tóc của Phật tử, mật rỉ đường và vôi vữa. Pho tượng còn có nón lá trên đòn gánh. Pho tượng độc đáo này đã thu hút rất nhiều du khách tới tham quan chùa Tây Tạng.
6. Tượng Phật Tổ A Di đà ở ngôi chùa kỷ lục
Tọa lạc trên cù lao Giêng giữa sông Tiền mênh mông, chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) từ lâu là một công trình tôn giáo nổi tiếng khắp miền Tây. Chùa Phước Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc phật giáo có giá trị nghệ thuật cao.
Tượng Phật Tổ A Di Đà ở chùa Phước Thành
Đặc biệt vào năm 2012, chùa khởi công xây dựng tượng Phật tổ A Di Đà cao 39m cùng 48 vị Bồ tát Thánh chúng mỗi tượng cao 5m bằng bê tông cốt thép. Công trình hoàn thành năm 2016 mang kiến trúc văn hóa cổ, truyền thống đặc thù của Phật giáo. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo kết hợp với việc công trình Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng được xác lập Kỷ lục Việt Nam, ngôi chùa càng thu hút sự chú ý của du khách thập phương.
7. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử
Vào 12/2010, tại chùa Linh Phước, TP Đà Lạt đã có 1 bức tượng được xác nhận là bức tượng làm bằng hoa lớn nhất Việt Nam. Tượng hoa nặng khoảng 3 tấn, cao gần 20m, được hơn 600 chuyên gia, nghệ nhân thi công và phật tử chung tay thực hiện từ 600.000 bông hoa bất tử - một loài hoa đặc trưng của TP hoa Đà Lạt. Đáng chú ý, ngoài tượng hoa còn có một đài sen có đường kính 4m cũng được kết bằng 20.000 bông hoa đủ màu sắc. Qua hai lần được xác lập kỷ lục Việt Nam (2010) và kỷ lục châu Á (2012) đến nay, tượng luôn luôn được giữ gìn, tôn tạo, đều đặn hai năm/ lần thay mới hoa hoàn toàn, trưng bày tại chùa để phật tử và du khách thăm viếng, lễ bái.
8. Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất
Đại Phật tượng bằng đá cao 27m, nặng 3.000 tấn đặt trên đỉnh núi đầu tiên phát tích đạo Phật ở Việt Nam (núi Phật tích, Bắc Ninh), được xem như kỳ quan mới trên quê hương của các vua Lý. Tượng được tạc dựa trên nguyên mẫu tượng A Di Đà, là một trong những bảo vật từ thời nhà Lý.
Chùa Phật Tích còn là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là di tích tiêu biểu nhất chứa đựng các giá trị văn hóa, mỹ thuật thời Lý. Ngoài hai bức tượng phật A Di Đà bằng đá có từ thời Lý và Đại Phật tượng mới xây dựng, đây còn là nơi lưu duy nhất lưu giữ những linh thú với 5 cặp đối xứng là sư tử, voi, ngựa, trâu, tê giác vốn là các di vật của đời Lý.
9. Tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây
Tượng Phật Quan Âm ở chùa Hưng Thiện
Cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 7km, chùa Hưng Thiện (tọa lạc tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cũng gây ấn tượng với du khách gần xa bởi có pho tượng Phật Quan âm lớn nhất miền Tây. Đây là một ngôi chùa nằm ở vùng nông thôn sâu, bao quanh là đồng ruộng và con rạch nhỏ chảy qua trước mặt. Tuy là ngôi chùa được xây dựng và hoàn thành gần đây nhưng lại rất “hút” khách thập phương đến tham quan, lễ Phật bởi tượng Phật Quan âm cao đến 43m (trong đó toàn thân tượng tượng Phật Quan âm cao 33m bệ cao khoảng 10m).
Pho tượng có màu chủ đạo là trắng, được trang trí thêm các nét màu vàng ở viền áo, có tòa sen với những cánh sen lớn màu hồng nhạt. Bức tượng có hình dáng Phật Bà một tay cầm lọ nước thần, một tay niệm kinh. Ngoài ra, để lên tới chân đài sen khách sẽ phải bước qua 52 bậc thang. Tượng được xây dựng trong vòng 6 năm, chi phí do phật tử gần xa đóng góp. Có thể nói đây là một bức tượng Phật Bà được chạm trỗ công phu, đẹp mắt. Từ khi hoàn thành đến nay, tượng Phật Bà “khổng lồ” này đã thu hút rất đông người dân địa phương và du khách phương xa đến chiêm ngưỡng.
10. Tượng Đức Phật A Di Đà bằng đá xanh tự nhiên lớn nhất Việt Nam
Tượng thuộc chùa Bình A (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Tổng chiều cao của Tôn tượng tính từ bệ lên đỉnh đầu Phật là 32m (tính từ chân đài sen lên đỉnh đầu Phật là 20m). Pho tượng Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho 32 tướng tốt của Đức Phật, tượng nằm bên tay trái của Chùa và được khởi công kiến tạo vào cuối năm 2013 trong dịp cắt băng khánh thành ngôi "Đại hùng bảo điện". Pho bảo tượng được thiết kế thành 02 phần riêng biệt đó là bệ tượng và bảo tượng nhưng nằm trong một tổng thể thống nhất hài hòa.
Nếu có điều kiện các bạn hãy một lần đến thăm những ngôi chùa này để dâng hương lễ phật và tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những pho tượng có một không hai này.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn