Thí nghiệm tâm lý "vô nhân đạo" nhất lịch sử nhân loại và những sự thật gây tranh cãi đáng sợ đằng sau đó
Tâm lý con người là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều bí ẩn, mà con người đã phải mất rất nhiều thời gian cũng chưa thể nắm bắt được hết.
Bởi vậy trong quá khứ, các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm nhằm hiểu hơn về tâm lý con người. Có điều vì là một lĩnh vực chưa được hiểu cặn kẽ, một số thí nghiệm đã gây ra tranh cãi rất lớn cho cộng đồng, thậm chí được xem là "vô nhân đạo".
Nổi bật nhất trong đó phải kể đến thí nghiệm do Milgram thực hiện vào năm 1961 - một thí nghiệm được đánh giá là "vô nhân đạo" bậc nhất lịch sử tâm lý học loài người.
Thí nghiệm kinh hoàng năm 1961
Năm 1961, giáo sư tâm lý từ ĐH Yale Stanley Milgram đã đăng đàn tuyển người tham gia vào một thí nghiệm tâm lý của mình. Trong đó mỗi người sẽ được trả $4,5 (khoảng $37 ở thời điểm hiện tại, tương đương gần 400 ngàn VNĐ) cho một giờ cộng tác.
Tổng cộng, Milgram đã tuyển được 40 người tham gia thí nghiệm, được chia thành 2 nhóm là "giáo viên" và "học sinh", rồi đưa vào 2 căn phòng khác nhau. "Học sinh" sẽ được đấu nối với một cỗ máy sốc điện, nhưng bảng điều khiển thì được đặt trong phòng "giáo viên".
Học viên được nối vào một máy sốc điện
Bảng điều khiển có tổng cộng 30 nút gạt, mỗi nút sẽ kích hoạt dòng điện có cường độ tăng dần với biên độ là 15V, và tối đa là 450V. Học sinh và giáo viên không thể nhìn thấy nhau. Bên cạnh "giáo viên" là một người trong vai giám sát.
Yêu cầu thí nghiệm như sau: "Giáo viên" sẽ đặt câu hỏi cho "học sinh" và với mỗi câu trả lời sai, người giám sát sẽ ra lệnh gạt nút để trừng phạt.
Tất nhiên, dòng điện chỉ là giả, nhưng vấn đề là các giáo viên không biết điều đó. Mỗi khi gạt nút lên, một băng ghi âm tiếng kêu khóc sẽ được kích hoạt, giống như học viên đang bị điện giật thật sự.
Mô phỏng thí nghiệm Milgram
Kết quả cho thấy sự thật đáng kinh ngạc: các tình nguyện viên trong vai "giáo viên" liên tục gạt nút trừng phạt "học viên", dù một số người có tỏ ra lo lắng. Nhưng mỗi khi có người chần chừ, họ lại bị người giám sát thí nghiệm ra lệnh thúc ép thực hiện, buộc họ phải tiếp tục thí nghiệm.
Ở thời điểm dòng điện đạt mức 300V, các "học viên" được yêu cầu phải đập cửa, van xin đừng tiếp tục trừng phạt họ nữa. Thế nhưng dưới sự thúc ép của giám sát viên, kết quả cho thấy có tới 65% người tham gia gạt đến nút cuối cùng - tức kích hoạt dòng điện 450V vào người học viên của họ.
Từ đó, ông đưa đến kết luận như sau: dưới sức ép của quyền lực và khi tự cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm, con người có thể gây ra những hành động độc ác, gây tổn thương đến người khác, dù hiểu được rằng điều đó bất nhân, tàn bạo và trái với đạo đức đến mức nào.
Tranh cãi về giá trị nhân đạo và sự thật đằng sau thí nghiệm
Kết luận của Milgram nêu ra một sự thật rằng con người có thể tuân thủ mệnh lệnh một cách mù quáng bất kể đạo đức.
Tuy nhiên, chính bản thân thí nghiệm của ông cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Đầu tiên sự vô nhân tính khiến người tham gia phải chịu chấn động nặng nề, và hai là bản chất thực sự của thí nghiệm này.
Về yếu tố đầu tiên, Milgram cho biết theo khảo sát của ông, có tới 84% ứng viên cho rằng họ hài lòng vì đã tham gia, trong khi tỉ lệ hối hận chỉ chiếm 1% (các ứng viên thể hiện sự hài lòng qua thang điểm từ 1 - 5).
Điều này chứng tỏ rằng không có chấn động tâm lý nào quá nghiêm trọng ở đây. Tuy nhiên, nó lại cho thấy một nguyên nhân đáng sợ hơn đằng sau về đạo đức của con người: khi người tham gia cảm thấy hài lòng quá nhiều khi làm tổn thương người khác, chứng tỏ bản chất của họ là quá xấu xa.
Tuy nhiên, hơn 50 năm sau đó, một nghiên cứu khác do giáo sư Alex Haslam thuộc ĐH Queensland (Anh) dẫn đầu vào năm 2014 lại đưa ra cách giải thích khác. Họ cho rằng, sở dĩ những người này cảm thấy thoải mái không phải do đạo đức của họ quá "suy đồi", mà là do họ không cảm thấy mình sai, và vì suy nghĩ rằng mình đang đóng góp cho một mục đích lớn lao hơn.
Cụ thể, giáo sư Haslam đặt giả thuyết rằng những người tham gia đã nghĩ mình không làm gì sai cả. Thay vào đó, chính khả năng thuyết phục của Milgram đã khiến họ cảm thấy mình vừa có một đóng góp to lớn cho khoa học, và vì thế họ hài lòng.
Lúc này, chúng ta lại phải đặt câu hỏi: Là đúng hay sai việc làm đau người khác để phục vụ cho mục đích tốt? Câu hỏi này hiện vẫn gây tranh cãi rất nhiều.
Nhưng dù với mục đích nào, việc tự hào, vui sướng khi gây tổn thương cho người khác vẫn phản ánh nên một sự thật rằng: "Con người chúng ta ai cũng có mảng tối trong tâm hồn".
Theo genk
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: