Cách thức để thành công và hạnh phúc thực ra nó hiện hữu ngay trong sự lựa chọn của mỗi chúng ta thôi.
Phần lớn những người chọn con đường chạy theo tài sản vật chất hoặc quyền lực để tìm kiếm hạnh phúc thường là những người có phần nào đó vượt trội hơn người khác, chẳng hạn như về mưu trí, sự khôn khéo, kỹ năng hay tài nghệ, hay ít nhất thì họ cũng may mắn được sinh ra trong một môi trường thuận lợi. Dựa vào những ưu điểm sẵn có của mình, họ mới có thể đạt được mục tiêu làm giàu hoặc tranh chấp quyền lực.
Những người bình dân chiếm đa số trong xã hội thường không có tham vọng như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không khát khao, mong muốn được sống hạnh phúc hơn. Sự khát khao mong muốn này là giống nhau ở tất cả mọi người. Vì thế, những người tự biết mình không có được những ưu điểm hay khả năng vượt trội hơn người khác thường sẽ chọn những phương cách đơn giản hơn để tìm kiếm hạnh phúc.
Với quan niệm này thì để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, người ta luôn chọn những phương cách ứng xử theo khuynh hướng sao cho lúc nào mình cũng phải là người “thắng thế” hơn người khác. Có thể dễ dàng nhận ra đây chính là khuynh hướng phổ biến nhất, cho dù ngay chính những người bị lôi cuốn theo khuynh hướng này thường cũng không tự nhận biết điều đó. Đôi khi, người ta bị thôi thúc phải ứng xử theo khuynh hướng này như một kiểu phản xạ tự nhiên, không cần phán đoán, suy luận, và thậm chí có khi cũng không hiểu được ý nghĩa thực sự trong việc làm của mình.
Có thể bạn chưa tin điều này, nhưng hãy thử quan sát những gì đang xảy ra quanh bạn mỗi ngày để tự đưa ra kết luận. Tại phòng khám bệnh chẳng hạn, thay vì cảm thông nhau như những người đồng cảnh ngộ, người ta không ngừng chen lấn nhau để được quan tâm trước. Tại quầy bán vé xe, người ta xô đẩy nhau để giành mua vé trước, cho dù khi mua vé sớm hơn rồi vẫn cứ phải ngồi chờ đến đúng giờ xe xuất bến. Tại trạm xe buýt, dù biết là tài xế sẽ không bỏ sót bất cứ người khách nào muốn đi, nhưng người ta vẫn chen lấn nhau để lên xe trước. Ở phiên chợ chiều, người bán rau già yếu đã chấp nhận bán những bó rau cuối cùng thấp hơn cả giá vốn, nhưng người mua vẫn cứ kì kèo để có thể mua được với giá thấp hơn nữa…
Trong hầu hết những trường hợp như thế và nhiều trường hợp khác nữa, cái khuynh hướng muốn “hơn người khác” luôn chi phối sự ứng xử của chúng ta, khiến ta thậm chí không dành thời gian để suy nghĩ xem những điều đó có nên làm hay không, có phù hợp với các chuẩn mực đạo đức hay không… Điều duy nhất tiềm ẩn phía sau sự thôi thúc như thế là ý tưởng cho rằng: đó chính là phương cách để ta có được hạnh phúc trong đời sống. Hay nói khác đi, chúng ta tin rằng nếu không “hơn người khác” thì ta sẽ không có được hạnh phúc.
Những gì quan sát được trong cuộc sống cho chúng ta thấy rằng những quan niệm như trên đều không đúng thật. Chúng ta dễ dàng tìm thấy rất nhiều người giàu có nhưng cuộc sống vẫn bộc lộ vô vàn những khổ đau, bất toại nguyện. Đơn giản chỉ là vì có rất nhiều điều chúng ta mong muốn nhưng hoàn toàn không thể mua bằng tiền bạc. Cũng vậy, những người nhiều quyền thế đến đâu cũng không đảm bảo có được một cuộc sống hạnh phúc, vì họ chưa bao giờ được miễn trừ khỏi các nguyên nhân gây đau khổ từ chính trong tâm thức họ.
Sự chèn ép, lấn lướt hay tinh ranh để “hơn người khác” cũng không bao giờ mang lại cho ta hạnh phúc chân thật. Có vẻ như ta được thỏa mãn tức thời với những thành tựu của mình khi “thắng thế” so với người khác, nhưng những gì ta có được sau đó thật ra chẳng liên quan gì nhiều đến cái hạnh phúc thực sự mà ta đang tìm kiếm. Ngược lại, điều chắc chắn hơn mà ta phải nhận lấy lại thường là tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng và hụt hẫng khi những mối quan hệ xấu dần đi do sự đối đầu.
Trong khi thực tế là tất cả chúng ta đều khao khát, mong muốn được sống hạnh phúc, thì điều rất đáng buồn là do những nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc theo phương thức sai lầm mà chúng ta ngày càng xa rời mục tiêu nhắm đến. Thay vì được sống hạnh phúc thì sau bao nhiêu nỗ lực bon chen vất vả, ta lại thường cảm nhận một đời sống ngày càng rối rắm, phiền muộn hơn.
Vì thế, điều quan trọng cần nhận biết ở đây là, chúng ta cần có một phương thức đúng đắn để tìm kiếm hạnh phúc. Phương thức đó nhất thiết phải giúp ta có được nhiều hơn những phút giây an vui hạnh phúc trong đời sống theo hướng tỷ lệ thuận với những nỗ lực của ta trong sự thực hành.
Nhưng nên nhớ ai tâm rộng lớn con đường đi cũng rộng lớn, ngược lại khi tâm hẹp con đường đi vô cùng khó khăn.
Con người sống trên đời không ai chưa từng trải qua mất mát, bất hạnh, đau khổ và thất bại. Dù có bao nhiêu tiếc nuối, khóc bao nhiêu nước mắt thì cũng không thể tránh khỏi. Nên dù hạnh phúc hay khổ đau, là xứng đáng hay không xứng đáng, Phật dạy làm người, học một chữ “buông”. Đó chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Buông không có nghĩa là quên, buông có nghĩa là chấp nhận. Chấp nhận đau khổ để chờ đón hạnh phúc, chấp nhận mất mát để mạnh mẽ hơn, chấp nhận thất bại để có ngày thành công. Sống mãi trong quá khứ không làm bạn bớt đau buồn, cũng không khiến bạn tốt hơn, chỉ có thanh thản, học cách đối diện và bỏ qua thì mới có thể an nhiên.
Quý trọng hôm nay hơn hôm qua, người bên cạnh hơn người của thời quá khứ mới đích thực là biết cách trân quý cuộc sống. Sinh mệnh vốn không dài, cuộc đời con người ngoảnh đi ngoảnh lại đã tới ngày trở về với cát bụi, nên nếu không tận dụng từng giây từng phút thì như hạt cát trôi qua kẽ tay, bay mất lúc nào không biết. Những tổn thương theo năm tháng sẽ dần lành lại, dấu vết chỉ để nhớ và là kinh nghiệm cho bước đường dài phía trước. Phiền não thì sai lầm nối tiếp sai lầm, khổ đau kéo dài khổ đau. Lạc quan thì thành công thay thế sai lầm, hạnh phúc ươm mầm từ đau khổ. Bạn chọn con đường nào?
Nếu tâm linh một chút, thì những gì chúng ta đang phải gánh chịu ngày hôm nay là quả báo chúng ta gieo từ trước đó. Nên chi bằng bình thản, mạnh mẽ, tự tin đối diện và nhận lấy trách nhiệm. Những gì ta làm hôm nay sẽ trở thành nhân lành cho tương lai dài rộng.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông xoay vòng nhưng sinh mệnh con người không thể luân hồi, ai cũng chỉ có một lần để sống. Nếu sống hoài, sống uổng trong nỗi dằn vạt và những hoài niệm thì liệu nhìn lại, bạn có thấy hài lòng? Nháy mắt hết một đời, nên “hôm nay có rượu hôm nay say”, hạnh phúc và niềm vui không chờ ai, cũng không từ chối ai cả.
Không phiền não thì không là nhân sinh, không mạnh mẽ thì không biết được hạnh phúc. Dù bạn đang đau khổ vì thất tình, đang buồn bã vì thất bại, đang tuyệt vọng và bất hạnh đến cùng cực thì ngày hôm nay sẽ tươi sáng hơn hôm qua nếu ta biết thắp lửa lòng.
Nhân sinh như mộng.
Đường đời có lúc gập ghềnh.
Có khi bằng phẳng.
Nhưng quan trọng vẫn là ở tâm thế của mỗi người.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: