Con người ít khi hiểu được rằng khẩu nghiệp hiện hữu và gây quả báo rất nặng theo luật nhân quả, đặc biệt khi họ thốt ra lời bất kính với Thần Phật chỉ vì bản thân hay thấy người khác bất hạnh.
Người thường hễ rơi vào hoạn nạn, hoặc chứng kiến cảnh tượng mà họ cho là “oan trái” thì đều than rằng “Ông Trời bất công” mà không nghĩ tới luật nhân quả. Những lời trách móc này tưởng chừng như vô hại lại mang đến khẩu nghiệp không hề nhẹ cho những ai chỉ cần có ý nghĩ ấy hoặc thốt ra từ miệng họ. Lý do đơn giản là bởi họ đang “vu oan” cho Ông Trời hay cụ thể hơn là Thần Phật, chỉ vì xét mọi việc ở bề mặt, thông qua con mắt trần tục của mình.
Có cặp vợ chồng sống tại thôn quê dân dã tại Giang Châu dưới triều Minh ở Trung Quốc. Họ làm lụng vất vả, quanh năm suốt tháng nhưng mãi vẫn chưa thể dư giả như người ta. Nhưng điều khiến họ phiền lòng là lấy nhau nhiều năm rồi vẫn chưa thể sinh con. Trong lòng họ luôn nặng trĩu nỗi ưu tư đó, và dù vái tứ phương vẫn không thể nào có quý tử nối dõi. Cả hai về sau luôn than thân trách phận, họ trách ông Trời bất công, vì sao đối xử với họ như vậy. Họ sống hiền lành, không làm hại ai bao giờ, nhẫn nhịn và chịu nhục dù bị đối xử khá tệ bạc do chòm xóm đều coi thường sự nghèo nàn của họ. Cứ thế mãi, cuối cùng may mắn người vợ thụ thai, sinh được cậu con trai bụ bẫm, khỏe mạnh.
Hai vợ chồng mừng rỡ, bảo nhau phải chăm chỉ hơn nữa để có tiền nuôi con khôn lớn, ăn học đàng hoàng.
Con trai lớn lên từng ngày, càng lớn càng khôi ngô, ngoan ngoãn và ít khi bệnh tật. Cặp vợ chồng thấy hạnh phúc lắm, nhưng hiềm nỗi họ mãi không thể giàu lên được. Họ muốn cho con một cuộc sống sung túc hơn cha mẹ. Rồi một ngày nọ, đến mùa gặt hái thì trời đổ cơn mưa to như trút, quét sạch hoa màu và lúa gạo đang sẵn sàng chờ thu hoạch. Cặp vợ chồng nhìn thấy cánh đồng ngập úng nước mà lòng đau như cắt, nghĩ đến cảnh cả nhà sẽ không còn hạt gạo nào mà ăn, họ vừa khóc vừa trách mắng ông Trời. “Sao ông Trời bất công để cho nhà tôi rơi vào cảnh ngộ này? Ông quá bất công, vậy có ông để làm gì? Trời cao tại sao không thấu nỗi khổ của người nghèo, bắt người nghèo như chúng tôi phải hứng chịu bao vận rủi?”.
Hai vợ chồng cứ thế trách móc ông Trời. Trách mãi rồi cũng phải về nhà. Về tới nhà, họ hoảng hốt khi không thấy con trai đâu. Trước khi đi, hai vợ chồng đã dặn con ngồi ở nhà chơi ngoan chờ cha mẹ về. Họ thảng thốt chạy đi tìm con, nỗi lo ấy so với nỗi đau khi mất trắng mùa màng, chắc là gấp vạn lần. Tìm mãi không thấy con đâu, cuối cùng khi về đến nhà, họ choáng váng gặp người trong xóm mang thi thể con về. Hóa ra đứa trẻ chờ mãi không thấy cha mẹ về (vì lúc đó họ còn mải trách móc ông Trời), đã tự ra khỏi nhà tìm kiếm, không may bị nước lũ cuốn trôi.
Hai vợ chồng suy sụp hoàn toàn, như trời sập, họ ôm con khóc ròng, khóc mãi vì quá đau đớn. Bỗng nhiên cặp vợ chồng cảm thấy như mình bị ai đó túm lên và đẩy đi xuống chỗ tối tăm hun hút. Còn chưa kịp hoảng hồn, họ đã thấy mình quỳ phủ phục trước Phán quan. Phán quan nhìn oai nghiêm khiến cặp vợ chồng sợ run người.
“Cặp vợ chồng này phạm phải quá nhiều tội nghiệp, không biết an phận, tích đức lại còn dám xúc phạm Thần Phật. Tội không thể tha”, Phán quan luận tội, giọng sang sảng nghe rất uy lực.
Cặp vợ chồng nghe vậy sợ quá kêu oan. Họ nói rằng mình đã quá thiệt thòi vì nghèo khổ, đã chăm chỉ lắm rồi mà vẫn không thể giàu có. Có mỗi mụn con trai thì giờ đã chết, họ đáng thương chứ đâu có làm gì nên tội?
Phán quan nghe xong lắc đầu: “Đáng thương thay cho con người trần mắt thịt, chỉ nhìn bề ngoài mà không biết nguyên nhân sâu xa đằng sau. Các người kiếp trước làm nghề trộm cắp, trộm bao nhiêu của cải của người ta, đẩy người khác vào cảnh bần cùng. Chính vì cái nghiệp đó mà đời này các người phải đầu thai chịu kiếp nghèo mạt, cả đời không thể ngóc đầu lên được. Đấng Trên thương tình ban cho mụn con, các người đã không biết cảm ơn lại còn tiếp tục trách móc là sao? Các người liên tiếp tạo nghiệp, thử hỏi làm sao có thể được may mắn?”.
Cặp vợ chồng nghe xong khi ấy mới giật mình hiểu ra, nhưng sự đã rồi. Nhân quả thật công minh, chỉ là họ đã không thể hiểu nổi cái lý lẽ sâu xa đó. Họ lại còn gây nghiệp nặng khi trách móc ông Trời. Cặp vợ chồng dập đầu xin tha tội, nguyện sẽ sống tích đức để trả hết nợ nghiệp kiếp này.
Vừa đến lúc đó thì họ chợt tỉnh, hóa ra là giấc mộng điểm hóa. Hai vợ chồng ngậm ngùi bảo nhau chôn cất con, từ đó về sau vẫn chăm chỉ làm lụng, hàng ngày tu tâm dưỡng tính và không bao giờ trách móc ông Trời hay than thân trách phận. Họ đã hiểu ra rằng mình đang sống tạm ở kiếp này để trả nghiệp. Con người trải qua bao nhiêu kiếp, nếu đã gây tội thì phải hoàn trả ở kiếp sau. Bởi vậy, đừng bao giờ mở miệng than trách ông Trời bất công, đó không khác gì lại tích thêm nghiệp cho bản thân.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: