Cuộc sống chúng ta sẽ trọn vẹn, hạnh phúc hơn nếu như ai cũng thấm nhuần được bài học này từ Đức Phật. Ngài đã nói rằng sẽ có 4 người bạn đời xuất hiện trong cuộc đời mỗi chúng sinh nhưng hầu hết người bạn thứ tư lại bị xem nhẹ, coi thường.
Người sáng lập Phật giáo Tất Đạt Đa Cồ Đàm là một triết gia, học giả, sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ VI và IV trước Công nguyên. Về sau, hậu thế đã tôn vinh ngài là Đức Phật Gautama, hay Phật Thích Ca Mâu Ni.
Mặc dù sống cách chúng ta đến cả mấy ngàn năm, nhưng những tư tưởng tân tiến, thể hiện tầm nhìn xa và rất sâu rộng cũng như sự uyên thâm của ngài vẫn có giá trị thời đại và có thể áp dụng cho hậu thế trong việc nhìn nhận thế giới xung quanh, cũng như tìm ra lời giải cho những thắc mắc của họ trong cuộc sống.
Một trong những triết lý do ngài rao giảng, có một điều đã được nhiều người biết tới và coi là kim chỉ nam trong cuộc sống, đó chính là tư tưởng “Ai trong chúng ta cũng có 4 người bạn đời”. Nhưng trước hết, muốn hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng nghe 1 câu chuyện ngắn về 1 người đàn ông và 4 bà vợ.
Có một người đàn ông có 4 bà vợ. Đây không phải điều gì bất thường, vì ở Ấn Độ thời cổ đại, điều này là hợp pháp. Một ngày kia, người đàn ông này bỗng dưng ngã bệnh và sắp chết. Lúc lâm chung, ông cảm thấy vô cùng cô đơn, và yêu cầu người vợ đầu tiên đi cùng mình sang thế giới bên kia. “Vợ yêu quý, lúc nào tôi cũng yêu bà, chăm sóc cho bà trong suốt cuộc đời. Giờ tôi sắp chết rồi. Bà có thể đi cùng với tôi sau khi chết được không?”
Ông mong chờ lời đồng ý của người vợ. Tuy nhiên, bà lại đáp rằng: “Chồng yêu quý, tôi biết lúc nào ông cũng yêu tôi. Và ông sắp qua đời. Nhưng giờ đã đến lúc chúng ta chia tay. Tạm biệt chồng yêu dấu nhé”.
Lúc này, người đàn ông đành gọi người vợ thứ 2 đến bên giường và cầu xin bà hãy đi theo ông tới cõi vĩnh hằng. “Bà ơi, bà biết tôi vẫn luôn yêu bà như thế nào mà. Đôi khi tôi sợ bà sẽ rời xa tôi, nhưng tôi rất tin vào bà. Bà hãy đi cùng tôi nhé”, người đàn ông khẩn khoản.
Song, người vợ này cũng lại đáp lại một cách lạnh lùng: “Người vợ đầu của ông đã từ chối đi cùng ông xuống cõi âm rồi. Làm sao tôi có thể đi theo ông được? Ông chỉ yêu tôi vì sự ích kỷ của ông thôi”. Nằm trên giường trong cơn hấp hối, ông đành gọi đến bà vợ thứ 3 cũng với yêu cầu như trên.
Tuy nhiên, người này cũng từ chối: “Chồng yêu dấu, tôi rất thương ông và buồn cho phận mình. Vì thế tôi sẽ đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đây cũng là việc cuối cùng mà tôi có thể làm cho ông”.
Cuối cùng, chỉ còn lại người vợ thứ 4, người mà ông không mấy quan tâm. Ông đã đối xử với người này như với 1 nô lệ và luôn thể hiện sự khó chịu với cô. Vì vậy ông nghĩ, giờ nếu yêu cầu cô ấy cùng chết với mình, chắc chắn cô ấy sẽ từ chối. Dù vậy, sự cô đơn và nỗi sợ hãi của người sắp lìa xa cõi đời đã cho ông can đảm để đưa ra lời đề nghị như với 3 bà vợ kia.
Thật bất ngờ là người vợ này đã đồng ý yêu cầu của chồng. “Chồng yêu quý, em sẽ đi cùng anh. Cho dù điều gì có xảy ra, em cũng sẽ quyết tâm ở bên anh mãi mãi. Em không thể sống xa anh được”.
Vậy câu chuyện này có ý nghĩa gì? Bạn hiểu nó như thế nào? Dưới con mắt của Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm, câu chuyện này ẩn chứa một nội hàm sâu sắc, thâm thúy, vượt lên trên một câu chuyện về gia đình Ấn Độ thông thường thời cổ đại.
Theo Đức Phật, trong chúng ta, dù là nam hay nữ đều có 4 người bạn đời.
Người bạn đời thứ nhất: Chính là cơ thể chúng ta. Bất kể lúc nào chúng ta cũng yêu quý bản thân mình. Chúng ta tắm rửa, ăn uống, làm đẹp, chăm sóc, cung phụng cho bản thân giống như người đàn ông đã làm với người vợ thứ nhất trong câu chuyện này.
Tuy nhiên đáng tiếc, đến cuối đời, cơ thể ấy, hay người vợ ấy, ta lại chẳng thể đem theo mình sang thế giới bên kia.
Khi ta trút hơi thở cuối cùng, cơ thể ấy rồi cũng sẽ được hỏa táng, trở về với cát bụi, với hư không. Đó là quy luật định sẵn cho con người trong cuộc đời này.
Người bạn đời thứ 2: Chính là mối quan hệ giữa ta với cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè và xã hội. Họ sẽ đưa tiễn ta tới nơi an nghỉ cuối cùng và khóc thương ta. Họ cảm thông và buồn bã trước sự ra đi của ta.
Song, họ cũng không thể đi theo ta sang thế giới bên kia. Chúng ta sinh ra chỉ có 1 mình, chết đi cũng chỉ có 1 mình. Chẳng ai có thể đi cùng ta trong cuộc hành trình cuối cùng này.
Người bạn đời thứ 3: Chính là của cải vật chất, tiền bạc, tài sản, công việc, vị thế và danh tiếng của ta, những thứ mà ta phải làm việc khổ cực để có được chúng. Chúng ta luôn muốn có nhiều hơn và sợ mất những thứ vật chất này.
Nhưng đến cuối đời, chúng vẫn là những vật ngoài thân, ta cũng chẳng thể mang chúng theo mình.
Người bạn đời thứ 4: Phật Thích Ca Mâu Ni đã đề cập đến người vợ thứ 4, người đi cùng chồng tới cõi vĩnh hằng. Kỳ thực, bà chính là tâm hồn của chúng ta. Trong suốt cả cuộc đời mình, tâm hồn chúng ta có lẽ là điều ít được chúng ta quan tâm nhất.
Ta mặc sức để những cảm xúc tiêu cực chi phối nó, từ cơn giận dữ đến sự ham muốn, hay sự bất mãn.
Chúng ta chỉ lo làm việc kiếm tiền, chứ hiếm khi nghĩ xem nên làm thế nào để bồi đắp, gìn giữ cũng như làm đẹp cho tâm hồn mình. Thế nhưng, khi ta thác xuống, cũng chỉ có tâm hồn là có thể song hành với ta.
Thế nên: Với bản thân, hãy yêu quý, trân trọng, nhưng đừng nuông chiều quá mức, đừng khoác lên mình những bộ trang phục quá xa hoa đắt đỏ, hay ăn uống những món bằng cả năm đi làm của người khác. Hơn nữa, với tiền tài vật chất, đừng quá coi trọng rồi đánh đổi bằng những thứ quý giá.
Ngoài ra, với những mối quan hệ trong cuộc sống, đừng quá dựa dẫm, phụ thuộc, thậm chí có những hành động cực đoan khi ta không đạt được như ý nguyện.
Thay vì thế hãy dành ra một góc nhỏ yên bình cho tâm hồn của mình. Làm sao để năm tháng trôi qua, cho dù bạn có già đi, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ, biết yêu người, yêu đời và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: