Hơn 121 hành tinh có các Mặt trăng nhỏ bé vây quanh đủ điều kiện nuôi dưỡng sự sống ngoài hành tinh Trái đất phát triển. Nhưng vũ trụ là phép màu kỳ diệu và sự sống ngoài vũ trụ chưa chắc đã như chúng ta tưởng tượng và có thể nhận biết được.
Nhiều Mặt trăng này có thể là mái nhà của người ngoài hành tinh
Chuyện tìm ra các hành tinh mới nằm ngoài hệ Mặt trời là hết sức bình thường, nhất là với khả năng công nghệ hiện nay. Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã khiến nhiều người phải phấn khích chỉ với hơn 100 hành tinh mới thôi.
Vấn đề là các hành tinh này đều nằm trong vùng có thể nuôi dưỡng sự sống với sao chủ của chúng. Đặc biệt, các hành tinh này có khá nhiều Mặt trăng xoay quanh, và các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng chính số Mặt trăng này có thể là mái nhà của người ngoài hành tinh.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH California, Riverside (Mỹ) và ĐH Southern Queensland (Úc) đã sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn Kepler, và tìm ra 121 hành tinh mới. Hầu hết đều lớn gấp 3 lần Trái đất, và đều có mặt trăng khổng lồ làm vệ tinh. Hơn nữa, chính số mặt trăng này lại có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống cao hơn cả.
"Hầu hết là vệ tinh của sao Thổ và sao Mộc - nghĩa là vượt ra ngoài vùng có thể nuôi dưỡng sự sống của hệ. Tuy nhiên với các hệ sao - hành tinh khác trong vũ trụ, mọi chuyện sẽ khác."
"Nếu thêm cả các mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời (exomoon) vào trong số các đối tượng có thể nuôi dưỡng sự sống, chúng ta sẽ có rất nhiều lựa chọn."
Vấn đề duy nhất ở đây là chúng ta chưa thể xác nhận sự tồn tại của các exomoon. Thế nên nghiên cứu lần này mới được thực hiện, nhằm thu hẹp phạm vi tìm kiếm chỉ còn 121 hành tinh có thể chứa mặt trăng.
Người ngoài hành tinh sẽ rất khó nhận biết
Nhân loại vẫn đang tích cực thực hiện mọi phương án khai phá không gian vũ trụ nhằm nhanh chóng tìm ra một nơi có khả năng duy trì sự sống, hoặc tuyệt hơn là để biết nhân loại không cô đơn trong vũ trụ này.
Với rất nhiều tiến bộ trong cách xác định hành tinh mới và công nghệ quan sát thiên văn, dường như hy vọng đang ngày càng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến các nhà khoa học phải trăn trở. Liệu chúng ta có thể nhận ra được sự sống khi tìm thấy chúng?
Theo Mary Parenteau - chuyên gia vi sinh học tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, thì viễn cảnh ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, Parenteau đã thực hiện một nghiên cứu, cho rằng con người nên hướng đến các loại "tín hiệu sinh học", thay vì các dấu hiệu thông thường.
"Một hành tinh có sự sống sẽ trông như thế nào?" - trích lời Parenteau.
"Chúng ta phải mở ra các giả định, rằng sự sống ngoài hành tinh có thể rất khác so với Trái đất. Ví dụ, hành tinh của họ có màu tím, thay vì màu xanh chẳng hạn. Đó là các dấu hiệu sinh học, và chúng rất đa dạng."
Sự sống trên hành tinh khác vô cùng đa dạng và khác với tưởng tượng của chúng ta |
Hiện tại, việc xác định oxy trong khí quyển của một hành tinh được xem là tín hiệu khả quan nhất để tồn tại sự sống, nhưng không có gì chắc chắn cả. Dù đúng là quá trình quang hợp của thực vật sẽ tạo ra oxy, nhưng chúng cũng có thể được tạo ra nhờ một số phản ứng hóa học mà chẳng cần đến sự sống nào cả. Và đặc biệt, có những dạng sống vẫn tồn tại được mà chẳng cần đến oxy.
"Trái đất thời kỳ đầu có khi chẳng có oxy đâu, nhưng sự sống vẫn dồi dào" - Victoria Meadows, nhà thiên văn tại ĐH Washington chia sẻ.
"Chính loại khí này đã cho chúng ta hiểu rằng chỉ một tín hiệu sinh học là chưa đủ để xác định sự sống".
Chính vì vậy, nghiên cứu của Parenteau chỉ ra, chúng ta không nên chỉ hướng đến một dấu hiệu, mà phải nhiều loại cùng một lúc. Các giả định tốt nhất về sự sống sẽ đến từ một góc nhìn rộng hơn, xét cả đặc điểm của hành tinh lẫn sao chủ nữa.
"Chúng ta đang tiến đến một thời kỳ mà câu hỏi bấy lâu nay sẽ được giải đáp: Nhân loại có cô đơn không?" - trích lời Martin Still, chuyên gia nghiên cứu ngoại hành tinh (exoplanet) của NASA.
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: