Có một con lắc được treo bởi một sợi dây thừng. Con lắc này được cấu tạo bởi 3 lớp vật chất rắn, lỏng, khí khác nhau (xác, vía, trí).
Con lắc được kích động bởi sợi dây thừng (tâm), cùng với các lớp vật chất của nó có khả năng tương tác với môi trường xung quanh, cho nên nó bắt đầu chuyển động, đưa qua đưa lại.
Qua một thời gian đưa qua đưa lại, con lắc bắt đầu nhận ra rằng nó đang ở trong một không gian vô cùng to lớn. Không gian đó ở khắp mọi nơi, không những ở bên ngoài nó, mà còn ở bên trong nó nữa.
Con lắc bắt đầu suy nghĩ: Nếu mọi vật chất trong nó tan ra hết, ngay cả dây thừng, thì cái còn lại là cái gì. Đó chính là không gian. Không gian vẫn luôn ở đó. Không sinh không diệt. Hoàn toàn yên tĩnh. Vô cùng vô tận. Và vô ngã, không thuộc một ai.
Con lắc có thể nhận thức được không gian, nhận biết không gian, vì không gian thì ở trong và ở ngoài nó. Khi thấy được không gian, và chỉ nhận biết 1 mình không gian, nó thực sự thấy yên tĩnh và an lạc, không khó chịu nặng nề khổ đau.
Hi vọng ví dụ này có thể soi sáng cho các bạn về cái gì thực sự là Niết bàn, cái gì thực sự là tâm. Niết bàn là không gian, tâm ấy là dây thừng, cùng với các thân thể nó mang trên mình.
Tiến lên phía trên, ta có thể thấy dây thừng này được gắn cũng bởi 1 con lắc, cũng cấu tạo bởi 3 loại vật chất khác nhau, tuy nhiên các loại vật chất này thì vi tế và thanh nhẹ hơn loại vật chất cấu tạo nên con lắc bên dưới. (Ta gọi con lắc dưới là con lắc A, con lắc phía trên là con lắc B).
Ta cũng sẽ thấy rằng, dây thừng gắn với con lắc A thì được làm bằng một loại vật chất cấu tạo nên con lắc B. Mọi tương tác và tín hiệu của con lắc A được truyền lên con lắc B, cho nên con lắc B biết hết mọi thứ mà con lắc A trải nghiệm. Con lắc B cũng truyền những hiểu biết và tư tưởng xuống con lắc A, tuy nhiên khi mà con lắc A quá nặng nề và quá dính mắc, nó có vẻ sẽ không nghe hoặc không làm theo lời con lắc B. Con lắc B chỉ đơn giản là nhìn con lắc A trong đau khổ và chờ 1 ngày nào đó nó có thể dễ bảo hơn.
Con người, nếu kết nối được với chân ngã và lắng nghe lời chân ngã thì đó là một điều rất tốt, thúc đẩy quá trình tiến hóa nhanh hơn, đồng thời sẽ bớt sai lầm, đau khổ hơn. Tuy nhiên sự kết nối và thông tin chưa hẳn là chuẩn xác khi mà liên kết giữa chân ngã và phàm ngã chưa ổn định, có quá nhiều vấn đề trong phàm ngã, cũng như môi trường bất ổn làm nhiễu loạn thông tin.
Các bạn sẽ hỏi là một người nếu không kết nối với chân ngã, liệu có thể thấy Niết Bàn được không? Tất nhiên là có chứ. Ngày xưa, Đức Phật và các vị Thánh đâu có nói tới vấn đề kết nối chân ngã hay linh hồn. Trong kinh điển cũng không nhắc tới việc đó. Các Ngài chỉ dựa vào tự thân, quán xét tột cùng vào bên trong, nhìn sâu xa vào bên trong, là cũng có thể thấy được Niết bàn, mà không cần đến ảnh hưởng của chân ngã. Tất nhiên là khi một người thực sự biết giữ gìn và tu tập, chân ngã chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới họ theo những cách khác nhau.
Do vật chất của con lắc B là thanh nhẹ, vi tế và to lớn, cho nên con lắc B có thể dễ dàng nhận ra không gian chứa bên trong nó, cho nên lúc nào nó cũng thấy được sự yên tĩnh của không gian, cho nên hầu như nó không có đau khổ như con lắc A.
Nếu nhìn lên phía trên, ta cũng sẽ thấy con lắc B lại được gắn bởi 1 sợi dây được nối từ con lắc C. Và cứ tiếp tục lên nữa, lại có 1 con lắc khác nữa. Càng lên trên các con lắc càng ngày càng to và vật chất càng vi tế hơn, tuy nhiên, vẫn chỉ ở trong cùng 1 loại không gian mà thôi. Ấy là Niết Bàn, hay người ta còn gọi là Thượng Đế tính, Phật tính.
Thấy được Niết bàn, là buông bỏ được dính mắc với vật chất, là thoát khỏi mọi khổ đau.
Nguyện cho vạn vật được thái bình
Mong cho tất cả thoát khỏi khổ đau
Mong cho tất cả sớm chứng ngộ Niết bàn.
Nguồn: Fb Không Không
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: