Nhiều người nhầm lẫn Niết Bàn trong Phật Giáo và cõi Niết Bàn trong Thông Thiên Học là một. Thực chất, đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Niết Bàn trong Phật giáo có nghĩa là sự dập tắt, sự diệt tắt. Sự dập tắt cái gì? Đó là sự dập tắt ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê trong tâm con người. Đó là trạng thái giải thoát của chúng sinh. Đó là trạng thái tinh thần bất sinh bất diệt, luôn hằng hữu, luôn thanh tịnh, có mặt đời đời, vô ngã, an lạc, không khổ đau, người ta còn gọi nó là Phật tính, Thượng Đế tính. Ấy là tính Phật, tính Thượng Đế tồn tại ở khắp mọi nơi, trong toàn bộ càn khôn vũ trụ, chứ không phải là một cõi riêng biệt nào hay một dạng vật chất cụ thể nào. Một người thấy được Niết Bàn, thấy được Phật tính, ấy là thấy được bản chất chân thật của chính mình, cái ngã tối thượng của chính mình, tức là thấy được Thượng Đế trong mình.
Còn cõi Niết Bàn theo Thông Thiên Học, được cấu tạo bởi một loại vật chất vô cùng vi tế, luôn rung động và sinh diệt không ngừng. Một vật gì đã có sinh, thì ắt hẳn có diệt, đó là quy luật tất yếu. Cõi Niết Bàn ấy một ngày rồi cũng diệt đi, theo cùng thời gian sinh diệt của Thái Dương hệ, bởi cõi này thuộc Thái Dương hệ. Tuy nhiên nó có thể là rất lâu dài, tương đối trường tồn nếu so với cái nhìn của con người Trái Đất. Có một điểm tương đồng là các vị Phật thường hoạt động ở cõi Niết Bàn, cho nên nhiều người đã dùng từ Niết Bàn để đặt tên cho cõi ấy, nhưng Niết bàn trong Phật giáo thì không phải là cõi Niết bàn ấy, mà nó là 1 trạng thái tinh thần, hay Phật tính, Thượng đế tính.
Mà Phật tính ấy ở trong mỗi linh hồn là như nhau, cho nên sự giải thoát là như nhau đối với một vị Phật hay một vị A la hán, tuy nhiên vị Phật thì có trí tuệ siêu việt và sinh hoạt ở cảnh giới cao hơn vị A la hán.
Trong Thái dương hệ, có 7 cảnh giới chính, ấy là:
1.Cõi hạ giới (thế giới vật chất đậm đặc và thế giới dĩ thái)
2.Cõi trung giới (thế giới cảm dục và thế giới astral)
3.Cõi thượng giới (thế giới cõi trí và thế giới nhân quả)
4.Cõi bồ đề (bồ đề thấp và bồ đề cao): các bậc thánh giải thoát
5.Cõi niết bàn(thấp & cao): các vị Phật
6.Cõi đại niết bàn
7.Cõi tối đại niết bàn
Một Linh Hồn-Tiểu Thượng Đế, thì tồn tại ở tất cả mọi chiều kích, tuy nhiên, LH đó sẽ hoạt động chủ yếu ở một vài cõi giới nhất định tùy theo trình độ tiến hóa của mình.
Ví dụ như linh hồn phàm nhân thì hoạt động chủ yếu ở cõi trần, LH chư thiên hoạt động ở cõi trung giới, LH bậc thánh giải thoát hoạt động ở cõi bồ đề thấp, LH Phật hoạt động ở cõi Niết bàn...
Các LH trên Trái Đất chủ yếu hoạt động ở các cõi hạ giới, trung giới và thượng giới (tam giới). Khi LH giác ngộ giải thoát, LH có thể tiến lên cõi bồ đề để hoạt động. Mỗi 1 cõi có 1 thân thể riêng và cách thức hoạt động riêng, tuy nhiên tất cả các cõi đều có liên kết chặt chẽ với nhau.
Bất kỳ LH nào cũng gắn với một dạng vật chất nào đó, trên một hoặc nhiều cảnh giới. Không có LH không ở trong một dạng vật chất, bởi vật chất và tinh thần luôn đi cùng với nhau. Không có vật chất nào không có tinh thần, và không có tinh thần nào không mang vật chất, đó là quy luật bất biến.
Cho nên, Niết bàn mà Đức Phật Thích Ca nói, chính là trạng thái tinh thần, là tinh thần Thượng đế, thấy được nó là thấy được chân lý, là đạt Đạo, là giải thoát, là bất tử. Bởi con người luôn dính mắc với vật chất, mà vật chất vốn vô thường, mà vô thường thì sinh ra khổ đau, cho nên con người bị khổ đau. Đức Phật Thích Ca đã xuống trần gian, cho con người thấy Niết Bàn, cái không sinh diệt, cái bất tử, chỉ cần buông bỏ mọi dính mắc với vật chất vô thường là sẽ giải thoát được mọi khổ đau, đạt cứu cánh Niết bàn, là sự giải thoát thực sự, là sự tự do thực sự, là tình yêu trường tồn, là hạnh phúc mãi mãi.
Nói đơn giản, con người là một tiểu linh hồn mang 3 thân thể là thể xác, thể vía, thể trí, đang hoạt động ở trong 3 cõi hạ giới, trung giới và thượng giới. Con người thường chấp 3 cái thân thể ấy là linh hồn mình, dính mắc vào các vật chất thuộc 3 cõi ấy, cho nên sinh ra đau khổ. Chỉ cần không chấp thủ vào 3 thân thể ấy, không dính mắc vào 3 cõi giới ấy, thì sẽ thấy được bản chất thực sự của linh hồn, là Niết bàn, là giải thoát, là ra khỏi tam giới.
Tóm lại, Niết Bàn là Phật tính
Cõi Niết Bàn là một cõi giới thuộc Thái Dương hệ
Nhìn ra thế giới, bạn thấy muôn điều kỳ diệu đáng kinh ngạc
Nhìn vào bên trong, bạn cũng sẽ thấy mình to lớn, đầy quyền năng và vô cùng vĩ đại.
Mong cho vạn vật được thái bình
Nguyện cho tất cả sớm chứng ngộ Phật tánh.
Nguồn: Fb Không Không
Vui lòng trích dẫn link nguồn khi copy nội dung bài viết này! Trân trọng cảm ơn
0 comments: